Ngẩng mặt nhìn nhau

Người Việt Nam dành khoảng 7 giờ mỗi ngày để dùng internet, trong đó khoảng 2 tiếng rưỡi dùng mạng xã hội. Đối với người trẻ, thời gian dùng mạng xã hội khoảng 7 tiếng mỗi ngày.

Bao nhiêu giờ trên mạng, là bấy nhiêu tiếng cúi đầu. Đến nỗi đi bộ trên hè, đôi khi bạn thấy có những hành động tưởng chừng đương nhiên mà sao khó thế, như là việc ngẩng mặt nhìn nhau…

Không biết từ bao giờ, cái điện thoại được cưng chiều đến vậy. Nó ở trên tay của người lớn trong công sở, lúc tham gia giao thông, khi đi thang máy..

Nó ở trên tay trẻ nhỏ mỗi khi người lớn cần đánh lạc hướng để cho chúng ăn, hay muốn chúng ngồi yên để mình rảnh tay làm gì đó.

Nó ở trên gối của những cô cậu học trò suốt đêm, ở cái tuổi chỉ muốn đóng cửa phòng.

Nó hút ánh mắt người dùng, và vít đầu người ta xuống.

Đi bộ trên hè, nhiều người lâu lâu mới ngẩng lên một chút

Dạo bước trên hè, bạn dễ bắt gặp những người cúi đầu, vừa đi vừa vuốt vuốt, chạm chạm. Thỉnh thoảng họ nhoẻn cười, thỉnh thoảng cau mày. Họ ngẩng lên một thoáng để nhìn đường rồi lại cúi. Có khi, suýt va vào bạn.

Bạn bắt gặp ở dãy café ven đường, những nhóm người ngồi cùng nhau mà thỉnh thoảng mới ngẩng lên, bên ly café hờ hững.

Bạn bắt gặp những người đang lái xe hoặc dừng đèn đỏ, lâu lâu mới ngẩng lên để canh chừng đồng hồ đếm ngược.

"Dừng đèn thì mình tranh thủ kiểm tra xem có ai nhắn hay gọi gì không, nhiều khi đang dở cuộc nói chuyện".

"Bây giờ trên mạng nhiều thứ cũng hay, đã xem là không rời mắt được!"

"Các clip bây giờ nghe cũng hài, cũng thú vị mà!"

Dừng đèn đỏ, rất nhiều cái đầu cúi xuống

Có ngàn lẻ một lý do để giải thích cho những cái đầu cúi xuống: bận, dở việc, hấp dẫn, hoặc để vờ bận rộn, tránh phải chào nhau.  Nhưng với người thân của họ và người xung quanh, thật khó khăn để chấp nhận:

"Không hiểu nổi họ làm gì mà lúc nào cũng cắm vào điện thoại. Công việc gì cả lúc đi đường. Cháy nhà chết người đâu mà phải vừa đi vừa lướt lướt. Bận quá thì dừng lại mà giải quyết . Bây giờ chúng nó chả nói chuyện với nhau, cứ nhắn nhắn, thả thả thôi".

"Bố mẹ con hay dùng điện thoại. Đi dạo với con cũng dùng điện thoại. Con thích đi công viên, ngắm cá, ngắm chó mèo hơn…"

Còn với người đi đường, cảm giác đi cùng những người cúi đầu, có cái gì đó vừa kỳ cục, vừa bâng khuâng như là mất mát. Bạn tự hỏi, sao người ta có thể thờ ơ với nhau, và thờ ơ với xung quanh đến thế.

Ừ thì xu hướng. Ừ thì thời đại. Nhưng hình như cúi nhìn điện thoại đôi khi còn là cái cớ để né tránh lẫn nhau. Đôi khi, một sự im lặng bức bối giữa đám đông, không một tiếng người, chỉ có tiếng vô cảm của những … con người máy.

Khi bạn cúi xuống, muôn hoa vẫn đua nở trên đầu và nắng vẫn ngọt trên cao

Khi bạn cúi xuống, phố vẫn đông, vẫn những tiếng rao điểm xuyết giữa ầm ào động cơ và tiếng ồn phố thị, như là sự lắng đọng của cái xưa trong cái nay, như là sự hòa hợp tự nhiên giữa phố với làng.

Khi bạn đang cúi, muôn hoa vẫn đua nở trên đầu, và nắng vẫn ngọt trên cao. Những mặt cười, mặt mếu, hoan hỉ và âu lo, nhàu nhì và rạng rỡ vẫn hiển hiện sinh động ở ngay bên, chứ không phải chỉ là biểu tượng trên màn hình.

Khi bạn dán mắt, dán tai vào những đoạn video léo xéo tiếng AI, có bao giọng nói con người với đủ âm sắc vùng ền, cung bậc cảm xúc ở ngay bên, thân thương như là hơi thở!

Bộ hành, nhìn những chiếc đầu cúi, những ánh mắt phản chiếu màu xanh màn hình tinh thể lỏng, bạn chỉ ước rằng, giá người ta có thể ngẩng mặt nhìn nhau.

Đúng vậy, ngẩng mặt nhìn nhau, để được nghe một tiếng người. Để được cảm nhận cái nhịp sống trào sôi. Để kéo lại sợi dây kết nối đang dần bị giãn ra – đôi khi đến mức lỏng lẻo - giữa những người ở sát bên nhau./.