Ngã tư Sở bớt “khổ” sau khi có đường nhánh Láng - Yên Lãng

Vài ngày trở lại đây, đường nhánh nối ngõ 336 đường Láng men theo gầm tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông nối với phố Yên Lãng (quận Đống Đa, Hà Nội) đã được thông xe. Việc mở đường nhánh này đã tác động tích cực tới 2 “điểm nóng” giao thông gần đó là Ngã tư Sở và nút Láng-Yên Lãng. 

PV VOV Giao thông đang đứng cạnh ông Nguyễn Văn Mác tại đường nhánh mới mở thông từ đường Láng sang phố Yên Lãng.

Chào ông ạ, ông quan sát giao thông qua khu vực này có thay đổi gì từ khi mở đường? 

Tôi thấy làm con đường này là rất đúng. Người dân cảm ơn, người đi xe máy như chúng tôi cũng cảm ơn nhiều. Trước kia, chưa cho đi qua con đường này ra Yên Lãng thì giờ nào cũng tắc, thậm chí tắc đến cả 10h đêm, đi chậm lắm. Do đó, giờ đi thoáng thì nên phát huy như thế này ở cả những nơi khác nữa.

Tôi ở đường Láng này từ bé đến lớn, mới mở được chút xíu, cái cây thanh niên chúng tôi trồng giờ lớn như thế, mà đến nay con đường này nó vẫn thế. Tôi nghĩ rằng cần làm rộng ra, làm cả đường trên cao đi, như đường Trường Chinh, cho dân đi lại đỡ khổ.

Đường Láng trước khi đến nút giao Yên Lãng đã được mở đường nhánh ở ngõ 336.

Đường Láng đã có thông tin về dự án mở rộng đường rồi. Theo quan sát của cháu, một số hạng mục còn đang chờ hoàn thành nốt ở phần cuối đường nhánh này. Hiện xe cộ đã có thể lưu thông ổn định. Tuy nhiên, có vẻ việc lấn chiếm vỉa hè dải phân cách dưới gầm cầu vẫn tồn tại?

Không phải riêng ở đây, mà khắp nơi nên giải tỏa để cho dân thông thoáng hơn. Đường mình có văn hóa hơn, chứ người ta đi qua đây, lại đánh giá là mình lỏng lẻo.

Nhà nước nên giải tỏa và sắp xếp cho người ta chỗ buôn bán theo đúng quy định. Còn cứ lấn chiếm thì gây ách tắc.

Đường nhánh mới men theo gầm đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, các phương tiện ô tô, xe máy đi tắt được sang Yên Lãng, Thái Hà, Thái Thịnh dễ dàng.

Bên cạnh đó, lòng đường cũng bị trưng dụng làm nơi đỗ xe hơi?

Cái ngõ này, phải nói thẳng từ xưa đến giờ người ta vẫn đỗ ô tô, vì nhà người ta ở gần đây. Bây giờ muốn ngõ này thông thoáng, cần sắp xếp chỗ để ô tô cho người ta.

Giờ không sắp xếp thì người ta đi đâu bây giờ? Giải quyết có chỗ đỗ thì chả cần nói người ta cũng đỗ vào.

Có lẽ cần tính đến những bãi đỗ xe hợp pháp để đáp ứng nhu cầu của bà con. Cảm ơn chia sẻ của ông!

Ông Nguyễn Văn Mác, cư dân đường Láng, ủng hộ mở rộng đường nhánh, và cho rằng cần sớm mở rộng đường Láng cả dưới thấp lẫn nên có đường trên cao để đồng bộ.

Có dịp trò chuyện thêm với anh Đinh Thế Anh, cư dân khác trong khu vực, anh cho biết, đường nhánh mới mở cho phé cả xe máy và ô tô lưu thông đã giảm áp lực đáng kể nút dừng chờ đèn tín hiệu Láng -Yên Lãng phía trên, và bớt xe ùn lại về phía nút giao trọng điểm Ngã Tư Sở:

"Phần lớn xe đi ngõ này là đi ra Thái Thịnh, Thái Hà. Mở đường này ra, em thấy thông thoáng, đi lại bình thường hơn, chắc phải 70-80% là không còn ùn tắc nữa. Còn bây giờ chỉ ở trục chính đường Láng, chờ đèn đỏ thì ùn một chút, ít khi tắc. Còn vỉa hè trước đây thấy họ lấn chiếm nhiều, còn vài ngày trở lại đây, thì đã dẹp đỡ hẳn rồi".

Anh Đinh Thế Anh cho rằng, ùn ứ giao thông từ Ngã tư Sở xuống nút Láng-Yên Lãng đã giảm bớt 70-80% vài ngày trở lại đây.

Theo phương án phân luồng của Sở GTVT Hà Nội, sẽ tổ chức giao thông một chiều cho tất cả các phương tiện lưu thông tại hai làn đường mở rộng dưới đường sắt trên cao 2A hướng Láng đi Yên Lãng; Các phương tiện có nhu cầu từ đường Láng đi Yên Lãng rẽ phải liên tục trước nút theo lối đường mở rộng dưới đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

A5 Một số hàng quán, xe hơi còn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè dài phân cách giữa tại đường nhánh mới mở.

Các phương tiện bị cấm dừng đỗ trên hai làn đường mới mở rộng này. Các phương tiện bị cấm quay đầu vào các khung giờ cao điểm sáng (từ 6h00 đến 9h00), cao điểm chiều (16h00 đến 19h30) tại điểm quay đầu vị trí đối diện số 232 đường Láng.

Giao thông qua Ngã tư Sở, nút giao Láng-Yên Lãng đã 'dễ thở' hơn với cách tổ chức giao thông mới.

Việc Hà Nội đưa vào sử dụng một nhánh đường nhằm xả áp lực cho tuyến Ngã tư Sở- đường Láng mang rất nhiều ý nghĩa về giao thông, giúp hạn chế ùn ứ, ách tắc, đặc biệt vào dịp cuối năm, giáp Tết Nguyên đán 2025.

Trong bối cảnh đặc thù gần chợ, hàng quán nhiều, nhu cầu đỗ xe cao, đòi hỏi chính quyền sở tại, lực lượng chức năng cần duy trì trật tự đô thị để đảm bảo công năng của tuyến đường được phát huy hiệu quả.