Mua mũ bảo hiểm cho con, tránh CSGT hay vì an toàn của trẻ?

Nhiều bậc cha mẹ khi ra đường luôn mang mũ bảo hiểm cho bản thân mình nhưng lại thường ‘quên’ hay lơ là chuyện đội mũ cho con, trong khi trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu không may xảy ra tai nạn giao thông.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Khi được hỏi thì không ít phụ huynh lý giải rằng do không để ý, quên hay nhà gần trường nên không cần đội mũ bảo hiểm cho con…Phụ huynh: Hôm nay vội quá nên quên đấy, chứ mọi hôm vẫn đội mà. Với cả nhà mình cách trường có một quãng ấy mà.

Đây là chia sẻ của một phụ huynh, xin không được nêu tên, khi tôi hỏi chị rằng vì sao không đội mũ bảo hiểm cho con khi đưa cháu đến trường.

Trên phố Thái Hà, PV VOV Giao thông có cuộc trò chuyện với anh Đức Minh tại một quầy bán mũ bảo hiểm.

Nhiều phụ huynh đón con giờ tan trường nhưng không đội MBH, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT Ảnh: Báo Giao thông

Chào anh Minh, tôi thấy anh đang tìm một chiếc mũ bảo hiểm cho trẻ em phải không?

Đúng rồi, mình đang tìm mua một cái mũ bảo hiểm cho con trai.

Cháu nhà anh năm nay học lớp mấy rồi?

Con mình được 9 tuổi rồi, đang học lớp 4.

Từ trước đến nay thì anh có thường xuyên đội mũ bảo hiểm cho con khi chở cháu trên đường không?

Thực ra cái này thì cũng hôm nhớ hôm quên. Có hôm cả nhà dậy muộn quá, mình thì vội đi làm, con thì sợ muộn học nên quả thật là cũng không nhớ.

Anh thấy việc đội mũ bảo hiểm cho cho trẻ khi tham gia giao thông quan trọng như thế nào?

Cái này rõ ràng rất là quan trọng rồi. Thứ nhất là an toàn cho con trước đã, vì đi ngoài đường thì không ai có thể nói trước được chuyện gì cả. Thứ hai là tạo cho trẻ thói quen, ý thức chấp hành luật giao thông.

Một điều nữa là nhiều hôm đưa con đến trường mà quên mũ bảo hiểm là nó cứ bảo phải đỗ cách xa cổng trường ra vì sợ bị bạn sao đỏ ghi vào sổ. Mình thấy như thế là ý thức của cả hai bố con có khi cũng cần phải xem lại.

Vâng, tôi thấy không ít phụ huynh cũng ở trong trường hợp này. Nhiều người vẫn cho rằng việc đội mũ bảo hiểm cho con chủ yếu là mang tính chất đối phó với cảnh sát giao thông hay quy định ở trường học, chứ ý thức được việc đội mũ bảo hiểm là vì an toàn của trẻ. Anh nghĩ sao vì điều này?

Tôi cũng nghĩ vậy. Có thể do việc xử phạt trẻ em không đội mũ bảo hiểm chưa thực hiện thường xuyên nên là một số phụ huynh còn lơ là.

Nhưng tôi nghĩ rằng, rõ ràng, trong bản thân trẻ nhỏ chúng nó chưa nhận thức, tự chịu trách nhiệm đầy đủ về hành vi của mình, thì chính các bậc phụ huynh lại vô tình tạo cho con em mình những thói quen không tốt về sự thiếu ý thức chấp hành quy định không đội mũ bảo hiểm cho trẻ.

Câu chuyện này cũng đã diễn ra nhiều năm, ai cũng nhận thức được nhưng việc thực hiện dường như không được xem trọng. Tôi nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh mẽ, xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành quy định.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

Một nghiên cứu cho thấy, đội mũ bảo hiểm có thể giảm tới 69% nguy cơ chấn thương đầu do tai nạn giao thông và giảm tới 42% nguy cơ tử vong.

Dù đã có quy định bắt buộc trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện… song thực tế, nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa tự giác đội mũ bảo hiểm để bảo vệ hiệu quả, hạn chế thương tích vùng đầu cho con em mình khi tham gia giao thông nếu chẳng may xảy ra tai nạn.

Chính vì vậy thời gian tới, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em khi tham gia giao thông, bên cạnh đó các bậc phụ huynh cũng cần nâng cao ý thức để bảo vệ an toàn cho chính con em mình.