Ngang nhiên cho thuê đất bán hoa Tết, cơ quan chức năng “nhắm mắt làm ngơ”?

Tết Nguyên đán đang cận kề, Hà Nội đang rất sôi động với các khu vực tổ chức chợ hoa Xuân Tết 2025. Tuy nhiên, tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đang tồn tại những khu vực tổ chức kinh doanh hoa Tết tự phát, có thu phí cho thuê đất, gây mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông.

Tại sao các điểm bày bán hoa có diện tích “khổng lồ” này vẫn ngày ngày hoạt động rầm rộ trong khi không hề được cấp phép? Những khoản thu bất chính từ việc cho thuê mặt bằng trái phép sẽ chảy vào túi ai? 

Theo kế hoạch số 387/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm chỉ có 2 khu vực được phép tổ chức chợ hoa Xuân 2025; đó là Khu vực Quảng trường phía trước cổng sân vận động quốc gia Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1; và Khu vực vị trí ô đất ký hiệu X2, phường Mễ Trì.

Các khu vực này được quy hoạch để việc kinh doanh hoa Tết đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Khu vực chợ hoa được cấp phép đối diện sân Mỹ Đình, có đầy đủ thông tin theo quy chuẩn

Thế nhưng, ngoài những khu vực trên, theo phản ánh của thính giả và khảo sát của PV, bãi đất trống trên đường Phạm Hùng, đoạn trước Cung thiếu nhi Hà Nội, hay khu vực trước cửa sân vận động quốc gia Mỹ Đình (đối diện vị trí được cấp phép), những chợ hoa tự phát đã mọc lên. Không giấy phép, không quy hoạch, nhưng lại có đầy đủ “dịch vụ” cho thuê mặt bằng với mức giá cao ngất ngưởng.  

Trong vai một người có nhu cầu tìm hiểu về cách thức thuê mặt bằng để kinh doanh hoa Tết, một tiểu thương tại khu vực chợ hoa tự phát cho biết:

“Mình bán đơn giản thì mình cứ dọn ra mà bán thôi, bán to thì bọn em mới cần phải nhà bạt. Kiểu khoảng đất trống này thì có số điện thoại đấy. Em thấy ở ngoài có số liên hệ đấy, mình cứ liên hệ thử người ta cho thuê đất đấy”. 

Biển thông tin liên hệ thuê đất bán hoa Tết tại bãi đất trống mặt đường Phạm Hùng

Có chỗ trống và có người cho thuê thì người thuê cứ trả tiền là được sử dụng. Chỉ cần cắm một tấm biển có ghi “Chợ hoa Tết” kèm theo số điện thoại là xong. Vậy ai là người cắm những tấm biển đó? Họ lấy quyền gì để cho thuê? Và số tiền thu được đang chảy vào túi ai? Chỉ cần một cú điện thoại là có ngay một “gian hàng” giữa lòng thủ đô. Sự tiện lợi ấy, phải chăng chính là sự buông lỏng quản lý? 

Theo quy định của UBND Thành phố Hà Nội, các chợ hoa xuân phải đảm bảo có hệ thống biển tên, khu vực đỗ xe và nơi vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, tại các chợ hoa tự phát này, không hề có biển hiệu của UBND nơi tổ chức, không theo quy hoạch và hoàn toàn tự phát từ việc phân lô cho thuê đến tổ chức bày bán.

Một người bán khác cũng thừa nhận, sự hiện diện của họ tại khu vực này là tạm bợ vì mọi thứ đều phụ thuộc vào sự “may rủi”, mỗi năm mỗi khác: 

“Đúng rồi, số cắm ở đấy là của ông làm đất ở đây. Nhưng mà năm nay có thể được, nhưng năm sau chưa chắc đã thuê được”.

Tiếp tục trong vai một người đi thuê địa điểm kinh doanh hoa Tết, PV được một người cho thuê đất thẳng thắn tiết lộ: 

“Đấy ở luôn cái lô đất trống đấy, bọn em kẻ theo cái ô anh ạ. Tức là mặt tiền là 10m, sâu là 20m là 15 triệu. Mình sẽ bày từ giờ đến hết Tết”. 

Khu vực kinh doanh hoa Tết tự phát trên đường Phạm Hùng (trước Cung Thiếu Nhi)
Khu vực kinh doanh hoa Tết tự phát trước cửa sân Mỹ Đình, đối diện vị trí được cấp phép

15 triệu đồng cho một diện tích nhỏ, hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng cho một khu vực rộng lớn. Số tiền này thuộc về ai? Điều đáng nói, người này không hề che giấu sự thật rằng hoạt động cho thuê này hoàn toàn không có giấy phép:   

“Cấp phép thì nói thẳng với bạn là chính quyền người ta không có phép. Chẳng qua là Tết nhất thì người ta tạo điều kiện cho bà con làm thôi, chứ nói về cấp phép thì là không được”.

Đây là một sự thừa nhận trắng trợn về hành vi vi phạm. Họ cho rằng Tết là dịp mọi thứ được “dễ dãi”, đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của cơ quan chức năng. Vì sao những khu vực này vẫn ngang nhiên hoạt động mà không bị xử lý? Người cho thuê đất này tiếp tục nói:

“Mình cũng có ra vỉa hè đâu, mình cứ ngồi trong cái bãi đất trống đấy thôi. Cái đất đấy là đất của một cái dự án người ta để lâu ấy thì bọn mình ra bọn mình dọn dẹp, vệ sinh nên là bọn mình làm thôi chứ cũng không phải là đất của mình. Chứ còn nói về cái độ yên tâm thì bạn không sợ đâu, bạn nhìn thấy ở đấy cả cái nhà lan to đấy người ta cũng dựng mà. Cái nhà lan hàng nghìn mét ấy người ta còn đang dựng lên đấy. Cái đấy thì mình không ngại, được chưa. Chứ còn nói về cấp phép thì nói đúng là anh em cũng phải trao đổi thẳng là không có phép”. 

Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp, đây là hành vi lấn chiếm đất công, không chỉ đơn thuần là vi phạm quy định về lòng đường, vỉa hè như nhiều người lầm tưởng: 

“Đây là hành vi vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 91 năm 2019 của Chính phủ, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 04/2022 thì sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng nếu mà phạm vi vi phạm là dưới 0,05 hecta, từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu đất ở khu vực đô thị, sẽ phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với diện tích đất là dưới 0,1 hecta. Còn mức phạt cao nhất ở đây nếu trong trường hợp diện tích đất từ 3 hecta trở lên mà sử dụng sai mục đích thì sẽ phạt từ 160 triệu đến 300 triệu đồng”.

Rầm rộ dựng rạp kinh doanh tự phát trên bãi đất đường Phạm Hùng, liệu địa phương có biết?

Một mức phạt cao nhưng liệu có đủ sức răn đe? Những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc cho thuê mặt bằng trái phép đã biến những bãi đất trống thành mảnh đất màu mỡ cho các nhóm trục lợi. Sự bất cân xứng giữa số tiền phạt và nguồn thu bất chính chính là nguyên nhân khiến sai phạm lặp đi lặp lại qua từng năm.

Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, đây là trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương trong việc kiểm tra và xử lý: “Tôi cho rằng cơ quan chức năng sẽ phải vào cuộc, sẽ làm rõ pháp lý của khu đất này đang được Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân nào, và ai là đang người có thẩm quyền trong việc quản lý, sử dụng khu đất này. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, xác nh, đặc biệt qua các thông tin từ các phương tiện truyền thông phản ánh.

Thứ hai là việc sử dụng đất vào mục đích bán hàng như vậy thì là trên cơ sở giao dịch dân sự nào hoặc là trên cơ sở quyết định hành chính nào ở trong trường hợp chủ thể cho thuê mà lại không có hợp đồng, hoặc là hợp đồng thuê là không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sẽ yêu cầu các bên thanh lý hợp đồng và giải quyết hậu quả của việc hợp đồng vô hiệu, thậm chí cưỡng chế tháo dỡ công trình, lấn chiếm các khu đất sử dụng sai mục đích.

Cũng cần làm rõ chủ thể được nhà nước giao quản lý đất này là chủ thể nào, có hành vi gây lãng phí về tài nguyên đất đai hay không”.

Chợ hoa Xuân là một hoạt động góp phần làm nên vẻ đẹp của ngày Tết cổ truyền. Nhưng để nét đẹp ấy không bị bóp méo bởi những hành vi trục lợi, cần sự vào cuộc quyết liệt và nh bạch hơn nữa của các cơ quan chức năng tại địa phương, với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Những vi phạm cần phải được xử lý đến nơi đến chốn, tránh “nhắm mắt làm ngơ”, để sai phạm tái diễn trong các năm tiếp theo.

VOV Giao thông đã gửi văn bản làm việc với quận Nam Từ Liêm về vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát diễn biến vụ việc và mang đến những thông tin mới nhất về công tác xử lý các khu vực chợ hoa tự phát trong thời gian tới.