Nắm tay nhau trên đường

Đi bộ giữa phố đông, đôi khi ta rung động bởi những điều hết sức bình dị, thậm chí có vẻ vụn vặt, lẩn thẩn và chẳng đáng kể gì. Chẳng hạn, một cái nắm tay.

Những cái nắm tay rất thường xuyên khi ta còn bé

Hơn 8h sáng, bên một góc vườn hoa nơi phố Quang Trung và Lý Quốc Sư chụm lại, Sơn - sinh viên năm cuối Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, ngồi tranh thủ ăn sáng, đợi đến giờ vào Thư viện Quốc gia. Vỉa hè nơi cậu đang ngồi, con phố trung tâm gần sát Bờ Hồ, có người đi bộ thong dong, có người vội vã. Kẻ một mình, người hai ba mình, nhưng rất ít cái nắm tay, trừ khách nước ngoài:

- Em thấy người Việt Nam mình ít nắm tay nhau khi đi bộ trên đường. Khoảng 50% thôi, chủ yếu ở người trẻ.

Theo bạn, vì sao?

- Có thể do tâm lý, thói quen của người Việt Mình, không hay thể hiện ra. Trong khi người nước ngoài thoải mái nắm tay nhau khi đi cùng, ôm và thơm má nhau khi lâu ngày gặp lại.

Bạn thì sao? Bạn có hay nắm tay người thân của mình?

- Em về gặp ông bà em thì bà em chủ động nắm tay em, ôm em.

Thế còn bố mẹ? Bạn có nhớ lần gần đây nhất mình nắm tay bố mẹ khi đi đâu đó?

- Hồi bé đi chơi thì bố mẹ nắm tay dắt em. Còn lần gần đây nhất thì… chắc lâu lắm rồi, em không nhớ!

Cặp vợ chồng từ quê ra, nắm tay nhau qua đường, sang bên kia cổng viện

Hà Nội lần này lạnh thật rồi. Không khí lạnh không còn chơi trò ú tim như mấy lần trước đó. Cái lạnh đầu mùa và trong sự mong chờ, khiến âm thanh và hương vị của phố dường như cũng trở nên đậm hơn. Những cái nắm tay trên đường làm cho không khí ấm hơn.

Vỉa hè đường Trần Bình Trọng, Trần Nhân Tông, thỉnh thoảng có người nắm tay nhau khi đi thể dục về. Vỉa hè đường Giải Phóng chỗ trường Bách Khoa, đôi vợ chồng từ quê ra, nắm tay nhau băng qua xe cộ để sang cổng viện.

Ở ngã tư Giải Phóng – Trường Chinh, một người mẹ nắm tay dắt con trai sang đường, tranh thủ các xe dừng chờ đèn đỏ. Càng vào gần phố cổ nơi có đông du khách nước ngoài, những cái nắm tay xuất hiện thường xuyên hơn.

Nắm tay nhau khi đi công viên tập thể dục về

Những cái nắm tay ít phổ biến ở bộ hành người Việt, nếu có cũng chủ yếu ở người trẻ đang tuổi yêu đương. Nhưng ngay cả với người trẻ, nắm tay bạn bè hoặc bạn trai bạn gái mình thì dễ, mà nắm bố mẹ mình cũng thật hiếm hoi…

Phố Vọng một sớm nào đó bộ hành đi qua, thấy có hai người - một nam một nữ, mặc đồng phục của công ty. Họ nắm tay nhau cùng đi và vui vẻ chuyện trò, sự thân mật vừa đủ. Ban mai ấm áp và dễ thương làm sao! Nhưng khi đến gần điểm đón xe của công ty, có mấy đồng nghiệp đang chờ, họ buông tay nhau, người sau kẻ trước.

Có cái gì đó chưa sẵn sàng để người ta nắm tay nhau trước mặt đám đông, đặc biệt là người quen. Không rõ, vì họ sợ trêu đùa, hay vì tự bản thân thấy rằng đó là một cử chỉ hơi lạc lõng.

Cái nắm tay rất tự nhiên ở những du khách nước ngoài khi đi trên vỉa hè Hà Nội

Người ta nắm tay nhau để chia sẻ niềm hạnh phúc trào dâng, hoặc để giúp vượt qua nỗi sợ, truyền cho nhau nghị lực lúc khó khăn, trong thời khắc quyết định. Và khi ai đó sắp lìa cõi tạm, bao bịn rịn luyến lưu với đời, với người, cũng gói gọn trong một cái nắm tay…

Cái nắm tay đã trở thành biểu tượng, một thứ ngôn từ xuyên biên giới, từ Á đến Âu. Hơn cả tình yêu, nếu có cái gì vừa gây xúc động rất sâu, vừa gây bồi hồi, suy tư và gợi lên khao khát, thì đó chỉ có thể là một cái nắm tay!

Bộ hành người Việt dường như ít có thói quen nắm tay nhau, ngay cả người trẻ
Là người sống rất tình cảm, nhưng Sơn - Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông không nhớ lần gần đây nhất ̀nh nắm tay cha mẹ là khi nào, vì đã từ...lâu lắm!

Bạn có thường nắm tay người thân hoặc người thương của mình khi ra đường, khi xuất hiện ở những nơi công cộng? Liệu có gì cản trở một cái nắm tay ngoài sự ngần ngại của chính mình? Nắm tay nhau, hôm nay, và ngay giây phút này nếu có thể, để không phải ngậm ngùi lỡ hẹn với thương yêu!