Nghị lực của một “vầng trăng khuyết”

Từ những ngày tập tành khởi nghiệp với hoa sáp đến nay, thấm thoát đã hơn 3 năm, Yến Nhi không nhớ nổi mình đã tạo nên bao nhiêu sản phẩm cho khách hàng.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, chị Bùi Thị Yến Nhi hay còn được mọi người yêu mến với biệt danh “Nàng Út ống tre” có hoàn cảnh đặc biệt hơn bạn bè cùng trang lứa khác.

Dù có thân hình nhỏ nhắn và phải di chuyển bằng 10 đầu ngón chân nhưng Yến Nhi không khuất phục số phận mà vẫn quyết tâm vươn lên, mày mò tự học và tự khởi nghiệp với công việc kinh doanh hoa sáp.

Chưa dừng lại ở đó, “nàng út ống tre” còn truyền năng lượng tích cực cho những bạn cùng cảnh ngộ, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. 

“Nàng Út ống tre” Yến Nhi bên sản phẩm của mình - Ảnh baohaugiang

PV: Chào Yến Nhi, từ đâu mình có ý tưởng làm và kinh doanh những sản phẩm từ hoa sáp?

Chị Nhi: Em đam mê hoa, giống như là mình không muốn chôn vùi số phận của mình. Em thấy là mình phải vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống nên em tìm về hoa.

Em nghĩ là mình sẽ kinh doanh một mặt hàng nào đó, duyên của em đến với hoa nên em kinh doanh hoa.

PV: Hồi năm 2019, khi mới bắt đầu làm thì Nhi có đi học nghề ở đâu hay tự sáng tạo ra?

Chị Nhi: Em không học của bất cứ người nào hết. Em đâu có đủ điều kiện để mình đi học rồi đưa rước này kia nên tự em mày mò hết.

Từ những cái sản phẩm ban đầu là tự em làm, để ở nhà em trưng bày, em chỉ đăng lên những trang mạng xã hội thôi không ngờ cộng đồng mạng người ta chú ý đến sản phẩm của mình nên em mới có ý tưởng kinh doanh hoa sáp.

Thị trường bây giờ rất đa dạng, nên em cũng chạy theo nhu cầu thị trường là khách yêu cầu cái nào em sẽ làm cái đó.

PV: Việc tự học, tự mày mò sáng tạo mẫu mã rồi tự tìm khách hàng với công việc nào thì chắc chắn sẽ gặp không ít trở ngại. Với bản thân Nhi thì đó là những rào cản nào?

Chị Nhi: Mình ở quê, muốn tìm một nguồn hàng hợp lý thì em phải đi Sài Gòn. Một thân 1 mình phải tự đi hết, tự tìm nguồn hàng. Đam mê của mình thì không có ngại khó khăn, cứ nghĩ là mình nhỏ mình sẽ không làm được.

Đối với em, em chưa bao giờ nghĩ mình là một người nhỏ hay là một người tàn tật hay là cái gì hết, em chỉ nghĩ em là một người bình thường. Tại sao một người bình thường người ta có thể làm được mà em tại sao em không? Em cứ nghĩ như vậy thì em cứ làm thôi.

PV: Có khi nào mình cảm thấy mệt mỏi, muốn bỏ cuộc không? Rồi làm gì để mình vượt qua để tiếp tục đi trên con đường mà Nhi đã chọn?

Chị Nhi: Chưa bao giờ em muốn bỏ cuộc hết. Mệt thì vẫn có mệt nhưng khi thấy khách hàng đến khen em ơi bó hoa em làm cho anh, cho chị rất là đẹp tự dưng mình sẽ hết mình. Mình đã tạo được niềm vui cho người khác cho nên mình không bao giờ mệt.

PV: Hiện nay, sản phẩm của Nhi được phân phối đến những đâu?

Chị Nhi: Thị trường em bán hầu như là toàn quốc. Nếu như mình muốn đứng vững ở thị trường mà hoa sáp không thì mình không thể nào đứng vững được, mình phải có cái mới, mình sẽ chế tạo mẫu mã, cải tiến từng ngày. M ình phải chiều lòng khách hàng.

PV: Sắp tới, Nhi có những dự định gì cho công việc của mình?

Chị Nhi: Sau này mà nó mở rộng ra được hơn nữa thì có thể làm tạo thu nhập cho những chị em phụ nữ ở đây hoặc là những bạn khuyết tật giống như em vầy nè muốn kinh doanh nhưng lại ít vốn, không có vốn, không biết mình kinh doanh từ đầu thì em có thể hỗ trợ, tư vấn khách hàng.

Em đặt vào hoàn cảnh của người khác, người ta muốn đi tìm việc làm nhưng mà người ta không biết bắt nguồn từ đâu thì em muốn là sau này thí dụ như em kinh doanh hoa này nó phát triển nhiều hơn nữa, nhiều người biết đến em thì em sẽ tạo cộng tác viên nhiều hơn.

PV: Qua câu chuyện của mình, Nhi có lời khuyên gì cho các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn có cùng hoàn cảnh như mình?

Chị Nhi: Em không có phải than khổ hay là gì, mình mặc cảm, tự ti. Năng lượng lúc nào cũng tích cực, chỉ cần là đừng chùn bước. Những bạn hoàn cảnh khó khăn hay là mặc cảm, tự ti, muốn vượt lên số phận nhưng mà không biết cách để làm, nên là em chỉ muốn tiếp sức năng lượng đến tất cả mọi người.

Em chỉ muốn khẳng định bản thân, mình nhỏ nhưng mình vẫn có thể làm được mà.

PV: Cám ơn Nhi rất nhiều với những chia sẻ vừa rồi về câu chuyện khởi nghiệp bằng niềm đam mê và năng lực tích cực mà bạn truyền cho nhiều quý vị thính giả đang theo dõi chương trình.

Ảnh nh họa - Internet

Từ những ngày tập tành khởi nghiệp với hoa sáp đến nay, thấm thoát đã hơn 3 năm, Yến Nhi không nhớ nổi mình đã tạo nên bao nhiêu sản phẩm cho khách hàng. Nghề dạy nghề, từ những ngày đầu, chỉ có vài đơn hàng, đến nay khách hàng của “Nàng Út ống tre” đến từ nhiều vùng, ền trong cả nước. Khách hàng chủ yếu đặt mua qua các trang mạng xã hội. Những dịp lễ, tết là thời gian bận rộn nhất. Cái hay của cô gái nhỏ là luôn tìm tòi, sáng tạo những mẫu mã mới, thiết kế độc đáo, bắt mắt… vừa để tăng sức cạnh tranh vừa là cách để chị giữ chân khách hàng.

Do lượng lớn khách hàng mua qua mạng xã hội nên chuyện đối mặt với rủi ro là điều chị Nhi và những người kinh doanh khác không tránh khỏi. Những lúc như vậy, thay vì buồn rầu, muốn từ bỏ thì Yến Nhi lại chọn cách đối diện khác.

"Mình cũng không bao giờ chùn bước trước bất cứ khó khăn, trở ngại. Đôi khi những đơn hàng khách đặt mà khách không lấy, boom hàng, cái đó cơi như cái vấp ngã để cho mình biết cách đứng lên chứ đâu ai giúp đỡ mình".

Khi được hỏi về dự định tương lai, mong ước của cô gái nhỏ là có thể mở rộng kinh doanh, tạo thu nhập cho những chị em phụ nữ địa phương hoặc hỗ trợ những bạn khuyết tật giống em muốn kinh doanh nhưng mà ít vốn, không có vốn, không biết làm từ đâu.

Chia sẻ với Cảm hứng Mekong, Yến Nhi phấn khởi cho biết ý tưởng kinh doanh hoa sáp của chị đã xuất sắc giành Giải 3 từ cuộc thi “Tìm ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp của Phụ nữ tỉnh Hậu Giang năm 2022”. Đây là sự khích lệ, ghi nhận cho những cố gắng không mệt mỏi của chị và những cộng tác viên thời gian qua:

"Em làm với chị Nhi được 3 mùa lễ rồi, em nể chị tại vì chị nhỏ nhắn nhưng mà có niềm đam mê lớn, chị tự kinh doanh được nên em cũng phụ chị một phần, còn một phần là chị cũng chỉ cho em làm nữa. Em cũng đam mê giống chị. Em cũng có ý định giống vậy, nếu mà chị mở shop thì em sẽ về đây phụ chị".

"Bé này là ý chí vươn lên từ lúc còn đi học lận. Khi mà học xong rồi, trước khi tham gia vào làm cái nghề này thì nó tham gia vào cái đan lục bình ở địa phương nhưng mà cái đam mê của nó tìm hiểu về cái này nó có ý tưởng hơn.

Mặc dù không có được như mọi người khác, em này không có vì chỗ đó mà lùi bước mà nó vẫn tìm tòi, học hỏi. Là một nghị lực vươn lên, một cái điểm mà chị cũng nghĩ là phải nhân rộng ra.

Tụi chị tạo điều kiện thật là thuận lợi để cho em này phát triển thêm nữa, đào tạo được thêm lực lượng để kế thừa, vừa giới thiệu sản phẩm, vừa giới thiệu việc làm cho chị em phụ nữ ở địa phương".