Ngày cuối năm

Chỉ còn vài giờ nữa là bước sang năm mới. Có lẽ, không năm nào người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung lại mong một năm qua mau như vậy. Một năm đầy sóng gió và có nhiều đổi thay trên tất cả mọi mặt đời sống. Mong rằng, năm mới sẽ là năm tích cực với tất cả mọi người…

 

Thời gian bây giờ hình như… nhanh hơn ngày xưa, vừa mới hôm nào còn đang dắt díu nhau đi chúc tết họ hàng, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết năm, lại chuẩn bị cho những ngày bận bịu dọn dẹp cơ quan, họp tổng kết năm và tranh thủ ngày nghỉ ra chợ sắm đồ cho ba ngày tết.

Tất nhiên, thời gian một ngày thì vẫn là 24 giờ đồng hồ, một năm 365 ngày chứ cũng chẳng năm nào nhanh hơn năm nào. Có lẽ bây giờ công việc bận bịu hơn, cuộc sống gấp gáp hơn ngày xưa nên lúc nào cũng thấy thiếu thời gian và luôn cảm giác một ngày trôi qua quá nhanh.

Ngày xưa, tết dương lịch có mấy ai quan tâm để ý? Bởi Tết… với tất cả mọi người Việt, phải là tết âm lịch, tức là tết Nguyên đán, đó mới là tết, đó mới là sự háo hức. Bây giờ, tết tây, tết ta đều sôi động như nhau, có khi tết dương lịch người ta còn chăm chút hơn, tổ chức nhiều trò vui hơn.

Cả tuần nay, người ta đang gấp rút dựng sân khấu ở quảng trường Cách mạng tháng Tám và quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục ở Bờ Hồ để làm chương trình cùng nhau đếm ngược chào đón năm mới. Người Hà Nội cũng nhanh bắt chước, chứ cách đây chỉ chừng hơn chục năm có ai biết đếm ngược mấy giây cuối cùng mà đón chào năm mới?

Có lẽ, chỉ thấy trên tivi ở mấy nước phương Tây. Thế rồi người ta mang về tổ chức ở trung tâm Thủ đô, rồi thì giờ thành lệ, năm nào cũng tổ chức múa hát chờ đếm ngược thời gian.

Sân khấu chào đón năm mới tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Ban đầu thì chỉ có ở quảng trường Cách mạng tháng Tám trước cửa nhà hát Lớn, bây giờ thì có đến mấy chỗ dựng sân khấu làm việc ấy. Cũng thu hút đến cả ngàn người tham gia. Chủ yếu lớp thanh niên ham vui, được dịp rủ nhau đi chơi cả đêm.

Lác đác trên phố đã thấy người ta bày chậu hoa, cây cảnh bán cho người chơi sớm. Mua từ bây giờ về ngắm, gần tết nhỡ hỏng lại thay chậu hoa khác, thế là tết kéo dài cả tháng.

Những phố Hàng Giấy, Hàng Đường bây giờ chuyên bán bánh kẹo phục vụ tết đã đông lắm rồi. Người mua kẻ bán tấp nập. Không khí lúc nào cũng rộn ràng như tết. Chợ Đồng Xuân đông hơn bao giờ hết, những ngày này người ta nhập hàng gấp nhiều lần ngày thường, cánh bốc hàng thuê làm việc luôn chân luôn tay, mệt phờ mà vẫn phải cố gắng. Có mấy ngày cuối năm để thêm chút tiền về quê ăn tết, không cố sao được?

Không khí tết đã về trên khắp các con đường

Cách tết chừng 2 tháng, những người Hà Nội theo lối cũ, đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị tết, bằng những chậu hoa thuỷ tiên. Công cuộc chơi hoa thuỷ tiên để nở đúng ngày tết không phải đơn giản và không dành cho những kẻ thô tục như tôi. Kẻ chỉ tán phét là giỏi chứ đừng hòng mà học được cái tay nghề cầu kỳ ấy.

Khi bắt đầu, người ta phải tìm củ hoa, rồi gọt, cắt tỉa theo hình dáng mình mong muốn, rồi đặt vào bát, lọ thuỷ tinh trong suốt, để trồng. Chơi hoa thuỷ tiên, là chơi tất cả từ rễ đến hoa, đến lá… nên vì thế phải là lọ thuỷ tinh, để có thể nhìn thấy hết vẻ đẹp của hoa, và tất nhiên là tay nghề khéo léo của kẻ chơi hoa.

Còn tất nhiên, đào, quất là chuyện phải có… Những vườn đào Nhật Tân, quất Tứ Liên lúc này đã bận rộn lắm rồi. Hầu như những vườn uy tín đề đã có khách đến đặt cây từ lâu, và nhờ chủ vườn đánh dấu, chăm sóc hộ đến cận tết thì lên bê về.

Cuối năm, ra đường, ai cũng vội vã, nhưng có điều lạ, cứ đến ngày tết là người ta lại bỏ hết đi những bực dọc trong năm. Đường phố đông đúc như nêm, chuyện va chạm xe cộ là bình thường, nhưng chẳng ai nấy thế làm khó chịu hay to tiếng. Có khi chỉ một nụ cười là giải quyết được hết những chuyện trên đường.

Thế mới thấy, tết, không đơn thuần chỉ là những ngày chào đón năm mới, ngày dành cho gia đình, mà tết còn đem lại sự ấm áp và sẻ chia trong cộng đồng. Mọi người trở nên gần gũi, thân thiện với nhau hơn.

Thời tiết những ngày này đã trở lạnh khiến ai ra đường cũng co ro áo ấm. Dù các hàng quán trên phố đã bày hàng tết ra bán, dù lác đác có người đã tranh thủ sắm tết sớm. Nhưng vẫn còn thiếu điều gì đó, để như người ta vẫn thường nói, đó là cái không khí tết, không khí ấy, chỉ có sau ngày ông công ông táo lên chầu giời.

Có lẽ, trọn vẹn và đậm đặc nhất, vẫn phải có lất phất mưa phùn, ẩm ướt và xám xịt, trong cái lạnh tê tái đến mức buổi sáng chẳng muốn rời khỏi chăn ấm, nhưng trong lòng vẫn háo hức lôi kéo bước ra đường bằng được để cảm nhận cái lạnh của tiết xuân ngấm vào từng ngóc ngách cơ thể qua hàng trăm, hàng ngàn hạt mưa bé li ti lẫn trong màn sương dày đặc…