Điều đáng nói, tình trạng người dân họp chợ tràn ra mặt đường, lấn chiếm vỉa hè tại quốc lộ 32 đã diễn ra từ lâu, thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà các cơ quan chức năng vẫn chưa thể xử lý được tình trạng này.
Nếu chỉ nghe những tiếng động, ít ai có thể tưởng tượng đây là âm thanh được phát ra từ 1 đoạn đường quốc lộ trên địa bàn thủ đô vào lúc 2h sáng. Tại đường quốc lộ 32, đoạn giao cắt với đường tỉnh 70, cứ vào khung giờ từ 0-5 giờ sáng, người và xe lại nối đuôi nhau nườm nượp để chở hàng hóa vào chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm).
Xe to thì “bận bịu” đỗ thành hàng 2, hàng 3, thậm chí chắn ngang 1 làn đường quốc lộ để bốc dỡ hàng hóa. Xe nhỏ hơn thì treo đèn, ngồi bày bán luôn tại lòng đường. Thậm chí, hàng đoàn xe máy, xe thồ chở hàng còn đi ngược chiều để chở hàng vào trong chợ.
Thường xuyên đi làm ca đêm và phải tham gia giao thông vào khung giờ này, anh Đinh Văn Thái trú tại quận Cầu Giấy chia sẻ: “Đêm hôm mà họ cũng họp chợ thế này, nhiều khi em đi làm về tối cũng không có lối đi nữa. Em va chạm nhiều lần rồi. Vỉa hè cũng không có. Lòng đường thì xe tải chắn ngang hết 2 làn đường quốc lộ, xe máy chở đồ đi ngược chiều nhiều khi chẳng kịp tránh rồi va vào nhau”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Nụ, một người dân sống tại gần chợ đầu mối Minh Khai cho biết: “Buổi sáng đi thể dục mà cũng không có lối đi, bẩn lắm, rác thải họ vứt lung tung, nên gọn gàng sạch sẽ để người cao tuổi nhiều lúc đi thể dục vẫn có thể đi được”.
Theo ghi nhận của PV Kênh VOV Giao thông, không chỉ để tiện cho việc mua bán, các lái xe không chỉ dừng đỗ, họp chợ tại đường quốc lộ 32 mà còn chiếm dụng luôn đoạn lòng đường vỉa hè của đường tỉnh lộ 70, biến khu vực này trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT rất cao, khiến cho các phương tiện di chuyển từ Hoài Đức, Phúc Thọ… gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ về lý do họp chợ tại mặt đường, ông Nguyễn Giang Nam, một tiểu thương tại chợ đầu mối Minh Khai cho biết: “Ở trong chợ thì hẹp, bọn tôi thường về xe to nên tương đối quá tải vì vào chợ đông rồi xe cộ ra vào chật chội nên rất khó cho mọi người tham gia giao thông trong chợ không được thuận lợi, muốn cải thiện môi trường, thoát nước trong chợ để mưa gió cho đỡ ngập lụt”.
Theo ông Hoàng Tiến Sỹ, Giám đốc BQL chợ Minh Khai, chợ được xây dựng vào năm 2002 với diện tích khoảng 42.000m2, mỗi ngày tiêu thụ hàng trăm tấn sản phẩm nông sản của người dân.
Năm 2006 chợ được UBND TP. Hà Nội giao lại cho Công ty TNHH một thành viên đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) quản lý. Thế nhưng, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên đến nay vẫn chưa thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến việc người dân phải họp chợ tại vỉa hè, lòng đường quốc lộ 32 và tỉnh lộ 70, ông Hoàng Tiến Sỹ cho biết: “Có nguyên nhân là ở chợ có các hộ không phải thuê kiot trong chợ mà do nhân dân trong vùng tự sản tự tiêu, trồng được nông sản thì ra bán chớp nhoáng 1,2 tiếng rồi về. Chợ họp ở đây không thể tránh được có vài tiểu thương trong chợ tràn ra ngoài. Chúng tôi cũng phối hợp với phường để làm triệt để việc này. Diện tích hiện nay đang quá tải, không thể đáp ứng được. Kiến nghị nếu có được các điểm trung chuyển quanh khu vực chợ cũng là rất tốt, để cho bà con có nơi trung chuyển hàng hóa”.
Theo lãnh đạo Công an phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), từ ngày 1/1 – 31/7/2024, tại khu vực vỉa hè, lòng đường chợ đầu mối Minh Khai, cơ quan chức năng đã xử phạt 327 trường hợp bán hàng dưới lòng đường; 34 trường hợp bày bán, kinh doanh ăn uống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; 21 trường hợp dừng đỗ xe trái quy định…
Thế nhưng, theo cơ quan chức năng, các cuộc ra quân, xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường chỉ là phần ngọn.
Do đó, cần hơn nữa các biện pháp giải quyết tận gốc của vấn đề như: cần sớm cải tạo chợ đầu mối Minh Khai; tổ chức, phân luồng các điểm đỗ xe cho tiểu thương hay thành lập các điểm trung chuyển hàng hóa gần khu vực chợ để tạo thuận lợi cho người dân kinh doanh, buôn bán… Có như vậy mới chấm dứt được tình trạng người dân họp chợ tại đường quốc lộ.