Ngã tư trốn nắng

Trưa hè chang chang đổ lửa của Hà Nội được hiểu theo đúng nghĩa đen với cái nóng hầm hập bao vây tứ phía. Người và xe cộ đều cố tìm lấy những bóng râm để trốn nắng.

Cái sự trốn chạy này lại có phần nhốn nháo, xôn xao ở những ngã tư rộng lớn, nhất là khi người và xe phải dừng chờ dưới những cột đèn tín hiệu giao thông màu đỏ kéo dài tới cả phút. “Ngã tư trốn nắng” thế nào đây?

Cái nắng giữa trưa hè ngoài đường phố Hà Nội lên tới 40-gần 50 độ làm cho không gian như đặc quánh lại. Đó là cái nắng từ trên cao đổ xuống, là hơi nóng từ dưới đất bốc lên, hay hơi nóng phả ra từ các tòa nhà cao tầng,, từ khói xe đông đúc…

Dù là đi bằng phương tiện giao thông nào đi chăng nữa, kể cả là đi bộ thì ai cũng muốn đi được nhanh nhất có thể, tìm được chỗ râm mát nhất có thể, và không muốn phải dừng lại dù chỉ là một giây.

Ngã tư vốn rộng lớn và phải quang đãng để không cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông, vì thế, ngã tư phố nào hầu như cũng là nơi người tham gia giao thông chạy trời không khỏi nắng.

Ngã tư phố nào hầu như cũng là nơi người tham gia giao thông chạy trời không khỏi nắng

Thế nên, nếu phải dừng chờ đèn đỏ, rất nhiều người tìm đến những bóng râm bất kỳ gần đó để dừng lại, mong cho sự sốt ruột không bị hâm nóng  quá độ. Đó là tâm lý chung của rất nhiều người tham gia giao thông:

"Anh thường xuyên đỗ giữa trời nắng luôn, chả vấn đề gì cả, mình tuân thủ thôi, đa số là họ sẽ đi thôi, hiếm người dừng lại như anh lắm, thật, nắng chang chang đấy".

"Chị em sợ nắng hơn anh em đúng không? Đúng rồi, mà hay sốt ruột hơn, các chị em là hay sốt ruột, như em là em sẽ vượt hoặc là né, tâm lý là như thế, chờ 15 giây thôi là chắc chắn sẽ vượt".

"Nhưng có cảm thấy như thế là mất an toàn không?"

"Không, lúc đó thì không nghĩ thế, nhưng ví dụ mình dính một cái gì đó hoặc bất chợt giật mình thấy phía trước người ta dừng thì mình chỉ sợ lúc đấy thôi xong rồi sau lại quên luôn, cũng rất sợ nhưng lại hay quên".

"Em chạy chị ạ, nhưng đi ra đường em bịt kín lắm. Hầu như ai cũng thế chị nhỉ, đứng ở đấy cho khỏi nắng".

Ngay dưới những cột đèn giao thông nào mà có bóng mát của cây xanh đổ xuống thì thật sự là một góc trốn nắng lý tưởng cho người tham gia giao thông

Ngay dưới những cột đèn giao thông nào mà có bóng mát của cây xanh đổ xuống thì thật sự là một góc trốn nắng lý tưởng cho người tham gia giao thông. Còn nếu không, thì sẽ dễ nhận thấy sự nóng ruột theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen hiện diện trên gương mặt mọi người.

Người đi bộ cũng cố len lỏi,vượt qua đầu những phương tiện dừng lô nhô chỗ trên, chỗ dưới vạch sơn, rồi vội vàng tìm bóng râm để chạy tới. Đôi khi có chút giật mình, rồi có tiếng cười xòa xin lỗi. Có lẽ không ai muốn tăng thêm nhiệt độ lúc này, khi mà nhiệt độ ngoài trời vốn đã quá cao.

Bộ hành qua những ngã tư mà ai ai cũng muốn trốn nắng thì phải cần tới sự quan sát cao độ và khả năng dự đoán tình huống tốt hơn so với điều kiện bình thường. Cùng với đó là sự chậm rãi, kiên nhẫn chờ đợi.  Đó là kinh nghiệm mà chị Vũ Phương, có nhà ngay gần một ngã tư chia sẻ:

"Cũng thấy sốt ruột nhưng nói chung là phải nghĩ tới cái an toàn của mình hơn ý.  Ở chỗ nhà em có 1 cái đèn đỏ, có nhiều trường hợp xảy ra rồi ấy, nên mình nhìn thấy thế mình sợ, dù nắng nhưng cũng phải tìm chỗ an toàn mà đứng, đi chậm hơn vì nhiều người chỉ còn 1 giây nữa thôi mà người ta vẫn cố phóng lên".

Sự khắc nghiệt của cái nóng ở Hà Nội có lẽ ai cũng sợ

Sự khắc nghiệt của cái nóng ở Hà Nội có lẽ ai cũng sợ. Nếu được, thì mọi người đều hạn chế ra ngoài đường thời điểm giữa trưa. Nắng là thế, vội là thế, mà người tham gia giao thông đều phải chậm lại một nhịp ở mỗi ngã tư trốn nắng, nhất là với người đi bộ.

Cảm nhận những giọt mồ hôi thật rõ trong mỗi bước chân, cảm nhận sự quý giá của mỗi bóng mát, hay sự vôi vã trốn chạy khỏi nắng nóng của bao người mưu sinh trên đường…

Đó là  bức tranh cuộc sống mang màu nắng ở một góc ngã tư bất kỳ mà bạn có thể dễ dàng nhận ra khi bộ hành, và tất nhiên là khi đó, bạn cũng đang  không quá vội trốn nắng.