Nghịch lý đi theo đèn vẫn… cài răng lược

Để giảm thiểu xung đột giao thông tại các nút giao có đèn tín hiệu, cơ quan chức năng đã cài đặt độ trễ của thời gian, dù một hướng đã chuyển đèn đỏ nhưng hướng khác chưa chuyển đèn xanh ngay, nhằm giúp các phương tiện không mắc kẹt giữa nút giao. Tuy nhiên, nghịch lý vẫn xảy ra tại nhiều khu vực.

Điển hình là các nút giao lớn trên QL5, vào giờ cao điểm, xung đột giao thông khá dữ dội giữa hướng đi thẳng và rẽ trái trên các trục đường cắt ngang quốc lộ. Hãy cùng VOV Giao thông trò chuyện với người tham gia giao thông tại khu vực này:

PV: Xin chào anh, mời anh giới thiệu một chút với thính giả của VOV Giao thông!

Tôi là Lê Công Đức, lái xe buýt tuyến số 59 của công ty Bảo Yến.

PV: Vâng, là một bác tài xe buýt, chắc hẳn ùn tắc trên tuyến QL5 là chuyện thường ngày với anh?

Giờ cao điểm, thứ nhất là đường tàu, thứ hai là hai đèn đi thẳng và rẽ trái chung nhau. Nên người đi thẳng và người rẽ trái “lao” vào nhau, tranh nhau đi, gây ra ùn tắc rất nhiều trong khung giờ cao điểm ở ngã tư Trâu Quỳ, KCN Hanel và Thạch Bàn cũng vậy.

PV: Vâng, anh cảm thấy thế nào khi có đèn tín hiệu nhưng xung đột giao thông vẫn xảy ra?

Rất áp lực khi điều khiển xe buýt trong giờ cao điểm, và tất cả phương tiện không cứ xe buýt, xe tải, xe con, xe gắn máy cũng vậy thôi. Rất mong là các đơn vị chức năng về đèn giải quyết tình huống này để giảm bớt áp lực và ùn tắc giao thông.

PV: Vâng, theo anh giải pháp nào có thể khắc phục?

Theo tôi nên giải quyết là có đèn rẽ trái riêng, đèn đi thẳng riêng để các phương tiện được lưu thoát tốt hơn.

Cũng nên để đỗ trễ khoảng 5-10 giây để những xe đang ở ngã tư đấy, người ta đang đi tốc độ chậm, chưa lưu thoát hết, người đi hết đi thì sau đó những tuyến đường khác mới đi tiếp, sẽ an toàn hơn, giảm ùn tắc rất nhiều.

PV: Cảm ơn anh với những chia sẻ cùng VOV Giao thông!           

Tại các nút giao không có đèn tín hiệu riêng cho các hướng rẽ, xung đột giao thông thường xảy ra trong giờ cao điểm giữa các phương tiện đi thẳng và rẽ trái. Hình ảnh tại ngã tư Sài Đồng - QL5. Ảnh - Minh Hiếu

Xung đột giữa dòng phương tiện đi thẳng và rẽ trái khiến ô tô mắc kẹt giữa nút giao, còn với xe hai bánh, liệu khả năng lưu thoát liệu có tốt hơn không? Chúng ta sẽ cùng tiếp tục trò chuyện với người tham gia giao thông.

PV: Xin chào anh, anh có hay gặp tình trạng xung đột giao dù nút giao có đèn tín hiệu?

Có, mình thấy bên Cổ Nhuế, rất là đông nhưng đèn bất cập. Mình đi hướng đường vành đai 3 đi vào, mình rẽ trái sang đường bệnh viện E, đúng đèn của mình thì mình không đi được, các phương tiện đi thẳng thì mình không thể rẽ được.

PV: Vâng, trong trường hợp đấy thì anh làm thế nào?

Mình phải chờ, chờ đến khi nào người ta đi hết thì mình mới đi được thôi, chứ biết làm thế nào bây giờ. Mình nằm ở giữa thì không đi được, đi thì sẽ xảy ra va chạm ngay.

PV: Vậy theo anh sẽ cần có giải pháp gì?

Theo mình thì cứ phải thêm đèn, ông nào đi hướng nào thì phải thêm đèn rẽ hướng đấy. Chứ bây giờ rẽ trái và đi thẳng cùng một lúc thì xảy ra xung đột liên tục.

PV: Vâng, nhưng thêm nhịp đèn thì số giây đèn đỏ ở các hướng đều phải tăng lên và phải chờ đợi lâu hơn.

Đường phố Hà Nội mình thì biết rồi, lưu lượng cao thì dừng chờ một vài phút chẳng ảnh hưởng gì cả. Ví dụ lưu lượng người rẽ trái ít thì mình làm số giây bớt đi, còn đi thẳng sẽ dài thời lượng hơn.

PV: Vâng, anh có mong muốn nào khác gửi tới cơ quan quản lý?

Nói thật là bố trí đèn đi chăng nữa, nút giao nào đông thì vẫn phải có lực lượng CSGT đứng đấy điều khiển thì mới tránh trường hợp tắc nghẽn được. Đông quá thì đèn cũng không giải quyết được vấn đề gì.

PV: Vâng, cảm ơn anh rất nhiều!

Với thực tế hiện nay, người tham gia giao thông mong các cơ quan chức năng sẽ thường xuyên bám sát tình hình, nghiên cứu để tối ưu hóa tổ chức giao thông tại từng nút giao; sao cho giảm thiểu xung đột; ứng dụng công nghệ nhiều hơn để các cụm đèn hỗ trợ đắc lực cho việc tổ chức giao thông, giúp người dân đi lại an toàn và trật tự.