Tết đến xuân về lại thấy nghề xưa
Trong không khí thiêng liêng đó, người ta tiến hành các phong tục được truyền từ ngàn đời xưa. Chính phong tục đón Tết đẹp đẽ lại âm thầm sinh ra cái nghề “khoát áo mới cho không gian cũ”.
Cái nghề này bao gồm những công việc thông thường, được làm bởi những người thợ bình thường, vậy mà nó đã tồn tại và song hành với cư dân Nam Bộ từ những ngày khai ấp, lập làng. Mỗi bận Tết đến xuân về lại thấy nghề xưa, nhưng chưa bao giờ cũ.
Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hóa của người Việt xưa nay nhằm bày tỏ tấm lòng hiếu đạo của người còn sống với người đã khuất, thể hiện chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người. Cũng vì thế, bàn thờ ngày Tết trở thành trung tâm của ngôi nhà, là góc xuân rực rỡ và thiêng liêng hơn cả. Bàn thờ tổ tiên của cư dân ền sông nước Nam Bộ có 03 đặc điểm, đó là: có bộ lư đồng, có bộ tranh kiếng vẽ câu liễn đối và tủ thờ làm bằng chất liệu cây gỗ quý được sơn son thiếp vàng.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng cho biết: “Quét dọn bàn thờ thì đầu tiên phải chùi bóng bộ lư đồng vì bộ lư là hồn cốt, là tiêu biểu cho giá trị tâm linh và mang dáng vẻ mỹ thuật. Kế đến là treo tranh tứ thời, như: bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông, Long – Lân – Quy – Phụng, hoặc sự tích Tấm – Cám. Đồng thời sửa chữa mái nhà, quét vôi tường nhà. Quan điểm thì Tết là cái gì cũng phải mới nên phải trang hoàng lại nhà cửa. Tập tục đó qua nhiều năm cho thấy ngôi nhà mới mẻ, sang trọng nên người ta áp dụng đến hôm nay”.
“Tống cựu, nghênh tân” chính là sứ mệnh của bộ lư đồng, độ sáng bóng trên thỏi đồng nằm ngay chính diện thể hiện tấm lòng hiếu kính và mong ước tài lộc đến với gia đình. Những ngày gần cuối tháng Chạp chính là lúc bộ lư đồng của mỗi nhà được đem ra lau chùi sau suốt một năm dài nằm im lìm trên cao. Xưa kia chùi lư dường như là một việc thủ công, nhà ai nấy làm.
Nguyên liệu chùi lư chỉ đơn giản là khế chua, chanh chua, khóm chua hay tro trấu. Mỗi giọt nước khế chà xát lên thỏi đồng như tẩy tận gốc bụi bặm để trả lại nét lấp lánh nhằm tăng phần trang nghiêm. Nhà nhà chùi lư, người người chùi lư đã sinh ra dịch vụ đánh bóng lư đồng.
Chưa ai thống kê được nghề đánh bóng lư đồng ra đời năm nào, chỉ biết đây là cái nghề “hốt bạc” vào tháng Chạp, mỗi năm chỉ có một mùa. Lư đồng thì có hàng trăm loại: tròn, vuông, chữ nhật…trong đó có loại lư mắt tre là khó đánh bóng nhất vì có nhiều hoa văn chạm trổ. Bên cạnh chiếc mô –tơ làm “vật bất ly thân” thì mấy ông thợ phải thủ sẵn kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều năm mới được người ta tín nhiệm. Bên cạnh rửa và lau bột thì đánh bóng là khâu quan trọng mà cũng rất “nguy hiểm”.
Đánh bóng bằng máy, nếu sơ sểnh thì lư đồng bị văng xa gây hư hỏng và khiến người thợ bị thương, nên thợ chắc tay luôn đảm nhiệm việc này. Thời gian hoàn thành một bộ lư đồng mất khoảng 2 - 3 giờ, giá dao động từ 200.000 - 400.000 đồng/bộ.
Ông Nguyễn Xuân Thọ – thợ chùi lư tại TP. Cần Thơ cho biết: “Mùi lư đồng bay ra là biết ngay mùa Tết. Dịp Tết mình góp phần làm cho bàn thờ tổ tiên sạch sẽ, khang trang mà cũng giúp mình nuôi sống gia đình. Mùi đồng bay ra riết làm mình quen hơi, nên mình không bỏ, cố gắng giữ cái nghề chùi lư truyền thống này cho nó lâu dài”.
Tất bật sản xuất để cung ứng cho thị trường Tết
Đi đôi với lư đồng là tranh kiếng – sản phẩm mỹ thuật chủ đạo được treo trong mỗi gian nhà của cư dân Nam Bộ. Ở đây, người ta chọn treo một bức tranh kiếng khổ lớn trên bàn thờ ghi chữ “Cửu Huyền Thất Tổ” để thể hiện lòng hiếu kính ông bà. Kế đến hai bên vách tường treo tranh cổ tích Tấm Cám, sự tích Thoại Khanh - Châu Tuấn hoặc Nhị Thập Tứ Hiếu.
Bản thân bức tranh hội đủ giá trị chân - thiện - mỹ khi chứa trong nó là cái đẹp, ý nghĩa, cái tâm và tài hoa của các nghệ nhân. Từ nhu cầu này đã sinh ra xóm nghề tranh kiếng, hoạt động ổn định và hút hàng dịp Tết. Nổi tiếng nhất ền Tây là xóm nghề tranh kiếng Bà Vệ ở Chợ Mới, An Giang.
Về kỹ thuật, tranh kiếng khác với các loại tranh vẽ truyền thống là phải vẽ ngược từ sau mặt kiếng, khi vẽ xong lật kiếng lại, phía mặt chính của tranh không có nét vẽ. Vì thế, khi vẽ các chi tiết trên tranh kiếng, nghệ nhân phải bắt đầu từ những chi tiết sau cùng, chính đặc điểm này đã tạo nên nét độc đáo của tranh kiếng so với các loại tranh truyền thống. Một bức tranh kiếng xuất xưởng trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, như: cắt kiếng, in lụa, tô màu, phơi bản, đóng khuôn...
Ðiều đặc biệt nhất, những bộ tranh kiếng ở Chợ Mới ra đời từ đôi tay của những “nghệ nhân” chưa từng học mỹ thuật hay hội hoạ. Tất cả đều là kinh nghiệm truyền đời, kết hợp sự khéo léo, thẩm mỹ và sáng tạo.
Ông Nguyễn Thanh Hòa - Chủ cơ sở tranh kiếng Thanh Hòa ở xã Long Điền B, huyện Chợ Mới cho biết: “Đây là một cái nghề của thế hệ trước gầy dựng, làm nên sản phẩm được đại đa số người ền Tây chấp nhận nên mình phải kế thừa và phát triển. Tranh kiếng của mình trải qua nhiều giai đoạn, ban đầu làm theo thủ công. Qua thời gian thì nhu cầu thị trường nâng lên bắt buộc mình đáp ứng. Mình phải làm sao tạo nhiều mẫu mã phong phú để đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng”.
Dọn nhà đã xong sẽ đến phần đón khách. Trong văn hóa của người Việt, việc bày khay mứt là biểu tượng của sự sum họp, sung túc, hạnh phúc ngọt ngào. Khay mứt không chỉ là vật trang trí mà còn gắn liền với văn hóa chúc tết đầu năm, là mối kết tâm giao giữa chủ nhà và khách, là cách dẫn dắt câu chuyện và chia sẻ yêu thương, thể hiện văn hóa trọng nghĩa trọng tình. Khây mứt ền Nam xưa nay có các loại chủ đạo, như: mứt dừa, thèo lèo, mứt bí, hạt sen, chuối ngào gừng, bánh bông lan.
Ngày nay chạy theo thị trường mới có thêm mứt me, mãng cầu, chùm ruột. Nam Bộ có mấy làng bánh mứt nức tiếng như: Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, làng mứt Thuận An, chuối khô Trần Hợi, mứt dừa Giồng Trôm… tất cả đang tất bật sản xuất để cung ứng cho thị trường Tết. Nơi nào có mứt là “thiên đường” của hương thơm và màu sắc, quyến rũ con người.
Anh Trần Duy Thanh, chủ cơ sở ép chuối khô tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau hồ hỡi kể những ngày sản xuất chuối khô trước thềm xuân mới: “Tôi đầu tư 3 máy, một đợt ra được 12 tấn nguyên liệu. Mình ép phụ thuộc nắng trời thì chỉ bán mấy tháng cuối năm như tháng 10,11,12 thôi. Còn đầu tư máy sấy thì bán được quanh năm và chất lượng sản phẩm tốt lắm. Nhiệt độ sấy lý tưởng nhất là 45 độ”.
Tết cũng là lúc lưu lại những khoảnh khắc sum vầy vui vẻ nhất, đây là thời điểm để cánh “phó nháy” được dịp “làm ăn”. Dù nhiều thế hệ điện thoại đời mới được tích hợp camera tối tân, độ phân giải cao để người ta dễ sở hữu cho mình một bộ ảnh hạnh phúc nhưng nghề chụp ảnh dạo vẫn còn đất dụng võ. Trước những năm 2000 là thời điểm cực thịnh của nghề nhiếp ảnh dạo, đặc biệt vào dịp Tết đến, có khi mỗi ngày, người thợ ảnh chụp được cả trăm bức hình.
Mấy năm nay, cánh “phó nháy” dạo linh hoạt hơn trong cách thực hiện theo nhu cầu của khách. Trong chiếc túi nhỏ đeo bên mình, ông thợ có sẵn đầu đọc thẻ nhớ, cục phát sóng wifi để khách cần là chuyển liền sang điện thoại sau vài phút. Cách này khá tiện vì chẳng cần chỉnh sửa, cắt cúp ảnh, giá thường chỉ 20.000-25.000 đồng/tấm. Khách chụp nhiều sẽ khuyến mãi thêm. Thợ ảnh còn đầu tư máy in tại chỗ, tùy khổ mà có giá từ 30.000-50.000 đồng/ảnh.
"Một số bạn thích lưu lại kỷ niệm cũ nên mình chụp tính theo buổi, một buổi mình ăn công 400 ngàn với 30 File hình".
"Điện thoại thì mình không chụp được những ảnh rộng hay đủ kiểu. Chỉ có thợ chụp ảnh mới tạo dáng cho mình nhiều kiểu đẹp thôi".
"Nghề chụp ảnh dạo này có nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn lắm. Vui nhất là người ta tạo dáng mình bắt được khoảnh khắc đẹp. Buồn nhất là trời mưa".
Và còn nhiều hơn nữa những cái nghề rất bình thường, như: sơn bóng tủ - bàn- ghế sơn móng tay, chở hoa kiểng thuê rồi tới khắc chữ thư pháp lên trái cây chưng Tết, sửa quần áo. Đó là những cái nghề mặc định bình dị, thân thương nhưng có nét chấm phá, tô điểm thêm cho không khí khấp khởi trước thềm xuân mới.
Đã qua nhiều năm, nghề xưa vẫn có “hậu duệ” để tiếp nối. Như cái nghề đánh bóng lư đồng, mỗi năm người ta vẫn có nhu cầu chùi ít nhất một lần cho lư đồng nên nếu không còn ông thợ nào thì ai cũng tiếc. Hay làng bánh mứt, mỗi năm nhà nhà có nhu cầu ít nhất ăn một lần dịp Tết nên các lò cứ sđỏ lửa sên mứt như được thời. Đâu đó trong không khí xô bồ của xã hội, những ngày bình thường trong năm, những cái nghề này tạm “ngủ” chờ thời. Mùa xuân đến, nghề thức giấc để đáp ứng nhu cầu cho “thượng đế”.
Mùa xuân đã tạo chỗ đứng cho nhiều ngành nghề tưởng chừng bị lãng quên. Dù cũ nhưng nghề xưa chưa bao giờ bị mai một và cũng chẳng bao giờ lạc hậu, lỗi thời. Dù nhịp sống thay đổi từng ngày, nhưng người ta vẫn cần chùi lư hay sên mứt để có Tết như mọi nhà!