Mùa cấy, dặm mạ trên đồng

Miền Tây lâu nay được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất của cả nước. Do vậy mà ở quê tôi, dù là con trai hay con gái đều giỏi cày, cấy lẫn dặm lúa. Trên cánh đồng lúa cũng tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, tay lắm chân bùn, chịu cực cũng sống được với nghề dặm lúa thuê.

 

Công việc nhổ lúa non từ chỗ dày để trồng vào chỗ thưa vì lúa non bị ốc, chuột, cò vạc... cắn phá, việc này quê tôi gọi là “cấy dặm”. Nhớ lại ngày trước, công việc cấy dặm buộc phải làm bằng tay vì chẳng có máy móc nào thay thế được. Nhưng ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, nông dân không còn phải vất vả như xưa nữa. Cấy dặm bây giờ cơ bản là dùng cây cuốc ba chĩa vừa nhanh mà lại đỡ vất vả, vừa đỡ đau lưng nhưng việc cấy dặm nhanh hơn trước gấp mấy.

Tại Hậu Giang những ngày này, trên các cánh đồng dọc theo Quốc lộ 61C nối tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ, đâu đâu cũng thấy những đội cấy, dặm lúa thuê hăng say làm việc. Do ảnh hưởng thời tiết nên lúc gieo sạ, lúa giống dồn về 1 chỗ nên khi lên mạ, ruộng lúa không đều, vì vậy, chủ ruộng phải thuê nhân công để cấy dặm mạ.

Đây là công việc thời vụ chỉ kéo dài trong nửa tháng. Mỗi ngày, 1 người cấy dặm thuê được trả tiền công từ từ 200 ngàn đến 250 ngàn đồng/ngày/8 tiếng nhưng cũng có người tính theo giờ, mỗi giờ người cấy, dặm thuê được trả 30 ngàn đồng.

Nhà có 17 công ruộng tầm lớn, ông Trần Văn Sái, ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang sạ giống RVT, lúa đã 20 ngày tuổi, tuy nhiên lúa lên không đều do nhiều nguyên nhân, vì vậy như bao bà con khác ông Sái phải thuê mướn nhân công cấy, dặm.

Ông Sái, bộc bạch: "Năm nào chết nhiều thì mướn dặm, mọi năm cũng vậy, năm nay tình hình ốc hơi nhiều, rồi sạ xuống nó chết, nó ăn nhiều quá phài mướn. Mấy đứa này ở xóm thôi ở gần nhà năm nào cũng mướn".

Công việc cấy, dậm “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” đòi hỏi người làm phải tranh thủ đi làm sớm để đỡ nắng gắt. Vì lẽ đó mà trên các cánh đồng, trời hừng sáng đã có gần chục người lom khom cấy dưới ruộng. Nhiều người cho biết, giờ kiếm người cấy, dặm lúa mướn cũng khó trần thân. Bởi người theo nghề chẳng còn bao nhiêu, một phần vì công việc cực nhọc, phần vì làm thời vụ nên thu nhập bấp bênh nên có lẽ do vậy mà nhiều người chọn đi làm ăn xa. Ai gắn bó với ruộng đồng mới biết làm nông cực khổ như thế nào.

Một dụng cụ không thể thiếu với người làm nghề đó là móc dặm lúa, dụng cụ này có cấu tạo đơn giản, giống như cây cuốc chĩa thu nhỏ, cán cầm dài chừng hơn 2m. Lưỡi cuốc dặm làm bằng thép cứng có ba chia, đầu mỗi chia vừa nhọn, vừa hơi dẹp ở mũi giúp cho việc cuốc cây lúa để dặm được dễ dàng.

Khi sử dụng cây cuốc móc, người nông dân có thể đứng thẳng để cuốc lúa ở những chỗ dày dặm vào chỗ thưa. Do đặc điểm cán cuốc dài nên người dặm ít di chuyển, chỉ cần đứng một chỗ đưa cuốc đến nơi có lúa dày rồi “bốc” lúa đưa đến chỗ trống, chỗ lúa mọc thưa.

Theo nhiều nông dân, hiệu quả mà dụng cụ dặm lúa mang lại gấp từ 3 - 5 lần so với cách cấy dặm truyền thống. Đặc biệt đối với ruộng sạ theo hàng, việc cấy dặm bằng công cụ này càng nhanh hơn do bà con chỉ việc đi theo hàng và cuốc bớt cây lúa ở những chỗ dày lấp vào những chỗ trống.

Ngoài việc tăng hiệu quả, giúp công việc nhanh hơn, cuốc dặm lúa còn giúp cây không bị mất sức, rễ lúa hầu như còn nguyên nên cây mạ phục hồi nhanh chóng, theo kịp sự phát triển của lúa trong ruộng.  

Bà Mai Thị Hạnh, xã Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: "Sạ khoảng nữa tháng, 20 ngày là mình đi dậm, chỗ nào chết thì dậm, chỗ nào dầy thì mốc ra bỏ mấy chỗ trống, dậm lúa mướn chuyên nghiệp mà, kêu người nào thì người đó đi dậm, chứ bị gì không có lầm chung một tổ, thường thường chủ đất ở đây người ta kêu, mướn, mấy người thì mình đi mấy người vậy đó, tiếng 30 ngàn, cũng cả chục năm rồi à, cái này cũng như làm thời vụ, lúa chết thì người ta kêu mình dặm, còn ngày thường thì không có thường ở nhà ai mướn gì làm nấy, còn tới vụ lúa thì mình đi dậm lúa, vụ lúa này dậm 10 bữa, nữa tháng là hết".

Để xua tan mệt mỏi, họ nói cười rổn rảng, chọc ghẹo nhau vang cả cánh đồng. Cứ thế, cuộc sống của họ là chuỗi ngày di chuyển hết ruộng này đến ruộng kia. Mệt quá thì nghỉ vài hôm, rồi lại đi tiếp. Thành viên các đội cấy lúa đều là bà con hàng sớm nên cũng chẳng ai nạnh hẹ nhau mà tương trợ, hỗ trợ nhau để sớm hoàn thành công việc.

Bà Nguyễn Thị Bé Tám, ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, bộc bạch: "Như mấy cái vũng, thấp mình lấy chỗ dầy đưa ra chỗ thưa, còn không có thì mình chiết mạ, cỡ 5 giờ mình thức dậy, chuẩn bị đi dậm 6 giờ ra tới ruộng, tới mùa là mình đi dậm".

Theo những người làm nghề, người ta bỏ quê đi làm công nhân chủ yếu muốn kiếm tiền nhiều, chứ không phải vì thất nghiệp. Nhưng với họ, vậy là đủ.

Ông Lê Văn Bền ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: "Người ta hẹn mình bữa mấy rồi mình bắt đầu đi, cực mà cũng vui…"

Đến trưa, màu xanh của mạ dần hiện lên khắp cánh đồng, cũng là lúc công việc của đội cấy, dặm lúa sắp hoàn thành. Với họ, dù là nghề phụ những ai cũng hết lòng, đến khi không còn sức nữa mới thôi... Và những người “đi cấy lấy công” cũng trông mong cho “mưa thuận gió hoà” để cuộc sống của người dân quê đỡ phần vất vả hơn.

Với tôi, hình ảnh những người nông dân đang ệt mài cấy dậm với, tiếng chuyện trò, cười nói râm ran làm ký ức xưa chầm chậm quay về.... Và để rồi ai đi xa lòng cũng bâng khuâng, rộn ràng nhớ về những mùa cấy bên ruộng vườn, thắm đẫm tình quê hương.