Nghề bốc vác trên đôi vai gầy

Chợ Đồng Xuân với tuổi đời hàng trăm năm là điểm đến không thể bỏ lỡ với nhiều khách bộ hành muốn ngắm cảnh, trải nghiệm cuộc sống đa sắc màu khi tới phố cổ.

Khu chợ không chỉ là chốn hấp dẫn bởi hàng hóa đa dạng, tấp nập người đến đi, mà còn là nơi thấy được bước chân vội vã, thấy được cánh tay áo quệt vội mồ hôi của người lao động.

Hình ảnh dễ bắt gặp nhất ở khu chợ này là những đội cửu vạn cõng trên lưng cả tạ hàng lên xuống cầu thang như những chú kiến cần mẫn. Trong nhóm người lao động đó có cả phụ nữ. Họ có thể cõng hàng trên vai như đàn ông nhưng họ cũng dịu dàng chải tóc bên hè sau ngày dài vất vả.

Đằng sau dáng vẻ cổ kính của một khu chợ có tuổi đời hàng trăm năm là nhịp bán buôn sôi động cả ngày. Từng đoàn xe tải chở vải vóc, quần áo và mặt hàng gia dụng, đồ lưu niệm… lặng lẽ đến, rồi đi không có khung giờ cố định từ sáng sớm đến tối muộn.

Những đội cửu vạn cũng vì thế mà cả ngày dài chờ sẵn trên vỉa hè hay các ki-ốt để bắt đầu bốc vác ngay khi có người gọi. Công việc kéo xe, bốc vác vốn đòi hỏi sức khỏe của nam giới lại có không ít phụ nữ chân yếu tay mềm lựa chọn gắn bó.

Như những chú kiến cần mẫn, những nữ cửu vạn vác hàng lên rồi xuống, xuống rồi lên khu chợ 3 tầng 

Một người phụ nữ dáng nho nhỏ đang cần mẫn vác những bọc hàng nặng từ trên tầng 3 của khu chợ xuống xe để chở đi. Xuống rồi lại lên, lên rồi lại xuống nhiều vòng liên tục.

PV: Chị vác túi này bao nhiêu cân?

- Ba mươi cân. Vác quen rồi nhưng mệt rồi đây. Vất vả lắm. Bọn chị bây giờ thay việc cả đàn ông.

Những lao động nữ làm nghề bốc vác thuê kiếm sống chủ yếu ở Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… gần hơn có Đông Anh, Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều người trong số họ không thuộc tổ đội nào mà là lao động tự do tự tìm việc theo từng chuyến hàng.

Người phụ nữ này đang cần mẫn vác những bọc hàng nặng từ trên tầng 3 của khu chợ xuống xe để chở đi 

Một bên là cánh đàn ông khỏe mạnh, một bên là sự dẻo dai của chị em phụ nữ. Trong “cuộc đua” này, những người được xem là phái yếu cũng chẳng kém cạnh gì so với đấng mày râu.

"Mấy đứa con gái bốc ở đầu dưới kia kìa, ô tô về thì vác lên. Vác từ tầng 3 từ bên kia sang bên này được ba chục nghìn".

"Khỏe chứ, tất nhiên phải được rèn luyện rồi. Người ta làm cũng quen rồi, nói chung mỗi người một việc".

Rèn luyện thành quen, điều tưởng hiếm gặp như nghề nữ cửu vạn ở đây lại thấy không còn lạ lẫm

Ở các khu chợ đầu mối, không có sự phân biệt giữa công việc nào của nam, công việc nào của nữ. Nhưng với thể chất trời sinh, phụ nữ phù hợp với sự khéo léo hơn là nặng nhọc. Ấy vậy, để có thể trang trải cuộc sống, họ không ngại làm cả công việc bào sức nhanh nhất với sự cần mẫn, nhẫn nại.

Không ai có thể biết được đâu là giới hạn của mình cho tới khi thực sự thử sức. Và rèn luyện thành quen, điều tưởng hiếm gặp như nghề nữ cửu vạn ở đây lại thấy không còn lạ lẫm.

Trong cái khó ló cái khôn, những nữ cửu vạn truyền tai nhau bí kíp nhỏ như trang bị đầy đủ hay cách vác để gánh hàng nhẹ bớt và đôi vai đỡ sưng. Lúc nghỉ ngơi giữa các chuyến hàng, những hỏi han, giúp đỡ lẫn nhau khiến họ thêm gắn bó.

Hay khoảnh khắc những nữ cửu vạn xõa tóc hong khô bên hè, giúp nhau chải đầu, nhổ tóc bạc sớm át đi tiếng chợ xôn xao. Họ có thể gồng sức vác hàng như những người đàn ông, nhưng sự nữ tính trong mỗi người phụ nữ cũng vẫn còn đó.

Những người được xem là phái yếu cũng chẳng kém cạnh gì so với đấng mày râu

Nếu như phải đợi chờ việc quá lâu, những nữ cửu vạn có thể tìm kiếm niềm vui bên những câu chuyện phiếm hoặc chạy giúp việc vặt ở chợ. Ai cũng muốn làm việc nhàn hạ, nhưng nếu cuộc sống đã đẩy đưa lựa chọn, họ hết lòng dốc sức và luôn sẵn sàng cho những chuyến hàng tiếp theo.

Một chén trà mát, một cặp lồng cơm giản dị là đủ tiếp sức cho ngày vác nặng. Khi biết hài lòng, họ thấy hạnh phúc trong mọi khó khăn.

Nếu đi bộ qua phố cổ bất kể ngày nắng mưa, bạn sẽ thấy những chuyện đời như thế ở ngay góc vỉa hè bên hông chợ. Từ ngay những lao động bình thường, có thể thấy ở họ sự mạnh mẽ, dẻo dai và cả bình yên, dịu dàng để mỉm cười cảm ơn cuộc sống muôn màu này.