Nghỉ lễ, đường đông, gặp va chạm nhỏ thì bỏ qua…

Trong những ngày nghỉ lễ, lưu lượng phương tiện đổ ra các tuyến cửa ngõ, quốc lộ, cao tốc rất cao. Nguy cơ va chạm giao thông cũng theo đó tăng lên. Để giảm thiểu căng thẳng cũng như bạo lực sau va chạm, cần hiểu biết pháp luật, kinh nghiệm từ các bác tài.

VOV Giao thông đã có dịp tìm hiểu cách ứng xử, giải quyết tình huống từ anh Nguyễn Khắc Tài, một tài xế chuyên nghiệp chạy các tuyến Hà Nội đi Ninh Bình, Hạ Long, Sa Pa.

Gần đây, xảy ra không ít vụ va chạm giao thông dẫn tới bạo lực. Theo anh, vấn đề có phải chủ yếu xuất phát từ tính cách của người trong cuộc?

Tình trạng đấy có, nó sẽ phụ thuộc vào từng dòng xe. Thực ra dòng xe nào cũng có người này, người kia, nhưng các va chạm hay xảy ra với dòng xe khách tuyến cố định, xe ben, xe tải.

Một số lái xe tính cách vẫn “chợ búa”, vẫn hậm hực nhau. Ví dụ có một chiếc xe khác đi sau lên, tạt gấp đầu cái là bực bội vọt lên tạt đầu lại.

Nói chung, ngành nghề nào cũng vậy, có người này người kia. Cũng có những bác tài rất điềm đạm.

Theo tài xế Nguyễn Khắc Tài, chỉ một phút nóng giận, mất bình tĩnh, tài xế có thể từ đúng thành sai.

Cá nhân anh thì sao? Anh thường gặp những va chạm thế nào và cách xử lý ra sao?

Em thì va chạm nhẹ cũng có rồi. Xe khác đi sau, mình dừng đèn đỏ, họ va chạm đuôi xe, sườn xe. Mình cũng xuống trao đổi, nhẹ thì bỏ qua. Còn hỏng nặng một chút thì hai bên trao đổi, tìm cách xử lý. Lỗi ai thì người đó chịu thôi.

Lần gần nhất của anh như thế nào?

Lần gần nhất cách đây cũng tầm 2 tháng rồi. Em đi trên đường Mỹ Đình, gần đèn đỏ thì có một cậu xe máy phi thẳng vào đuôi xe.

Cũng may mắn bánh xe mình cao nên xe máy chui xuống dưới gầm, xước nhẹ thôi, không ảnh hưởng gì cả. Nên em cũng xuống nhắc nhở, bỏ qua.

Còn nếu với lỗi nặng hơn, mà hai bên chưa tìm được tiếng nói chung?

Nói chung, với kinh nghiệm của em. Mình là người đi làm, với công việc của mình trên hết phải bình tĩnh, từ từ xem xét nhường nhịn nhau, không nên căng nhau làm gì.

Trên đường, gặp tất cả tình huống thì tốt nhất là bình tĩnh. Ngành nghề nào cũng vậy, có người nóng nảy, tính cách họ gây hấn lại ngay. Mình tốt nhất dừng xe lại để giải quyết, không nên phản ứng lại ngay.

Mình cũng có camera hành trình trước và trong xe rồi, có vấn đề gì đã có bằng chứng…

Đúng rồi, tốt nhất cứ bình tĩnh, nếu phản ứng ngay mình chưa kịp suy nghĩ, chưa chuẩn. Chỉ một phút bực bội là mình sai ngay, đang đúng thành sai.

Nếu va chạm xảy ra, hai bên vẫn không giải quyết được với nhau thì bắt buộc phải nhờ cơ quan chức năng phân xử. Về tài sản thì bên nào thiệt hại sẽ gọi bảo hiểm đến.

Nếu va chạm nhỏ thì nên nhường nhịn, bỏ qua, va chạm nặng không tìm được tiếng nói chung thì cần lực lượng chức năng phân xử, tránh tuyệt đối sử dụng bạo lực giải quyết

Anh có kinh nghiệm nào lái xe vào những dịp nghỉ lễ như thế này?

Đầu tiên là mình chọn lộ trình, tránh tắc đường. Còn đã vào cung đường tắc thì khó khăn chung rồi, cứ điềm đạm mà đi. Còn nếu gặp va chạm thì cứ dừng lại giải quyết, đánh xe sát vào lề đường để tránh gây ùn tắc.

Cảm ơn ý kiến của bạn!