Nàng Thơm, một thuở vàng son

Mỹ Lệ là vùng đất đặc biệt của ĐBSCL với đặc thù ngập mặn kết phèn, dư thừa phù sa. Chính nguồn tài nguyên trời phú này đã kết tinh nên khối dinh dưỡng tuyệt vời để nông dân trồng được giống lúa độc quyền mang tên Nàng Thơm.

Gần 2 thế kỷ, gạo Nàng Thơm nấu thành cơm thơm ngon nổi tiếng khắp các vùng ền và trở thành biểu tượng của quê hương ền hạ. 

Hạt lúa Nàng Thơm thon dài, eo cong và có đuôi nhọn hơi quớt lên

Sông Vàm Cỏ Đông chảy qua Đức Hòa - Đức Huệ đến Bến Lức rồi vào Cần Đước – Rạch Đào. Nép mình bên dòng kinh trăm tuổi Rạch Đào, xã Mỹ Lệ lúc nào cũng e ấp lúa non no tròn, căng sữa. Nơi đây có hàng chục loại gạo bắt đầu bằng từ nàng: Nàng Tri, Nàng Chồ, Nàng Co, Nàng Hương, Nàng Minh, Nàng Quất, Nàng Rẫy, Nàng Sóc, Nàng Rừng…nhưng nổi tiếng nhất là Nàng Thơm ở chợ Đào.

Nàng Thơm Chợ Đào có hạt thon dài, bẻ đôi bên trong có màu hồng hạt lựu, đây là điều kỳ diệu cho đến nay vẫn chưa ai lý giải được. Khi nấu cơm vừa sôi là dậy mùi thơm ngào ngạt, khi chín, hạt cơm dẻo mềm và bóng mượt như vừa được ai trộn dầu. Cơm để qua đêm không bị ôi thiu hay mất mùi.

Ông Nguyễn Thế Vinh – nông dân ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An tự hào cho biết: “Gạo Nang Thơm chính gốc nấu lên có mùi hương lá dứa, gạo nấu ra bóng mượt, để không thiu, cơm rất trắng và dẻo. Chợ Đào này là một vùng giáp nước, khi nước lũ về dâng ngập hết và khi nước rút để lại phù sa. Chính vì thế tất cả giống lúa thơm cứ gieo trồng ở vùng này là ngon nhất”.

Truyền thuyết dân gian kể rằng, cái tên gạo Nàng Thơm xuất phát từ một cuộc tình buồn. Thuở trước, khu vực Rạch Đào có cô tiểu thư tên Thơm đem lòng yêu anh nông dân nghèo nhưng bị gia đình ngăn cản. Anh chàng bỏ xứ đi lập nghiệp, nàng tiểu thư buồn mà chết. Chàng trai về, ra thăm mộ nàng giữa ruộng thì phát hiện xung quanh có nhiều cây lúa mọc cao ngất ngưỡng, giã gạo đem nấu, cho cơm thơm lừng. Chàng trai trồng giống lúa đó và gọi bằng chính tên người yêu: Nàng Thơm. Dân trong vùng thấy giống ngon trồng theo, thương lái khắp nơi đổ về Chợ Đào mua gạo quý và gọi là Nàng Thơm Chợ Đào.

Nàng Thơm Chợ Đào bước vào hoàng triều với danh nghĩa là gạo tiến vua. Sách Đại Nam thực lục từng ghi nhận, năm 1838, vua Minh Mạng đã chỉ: “định lại lệ chở nộp thóc vua dùng ở Gia Định, thóc này ở 7 xã thôn huyện Phúc Lộc (huyện Cần Đước ngày nay) bông thưa gặt muộn, theo lệ cũ mỗi năm phải nộp 100 hộc, nay đổi làm 50 hộc”.

Cây lúa Nàng Thơm Chợ Đào được mệnh danh là “hoa hậu chân dài” vì cao 1m8. Thời gian sinh trưởng từ 155 - 180 ngày nên một năm chỉ trồng được một vụ

 

Cây lúa Nàng Thơm Chợ Đào được mệnh danh là “hoa hậu chân dài” vì cao 1m8. Thời gian sinh trưởng từ 155 - 180 ngày nên một năm chỉ trồng được một vụ, từ tháng 6 đến tháng Chạp âm lịch. Vốn là loại lúa “khó tính”, Nàng Thơm mang đặc tính sinh lý rất ngặt nghèo: kén đất, đúng thời vụ, không bón phân, năng suất thấp, nhưng bù lại giá trị kinh tế cao. Mỹ Lệ khi xưa quanh năm dư lụt thừa mặn, sông Rạch Đào nhiễm mặn kết phèn đã hình thành lớp bùn đất có thành phần vi lượng, khoáng chất góp phần tạo nên độ thơm cho gạo. Đến nay, giống này cũng chỉ trồng được quanh dòng kinh Rạch Đào (ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ), nếu mang đi nơi khác thì hương vị và độ dẻo sẽ giảm đi.

Ông Bùi Quốc Toàn – PCT UBND xã Mỹ Lệ cho biết: “Để giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào chất lượng thì địa phương luôn khuyến cáo nông dân xuống giống đúng thời vụ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Sử dụng thuốc BTVT cũng phải nằm trong danh mục cho phép để đảm bảo độ thơm ngon”.

Hạt lúa Nàng Thơm thon dài, eo cong và có đuôi nhọn hơi quớt lên. Phía ngoài hạt gạo có một lớp cám mỏng rất thơm. Gạo vừa chà xong là vô bao chuyển đi khắp từ Nam chí Bắc, không đủ để giao. Vào năm 2013, giá gạo cán mốc 30.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với giá trung bình các loại gạo ngon ở ĐBSCL.

Dần dà, thị trường lại phải chứng kiến cảnh “thoái trào” nghiêm trọng của dòng gạo Nàng Thơm. Nhiều công ty xuất khẩu lúa gạo tìm đến Mỹ Lệ ký hợp đồng thu mua. Nhưng đến khi lấy gạo nấu ra cơm lại cứng ngắc, khô queo, không còn thơm nữa. Thương lái tìm cách hủy hợp đồng, nông dân đứng ngồi không yên. Nguyên nhân cuối cùng được chỉ ra là vùng đã được đê bao khép kín, không còn lụt - mặn, không có phù sa bồi đắp hằng năm, nông dân sử dụng phân bón hóa học nhiều làm cho đất bị bạc màu, các chất vi lượng và khoáng chất trong đất đã bị mất đi nên giống Nàng Thơm bị thoái hóa như một quy luật tự nhiên.

Người dân xã Mỹ Lệ cũng chán nản lúa Nàng Thơm, tìm các giống lúa khác về trồng, từ đó giống Nàng Thơm dần mai một. Khi đó, ông Phan Văn Sánh - một người hành nghề buôn gạo ở địa phương mới tập hợp nông dân trồng 100 hecta lúa Nàng Thơm Chợ Đào có bao tiêu đầu ra. Nhưng gạo ra cơm không còn mùi thơm đặc trưng như xưa nữa.

Ông Phan Văn Sánh - một người hành nghề buôn gạo ở địa phương tập hợp nông dân trồng 100 hecta lúa Nàng Thơm Chợ Đào có bao tiêu đầu ra

Ông Phan Văn Sánh – ngụ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước tâm tư: “Giống lúa có thương hiệu nên mình phải gìn giữ và phát triển thương hiệu này rộng khắp. Tôi đây tập hợp nông dân, giao phân bón và thuốc trừ sâu cho nông dân canh tác lúa. Nhưng loại nào Bộ NN&PTNT cho xài mình mới xài”.

Năm 2016, Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước cùng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật đã ký kết hợp đồng với Trường đại học Cần Thơ thực hiện công trình khoa học: “Khai thác và phát triển nguồn gen giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào” với tổng kinh phí 5 tỷ đồng.

Đề tài được thực hiện trong 48 tháng (từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2020) với mục tiêu khôi phục nguồn gen giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào. Niềm vui của nông dân xã Mỹ Lệ một lần nữa vỡ òa khi đề tài thực hiện thành công, toàn bộ quy trình trồng lúa Nàng Thơm đã được chuyển giao lại cho địa phương.

Ông Phan Văn Sánh – ngụ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước hồ hỡi cho biết: “Bộ KH&CN và Sở NN&PTNT Long An đang phục hồi giống Nàng Thơm Chợ Đào lại. Năm 2022-2023 là giống chuẩn nhất, đạt chất lượng khoảng 90% như ngày xưa”.

Đến nay, Mỹ Lệ đã mở rộng và duy trì được 400 hecta diện tích trồng lúa Nàng Thơm với năng suất 4 tấn/hecta. Mỗi hecta lúa tốn chỉ 600.000 đồng phân hữu cơ, nông dân có lãi 20 triệu đồng trên một hecta. Hiện tại, giá gạo Nàng Thơm Chợ Đào bán tại gốc giá 24.000 đồng/ký.

Để bà con biết cách trồng đúng phương pháp theo kiểu tự nhiên, địa phương đang thí điểm mô hình trồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào theo hướng VietGap. Nếu trồng theo hướng này, nông dân sẽ tiết kiệm thêm 4.000 đồng/kg so với hiện nay, giá sản phẩm được nâng lên, người trồng lúa Nàng Thơm sẽ sống tốt hơn. Muốn vậy, cần phải có sự đồng lòng, kiên trì của nhà nông.

Nàng Thơm Chợ Đào có hạt thon dài, bẻ đôi bên trong có màu hồng hạt lựu. Thành cơm thơm mùi lá dứa, hạt dẻo mềm và bóng mượt

Ông Bùi Quốc Toàn – PCT UBND xã Mỹ Lệ cho biết: “Thời gian tới UBND xã Mỹ Lệ sẽ cắm mốc 200 hecta bảo vệ vùng trồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào. Ngoài ra, phối hợp với các Ban – Ngành để xây dựng sản phẩm OCOP cho gạo Nàng Thơm để dòng gạo này lưu hành ở tất cả các siêu thị lớn trên cả nước”.

Đến chặng đường hôm nay, giống Nàng Thơm Chợ Đào đã được phục tráng bằng 70% chất lượng so với nguyên bản. Năm 2022, vượt lên hàng nghìn “gương mặt” ẩm thực của cả nước, Nàng Thơm Chợ Đào lọt tốp 100 món ăn đặc sản Việt Nam và 100 đặc sản quà tặng Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố.

“Bĩ cực đã qua, thái lai trở lại”, Mỹ Lệ đã đóng góp vào danh mục đặc sản của đất nước một loại gạo kết tinh từ đất đai, trí tuệ, mồ hôi, sức lực của người lưu dân Nam tiến. Việc nhân rộng giống Nàng Thơm là một tín hiệu vui về tư duy kinh tế của người nông dân Mỹ Lệ.

Trước tiên là suy nghĩ về lúa giống, Chợ Đào là nơi có sự ổn định về lúa giống cao nhất trong vùng ĐBSCL, kể cả năng suất lúa, chất lượng gạo và hương vị cơm. Vậy thì cũng nên hướng đến một Mỹ Lệ chuyên sản xuất giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào, niềm tự hào của quê hương ền hạ Long An.