Nghệ nhân ưu tú Lê Thanh Quý, người thổi hồn vào nhạc cụ tự chế

Thừa hưởng niềm đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử từ người cha, ông Lê Thanh Quý tên thường gọi là Chín Quý, ở TP.Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang thường được nhiều người biết đến là một nghệ nhân đa tài.

Ngoài việc dạy học trò ca hát các bản, tuồng cổ, chơi các loại đàn…, ông còn được nể phục bởi tài “sáng chế” với các loại đàn “độc và lạ”.

Nghệ nhân Lê Thanh Quý đã sáng chế ra gần 100 loại nhạc cụ độc đáo (Ảnh: Báo Thanh niên)

Từ đâu mình có niềm đam mê với đờn ca tài tử vậy chú?

Tại trong gia đình ông già cũng biết đàn, ổng đàn bầu đó, rồi từ đó mình nghe. Hồi nhỏ, 9-10 tuổi, 10 mấy tuổi nghe rồi riết rồi mê. Khi mình đàn rồi mình thấy, chơi chừng 5-7 năm thì mình thấy ra được cung- bậc nó nằm vậy đó rồi mình có óc sáng tạo, chế mẫu mã, kiểu mẫu đồ đó lấy.

Lấy mực thước mình lấy ngắn lại, đừng có lấy dài. Dây nhợ thì dây gân, dây cước, dây thép đồ. Ghim điện rồi tự chế ra hà. Không có học, cái này đâu có ai dạy được, óc sáng tạo.

Mình nghiên cứu mình thấy vậy, phải vẽ cái mô hình. Khi cái mẫu bằng gỗ thì mình lại thợ mộc, nó lộng hay làm thứ gì đó cho mình. Còn những thứ gì bằng nhựa thì mình lắp ráp được, mình dán keo. Vậy thôi.

Đến thời điểm hiện nay, mình chế tạo được bao nhiêu loại nhạc cụ rồi chú?

Nếu tính ra nó có 5-6 loại gì đó. Đàn cò, kìm, sến, ghi-ta, hạ uy di. Mình đã nghiên cứu ra, cái nào khó làm nhất là đương nhiên là mình không đủ đồ nghề.

Chẳng hạn như cây tranh mình không có đủ đồ nghề, xưởng lớn mới có đủ đồ. Mình làm những cái đồ đơn giản mình có thể làm được thì mình làm. Vi-ô-long xịn cũng khó làm nhưng mà mình chế thì cũng vẫn chế được.

Trong số những cây đàn mà chú vừa kể thì cây đầu tiên chú làm là cây nào chú?

Cây ghi-ta. Hồi xưa có radio không, không có amly, đờn thùng. Mình có cắt, gắn vô pin thành đường điện, pin, cro tạo ra đường điện. Bắt đầu từ đó mình chế ra bằng gỗ. Có người học ghi-ta, 1-2 anh em nó học. Chế tạo thì không có ai học được đâu. Cái đó là do sáng tạo, không có người lại hỏi học. Nếu học là phải trực tiếp, khi mình chế tác ra, người ta thấy thì mới làm theo được. Óc sáng tạo của mình mà.

Óc sáng tạo, đam mê là một lẽ, kinh nghiệm trong vấn đề nhạc, nhạc cụ, mình phải nắm vững, hoàn chỉnh chứ chế tạo thì nhiều người chế tạo được còn đưa lên đờn nó không đúng âm. Còn mình chế tạo nhỏ lớn thì âm thanh vẫn chuẩn, cung bậc vẫn chuẩn.

Có cây đờn nào mà sau khi mình vẽ mình làm không được như ý, mình từ bỏ không chú?

Không. Mình nghiên cứu trở lại, xoay chuyển trở lại chớ không có gì hết. Nó có thời gian lâu chứ không bao giờ vụt bỏ hết trơn. Nghiên cứu trở lại rồi phải chỉnh sửa trở lại rồi làm cũng được, cũng hoàn thành hà. Có nhiều cây đàn làm 1-2 ngày hà. Có nhiều cây đàn làm 10 ngày, nửa tháng. Có nhiều cây đàn làm 1-2 tháng hà. Tùy theo cây.

Bộ sưu tập đàn của nghệ nhân Lê Thanh Quý - Báo Lao động

"Ngoài nghề đàn, yêu đàn mà còn lại thêm kỹ năng đóng đàn, đóng những kiểu dáng đàn rất đẹp luôn. Thấy bao nhiêu là đã biết anh Chín quá yêu nghề".

"Mình thấy hãnh diện vì thấy có một người cha thì mình thấy có một tấm gương để mình làm theo, học hỏi thêm nhiều từ ba. Mình cũng niềm ao ước, mình cũng sau này mình cũng được hãnh diện cũng như cũng có giống như ba vậy đó, được nổi tiếng, mình cũng hãnh diện chứ".

Ở tuổi "xưa nay hiếm", nghệ nhân Lê Thanh Quý hay còn gọi là Chín Quý ở thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã dành hơn 60 năm để gắn bó với đờn ca tài tử và có biệt tài sáng chế các loại nhạc cụ truyền thống, có một không hai.  

Ngày trước, ông Quý đi theo các gánh hát nên ông có dịp tiếp xúc học hỏi với nhiều nghệ nhân lớn tuổi. Được các nghệ nhân gánh hát truyền nghề nên từ nhỏ ông đã chơi thành thạo nhiều nhạc cụ khác nhau. Ngoài ra, ông còn thừa hưởng niềm đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử từ người cha. Mỗi lần thấy cha “chế” đàn từ những thanh tre là ông mê mẩn rồi quyết tâm theo nghiệp từ năm 12 tuổi.  

Nghệ nhân Lê Thanh Quý nhớ lại: "Ổng chế cây đàn bầu. Cây đàn bầu nó dễ. Tự làm rồi ổng ngồi ổng đờn. Hồi xưa đâu có dây đờn đâu lấy dây thắng xe, rồi sau này lấy dây điện thoại, tước cái cọng ra. Cây đàn náy đó đơn giản lắm, mình dòm xung quanh là có thể mình làm được".

Khoảng năm 1994, ông bắt đầu chế tạo đàn để vừa tiện lợi, vừa tạo nên sắc thái mới cho nhạc cụ. Đặc biệt, nghệ nhân Chín Quý chỉ sử dụng các chất liệu sẵn có xung quanh nhà hoặc phế liệu tưởng chừng vứt đi để chế các loại đờn. Gọt gọt, đẽo đẽo, ráp lại âm thanh không hay, hình dáng không vừa ý, lại tháo ra sửa. Nhiều lần như vậy rồi cuối cùng cũng thành công, đã tiếp sức cho ông “gắn” nhiều loại nhạc cụ tạo thành một cây đàn độc đáo mà vẫn giữ được âm thanh riêng đặc trưng của từng loại đàn. Mỗi loại nhạc cụ làm ra ông mất thời gian từ vài tuần đến hơn một tháng để luyện tập lại mới thuần thục.

Những cây đàn với các tên gọi khác nhau: “tứ tuyệt cầm” (kết hợp các loại đàn hạ uy di, sến, cò, guitare phím lõm thành một giá đờn), “tam huyền di” (ngẫu hứng từ cây tam thập lục và độc huyền cầm), “ngũ âm huyền” (phát triển từ cây độc huyền, kết hợp 5 đàn độc huyền trên một giá đờn) hay “kìm - cò”, “sến - cò”, “guitare phím lõm - sến - gáo”.

Với tình yêu nghệ thuật cũng như sáng chế đờn, suốt hơn 60 năm qua, ông Chín Quý đã sở hữu hàng trăm cây đờn độc, lạ, nhưng ông vẫn tiếp tục mày mò sáng chế thêm nhạc cụ đờn ca tài tử mới. Nghệ nhân Chín Quý cho rằng, đó là trách nhiệm của một người theo nghiệp đờn ca. Ông Chín mong mỏi sáng chế ra nhiều loại nhạc cụ “độc và lạ” khác để phục vụ cho bà con yêu đờn ca tài tử, nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.

"Còn sức khỏe thì còn cầm máy cắt, khoan đồ. Thí dụ như vậy đó thì mình mới làm được. Sức khỏe bây giờ mình cống hiến được mình có thể đào tạo ca, đờn. Mình có thể duy trì cái nền tảng phi vật thể cổ nhạc. Chế tạo thì qua công việc lao động nên nó khó. Còn này mình hướng dẫn, dạy ca, dạy đàn thì nó dễ để một số anh em trai, gái duy trì để mai một, uổng".

Với ông Chín, tuổi càng cao thì tình yêu nghề càng lớn, bởi tiếng đờn, lời ca và việc sáng chế các loại nhạc cụ đã giúp gia đình có cuộc sống ổn định. Hơn nửa thế kỷ qua, theo nghề, sở hữu hơn hàng trăm cây đờn độc, lạ, nhưng nghệ nhân Chín Quý vẫn tiếp tục mày mò sáng chế thêm nhạc cụ đờn ca tài tử. Hiện ông vừa tham gia sinh hoạt tài tử ở địa phương, vừa truyền nghề cho những ai yêu thích, đó cũng là trách nhiệm của một người theo nghiệp đờn ca.

Ðặc biệt, sau khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, ông Chín càng không cho phép mình nghỉ ngơi, cứ sáng chế và cống hiến hết mình cho nghệ thuật.