Ngõ đạo tặc

Phố cổ Hà Nội, sau bao nhiêu năm tháng biến đổi, cùng với nhu cầu ngày càng lớn của cư dân sinh sống ở đây, nhà cửa, ngõ phố dần trở nên chật chội…

Có những con đường đã trở thành ngõ hẻm, có những con ngõ đã phải nhường một phần không gian để người ta cơi nới làm nhà ở.

Và lâu dần, những con đường trở thành ngõ nhỏ, chật chội và sâu hun hút, giống như những địa đạo chạy ngoằn nghoèo nối từ phố này sang phố khác…

 

Phố cổ Hà Nội bây giờ không còn nhiều những con ngõ thông nhau, hai đầu nối với hai tuyến phố khác nhau, nhưng cũng không phải là hiếm. Những người lạ, từ nơi khác đến chắc hẳn không thể biết và nếu có biết cũng chẳng mấy người dám “chui” vào những con ngõ tối om ấy mà đi, mà khám phá.

Những con ngõ nhỏ kéo dài hàng chục, thậm chí hàng trăm mét từ phố này sang phố khác, gần như không có một tia sáng mặt trời chiếu rọi. Chúng đã tồn tại hàng chục, hàng trăm năm rồi, có lẽ là cùng với sự hình thành của đô thị này.

Chỉ có điều ngày càng thu hẹp, nhỏ lại, tỷ lệ nghịch với nhu cầu mở rộng không gian sinh hoạt của con người, của những căn hộ chạy dọc hai bên ngõ. Những con ngõ ấy, cho cái cảm giác như nó là nơi lưu giữ những bí ẩn về cuộc sống của người Hà Nội, người phố cổ.

Và cũng đủ chuyện dở khóc, dở cười đi ra từ những con ngõ nhỏ ấy.

Ảnh: Quang Hùng/VOVGT

Những gia đình có người già bệnh tật lâu năm, khi gần đất xa trời người nhà phải đưa đến bệnh viện chứ không dám để ở nhà vì ngõ hẻm quá chật. Người nào chẳng may ốm đau trong nhà, xe cấp cứu, cáng cứu thương cũng chẳng thể vào được, đành phải cõng đưa ra ngoài đầu ngõ…

Câu chuyện Người ngựa, Ngựa người của ông nhà văn Nguyễn Công Hoan khi xưa ngỡ tưởng chẳng phải ở đời thực. Ấy vậy mà thỉnh thoảng, trên phố, cánh xe ôm, taxi vẫn gặp như thường.

Có chuyện thế này, cả gia đình ở ngõ Hàng Quạt, đang bữa cơm chiều bỗng thấy một người đàn ông chạy thẳng vào, gật đầu chào rồi điềm nhiên ngồi rót nước trên bàn uống như thể người nhà, ngó nghênh một hồi rồi anh ta đứng dậy đội mũ đi thẳng trong sự ngơ ngác tột cùng của gia chủ.

Vài phút sau thấp thoáng bóng mấy anh công an hớt hải chạy qua. Sau mới biết anh kia là tội phạm đang bị truy bắt… Con ngõ ấy dài mấy trăm mét, thông ra tận Hàng Chỉ. Người lạ chưa đi qua bao giờ chắc chắn không biết, vì ngõ vào chỉ vừa đúng cho một người lách qua. Chuyện cũng lâu lắm rồi.

Chuyện cánh xe ôm bị khách lừa đứng chờ vào nhà lấy tiền trả xảy ra như cơm bữa, cũng bởi phố cổ có rất nhiều con ngõ thông nhau là như thế.

"Ở đây bị “bùng” nhiều lắm, taxi còn bị lừa để cả túi trên xe trong toàn giẻ rách, bảo hàng của họ chờ vào nhà gọi người ra khiêng, cuối cùng chờ mãi chả thấy đâu…"

"Còn có xe ôm bị lừa cả điện thoại, cho mượn điện thoại để gọi để vào gọi người nhà xuống…"

"Phải báo lên phường đây là ngõ thông nhau nhiều người bị lừa, nên công an phường xuống gắn biển cảnh báo. Từ ngày có biển gắn đầu ngõ không ai còn bị lừa nữa…"

Ảnh: Quang Hùng/VOVGT

Chuyện kể vậy thôi, chứ bây giờ ở hầu hết ngõ phố, người dân và chính quyền địa phương đã nâng cao cảnh giác, các lối ngõ thông nhau đều được gắn biển cảnh báo để người lạ không “mắc mưu” kẻ gian. Nên cũng chẳng còn mấy cơ hội cho những kẻ muốn tái hiện câu chuyện Người ngựa – Ngựa người khi xưa…

Những con ngõ nhỏ kéo dài cả trăm mét, nối liền từ phố này sang phố kia, như những địa đạo trong một mê cung mờ ảo, ở một thời điểm nào đó, có thể khiến người lạ gặp chuyện chẳng mong muốn. Nhưng, nó cũng chính là những con đường, nơi dẫn ta vào một thế giới hoàn toàn khác, tách biệt với bên ngoài ồn ào náo nhiệt.

Người ta bảo, phố cổ, là linh hồn của Hà Nội, nhưng, nhìn sâu hơn thì người dân trong đó, cuộc sống của họ, chính là linh hồn của phố cổ, với những ngõ nhỏ, như những mạch máu dọc ngang nuôi sống cơ thể bao lấy linh hồn đó.

Cuộc sống ấy, không gian đó không dành cho số đông, nhưng sẽ luôn là một nét độc đáo của phố cổ, hấp dẫn với những người tò mò, muốn khám phá một góc rất khác của cuộc sống thị dân, ngay giữa lòng Hà Nội.