Một thời đập lúa

Những ai sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn ngày trước có lẽ không quá xa lạ với hình ảnh bà con nông dân cắt lúa, đập lúa trong mỗi mùa thu hoạch. Hình ảnh ấy tuy vất vả nhưng chứa đựng bao hoài niệm của một thời đã xa.

Mấy chục năm về trước, khi chưa có máy gặt đập liên hợp như bây giờ, để thu hoạch lúa, bà con nông dân thường dùng lưỡi hái và phải cắt lúa thủ công. Người ít ruộng thì tự cắt, đập lúa của mình. Những gia đình khá giả, nhiều ruộng đất thì mướn nhân công cắt đập lúa ăn chia hoặc mần vần công.

Theo lời kể của những bậc cao niên, hồi ấy, tuỳ theo lúa trúng hay thất, ruộng khô hay sình lầy, chủ ruộng và công cắt đập tự thoả thuận mức ăn chia.

Đập lúa mùa bằng ván ngựa - Nguồn Báo Dân Việt

Nếu lúa trúng, dễ đập thì chia mười. Tức là, người cắt đập lúa mướn cứ đập được mười thúng (hoặc thùng 20 lít) thì ăn một thúng, còn chín thúng đong vô bao chủ ruộng. Nếu lúa thất, khó đập thì chủ ruộng hạ mức xuống chia chín hoặc chia tám...

Lúa được nông dân dùng lưỡi hái để cắt, sau đó gom lại tập kết một chỗ để chuẩn bị đập. Bồ đập lúa xưa thường được nông dân tự tay đóng hoặc đặt thợ mộc làm. Chiếc bồ có khung bằng gỗ, bao quanh là mê bồ hoặc các mảnh tre đan. Miệng bồ được gắn bàn đập có thân chính là mảnh gỗ hình chữ nhật, dày và nặng. Công việc đập lúa cần từ 2 đến 3 người, phân chia việc rõ ràng. Một đến hai người cắt lúa và một người đập lúa. Mọi người phối hợp nhịp nhàng tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp của ngày mùa.

Ông Phan Văn Đức ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang kể, cách đây hơn hai chục năm, lúa cắt xong, gia đình ông vẫn còn dùng cách đập lúa thủ công: "Một là cây tràm, hai là cây trúc. Nó cặm giáp vòng vầy nè. Rồi mình mới thả nẹp xuôi vầy nè rồi mới cặp lá vàng bạc, đập lúa mà cái loại cắt dài. Thí dụ như cái bồ đây, cái vựa sà lan lúa chất kế bên đây, còn cái thằng nay mắc lội đi gom dài dài. Đầu này một đổi, đầu kia một đổi, 2 đầu khoảng chừng nửa công rồi bắt đầu mới đổ ra, lôi cái bồ này đi lại nữa".

Trong các công việc của thu hoạch lúa thì đập lúa được xem là vất vả và nặng nhất. Để đập cho rụng hết lúa, người ta dồn sức đập thật mạnh vào bồ. Khi đập phải quăng bó lúa lên cao quá đầu rồi dùng sức vả mạnh xuống bàn đập cho những hạt lúa rụng khỏi rơm. Không chỉ lúa chắc mà lúa lép, lá lúa khô cũng rơi vào bồ. Công việc được lặp đi lặp lại đến cả hơn chục lần cho tới khi hết lúa thì thôi.

Ông Đoàn Hoàng Khương ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang nhẩm tính, để đập hết khoảng 1 công ruộng thì hai, ba nhân công phải thay nhau đập trong khoảng thời gian từ 3-4 tiếng đồng hồ. Đây là hình thức phổ biến từ xa xưa với quy trình rất đơn giản:

"Hồi xưa là mình đập không hà, mình cắt tay mình ra đó mình đập. Cái bồ thường cái bồ đập lúa là người ta để ngoài cái đồng, người ta làm một cái giống mình rinh vầy nè. Nó di động được, mình cầm nh rinh được. Khi mình ấy mình đem ra. Thí dụ như cắt tới đây thì để đây đập. Đập xong cái hứng vô trong cái thúng, đổ vô trong cái bao. Xích lại đằng kia thì con đem lại, nó rinh giống cái ghế, cái kiệu vậy đó"

Đập lúa bằng tay rất vất vả và phải cần nhiều người làm (Ảnh nh hoạ: Báo Dân trí)

Ngày xưa, bên cạnh đập lúa bằng tay thì có gia đình còn dùng trâu, bò để đạp lúa. Những con trâu, bò to, khỏe sẽ được người ta dùng vào việc này. Khi nào thấy lúa không còn dính vào rơm thì người điều khiển cho dừng lại và thay vào những bó lúa mới. Đập lúa tuy vất vả và tốn nhiều thời gian nhưng sẽ lấy được tất cả hạt lúa ra khỏi rơm so với các phương pháp khác. Nghe người lớn kể, thu hoạch lúa theo kiểu này giúp cả chủ ruộng và người nuôi trâu, bò đều có lợi, không phải nhọc công thả gia súc ra đồng ăn cỏ.

Ông Phan Văn Đức nhớ lại: "Làm cái sân để bắt con trâu giậm khoảng 3 giờ chiều tới 6 giờ sáng là một mẻ là 5 công đất. Trâu cũng nhiều người nuôi lắm, điều kiện phải có người giữ, ruộng nhiều chứ đâu phải ruộng nhiều chứ đâu phải người nào cũng nuôi được đâu. Trâu thì xuất công ra làm lời, trâu ăn cỏ. Cỏ ngoài đồng thì thiếu gì"

Hồi đó không có thương lái ra tận ruộng mua lúa tươi như bây giờ. Người làm ruộng dù ít hay nhiều, dù để ăn hay bán cũng phải kéo về nhà phơi. Những nhà khá giả làm ruộng nhiều thì xây sân gạch phơi lúa. Hộ nghèo đi đập lúa mướn, hoặc mướn ruộng làm thì phơi lúa bằng đệm. Khi hết mẻ lúa, người ta dừng lại để hốt lúa vào bao, sau đó mang ra chỗ có gió mạnh để giê lấy lúa chắc. Rơm được chất thành cây cao nghệu, đẹp mắt, dẽ cứng.

Theo dòng chảy thời gian, nông nghiệp ngày càng tiến bộ, nông dân từng bước cải tiến khâu thu hoạch lúa. Từ chiếc bồ đập lúa sang máy suốt, đến máy phóng, rồi máy gặt đập liên hợp... Chiếc bồ đập lúa bây giờ hiếm khi được sử dụng, hình ảnh tự tay đập lúa của bà con cũng chỉ còn trong ký ức. Nhưng những câu chuyện về nó, những hình ảnh, kỷ niệm về một thời vất vả làm ra hạt gạo sẽ luôn là ký ức thật đẹp của những người con ền Tây sông nước, nhìn về quá khứ quý trọng những gì đang có, hướng đến điều tốt đẹp ở tương lai.