Nghề dạo trên phố

Ở Hà Nội có nhiều nghề lạ, nhưng cũng đều là nghề cần thiết và đáp ứng được nhu cầu của thị dân. Nên những nghề đó tồn tại khá lâu trên phố. Như nghề thợ mộc dạo, sửa đồ lặt vặt, mài dao kéo,… Những người làm nghề này đều không có cửa hàng, cửa hiệu,đi dạo quanh phố tìm khách

Hà Nội 36 phố hàng, người ta vẫn biết về phố cổ Hà Nội như thế. Cứ theo tên gọi thì cũng biết trước đây những con phố ấy có nghề gì. Nhưng bây giờ thì gần như chẳng còn phố nào kinh doanh các mặt hàng theo đúng cái tên gọi của nó…

Cũng bởi một lẽ, thời đại bây giờ có quá nhiều loại hàng hoá phong phú, và những nghề cũ thì đã mai một bởi nhu cầu không còn.

Thông thường, những món đồ bây giờ mua về, các cửa hàng đều có trung tâm dịch vụ sửa chữa, bất cứ khi nào gặp trục trặc, hỏng hóc là có thể nhấc điện thoại gọi thợ đến sửa ngay. Từ chiếc máy giặt, bình nóng lạnh, tivi, đèn đóm…

Thế nhưng cũng có những món đồ, thường là loại cũ kỹ, hỏng lặt vặt thì khó mời được thợ. Vậy là vẫn có chỗ cho những người thợ sửa chữa dạo.

Không biết nghề sửa đồ dạo có từ bao giờ, nhưng đến nay, trên phố vẫn còn những người làm nghề ấy. Nhất là nghề mộc. Đồ dùng mới không sao, nhưng cũ là sẽ có hỏng hóc, mà thường là hỏng vặt, nên người trong phố thường cậy đến mấy bác thợ mộc sửa đồ dạo…

Ở một góc ngã 3, lối trước cổng chợ Hàng Da, lúc nào cũng có khoảng gần chục người đứng ngồi vạ vật cả ngày. Trên tay mỗi người luôn lăm lăm cái cưa gỗ. Không biết họ đã ngồi đây từ bao giờ, nhưng năm này qua năm khác, giống như những gốc cây, hay căn nhà góc phố, chưa bao giờ thấy những người thợ mộc dạo này vắng mặt.

Dạo gần đây còn một nhóm thợ mộc nữa, đi xe máy, trên xe mỗi anh có một cái hòm gỗ to, ngồi ngay góc công viên Thống Nhất, mà đi qua lúc nào cũng thấy các anh ngồi đấy, chẳng mấy khi có người gọi. Không biết các anh có sống được với nghề?

Quãng những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã thấy những bác thợ già với cái cưa tay, một hộp đồ gỗ đựng dụng cụ ngồi ở ngã tư ấy. Nhiều người lớn tuổi ở phố bảo, họ là những người từ Nam Định, Thanh Hoá, hay phủ Hoài Đức (Hà Nội) xưa, ở quê không kiếm được việc, hoặc giả cũng có thể do tay nghề chưa tới mà mò lên thành phố kiếm việc.

Trước đây, trong mỗi gia đình, những món đồ gỗ như cái giường dẻ quạt hay tủ buýp phê, bộ bàn ghế gỗ là tài sản quý giá trong nhà nên cứ đến cuối năm thường sẽ nhờ thợ về dọn dẹp, đánh lại véc ni để đón tết, chỗ nào hỏng thì sửa luôn.

Thế nên cứ vào dịp này là thợ làm không hết việc. Ngày thường các bác thợ ngồi dãi thẻ, ngáp vặt, nhưng tháng cuối năm thì khách gọi không kịp trả lời. Cái nghề nó thế, mà khách hàng quanh năm bận bịu nếu đồ đạc hỏng nhỏ cũng chẳng hơi đâu mà gọi thợ, chỉ đến cuối năm trang hoàng nhà cửa mới nghĩ ra việc sửa chữa.

Bây giờ nghề sửa đồ mộc vẫn còn đất sống bởi dân trong phố cũng chẳng mấy người tự sửa được, đồ nghề lại không có, thôi thì gọi thợ cho nhanh.

Ngày xưa thì có thêm nghề bật bông dạo, cứ đến gần đông là các bác bật bông đạp xe mang theo cái cần bật bông rõ cồng kềnh đi khắp ngõ phố. Chẳng cần tìm khách, bởi ngày xưa chăn bông là loại bông cũ, rất nặng, chỉ dùng 1 mùa là đóng bánh, nên các bác thợ bật bông chỉ cần đến ngõ xóm, tìm một mảnh đất vừa đủ trải chiếc chiếu, ngồi đấy là khắc có người mang chăn ra thuê bật.

Cứ tực tực… tưng tưng… cả ngày. Xóm nào đông khách làm vài tuần không hết việc.

Trên phố còn có nghề sửa, mài dao dạo. Có người đi bộ, tay xách hòm gỗ, bên trong là bộ đá mài, cứ lang thang khắp nơi; Có người thì đạp xe đạp, đi xe máy. Nghề này cũng đông khách, nhưng giờ cũng khá ít người chịu làm.

Thường ở các khu chợ có 1-2 người đi loanh quanh mài dao cho cánh bán thịt, bán cá. Đi qua lúc nào cũng thấy các bác thợ mài dao xoẹt xoẹt, từ sáng đến tối.

Gần đây còn thấy có người cải hoán cả một chiếc ô tô thùng làm thành cửa hàng sửa chữa đồ điện tử di động, nay dừng ở phố này, mai phố khác. Tất nhiên, còn rất nhiều người làm nghề sửa chữa hay dịch vụ dạo nữa trên phố mà không sao kể hết được…