Nâng cao ý thức, trách nhiệm PCCC tại các chợ dân sinh

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) thời gian qua đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền kiến thức, kỹ năng an toàn phòng cháy chữa cháy tại các chợ dân sinh trên địa bàn.

Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Phúc Thọ tuyên truyền PCCC tại chợ Hiệp, xã Tam Hiệp

Thời điểm này, khi nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân gia tăng trước Tết, để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, anh Trần Hoài Nam đã nhập thêm hàng hóa tại chợ Hiệp, xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ). Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp hàng hóa, tiểu thương này đã để một số loại quần áo thời trang ở ngay cạnh ổ điện, khiến nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra.

Trong quá trình cùng nhân viên Ban Quản lý chợ Hiệp kiểm tra công tác an toàn phòng chống cháy nổ, đoàn công tác của Công an TP Hà Nội và Đội Cảnh sát CCC&CNCH huyện Phúc Thọ đã phát hiện ra sơ suất này. Ngay sau khi được nhắc nhở, tiểu thương đã nhanh chóng di dời số hàng hóa ra xa ổ điện.

“Những ngày này, BQL chợ thường xuyên nhắc nhở chúng tôi và bà con đi mua sắm cần đề phòng cháy, nổ. Tuy nhiên, do công việc buôn bán bận rộn nên đôi lúc tôi còn chủ quan. Được cơ quan chức năng nhắc nhở, chỉ ra các sơ suất, tôi đã thấy được sự nguy hiểm nên khắc phục ngay”, anh Trần Hoài Nam chia sẻ.

Cảnh sát PCCC&CNCH lưu ý một tiểu thương việc sắp xếp hàng hóa và thắp hương thờ cúng trong quá trình kinh doanh tại các chợ dân sinh

Ông Phạm Văn Tưởng – đại diện Ban quản lý chợ Hiệp nhận định, mặc dù lực lượng chức năng đã thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn công tác PCCC tại chợ Hiệp, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của từng tiểu thương và BQL chợ trong tự kiểm tra, trang bị các kỹ năng, phương tiện PCCC tại chỗ để dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh, tránh cháy lan, cháy lớn.

Bên cạnh đó, nhận thức được nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn tại các khu chợ dân sinh trên địa bàn, ông Đỗ Trọng Đại – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) cho biết:

“Ngay từ khi có Kế hoạch của Công an TP Hà Nội về đảm bảo an toàn PCCC&CNCH thời điểm trước trong và sau Tết, chúng tôi đã giao trách nhiệm cho lực lượng công an xã tham mưu, xây dựng các kế hoạch công tác tuyên truyền đến các siêu thị, chợ cùng với người dân đảm bảo tốt công tác PCCC, đồng thời thành lập các đội PCCC tại chỗ, dân phòng bảo kịp thời xử lý những tình huống cháy, nổ”.

BQL Chợ Hiệp chủ động trang bị các thiết bị chữa cháy tại chỗ

Theo Đại úy Phạm Văn Huy – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Phúc Thọ, bên cạnh việc tích trữ nhiều hàng hóa thì lưu lượng người tới chợ dân sinh cũng đang gia tăng. Nhu cầu sử dụng lửa, điện, khí đốt hóa lỏng phục vụ buôn bán, sản xuất là rất lớn. Chỉ cần lơ là, chủ quan là cháy, nổ sẽ xảy ra, có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Vì vậy, để chủ động phòng, chống cháy nổ, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Phúc Thọ đã triển khai kế hoạch kiểm tra, đánh giá an toàn công tác PCCC đối với các chợ trên địa bàn.

Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Phúc Thọ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn PCCC&CNCH trước, trong và sau Tết Nguyên đán

Vấn đề quan trọng nhất là các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, tiểu thương, siêu thị, trung tâm thương mại cần tự giác chấp hành các quy định về PCCC, thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện để kịp thời phát hiện các nguy cơ phát sinh cháy, nổ.

“Không chỉ với riêng loại hình chợ, TTTM, siêu thị mà với các các loại hình cơ sở do cấp xã quản lý là rất lớn, nên chúng tôi rất mong sẽ được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, tăng cường nhân lực về cơ sở, để thực hiện tốt hơn công tác đảm bảo PCCC tại địa bàn cấp xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền về PCCC để từng người dân tự ý thức được những nguy cơ cháy, nổ tại chính cơ sở của mình”, Đại úy Phạm Văn Huy nhấn mạnh.

Tại các chợ truyền thống, công tác PCCC&CNCH cần phải được ưu tiên hàng đầu

Bên cạnh đó, để thực hiện Kế hoạch 358/KH-CATP của Công an Thành phố Hà Nội, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Phúc Thọ sẽ tiến hành kiểm tra các điều kiện về an toàn PCCC; kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu, đội viên đội PCCC cơ sở; các giải pháp trong việc quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các chất dễ cháy; hệ thống giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy cũng như khả năng hoạt động của phương tiện, thiết bị chữa cháy./.