Một thời chén, dĩa con gà

Cách đây hàng chục năm, nếu có dịp dự đám, tiệc ở miền Tây, chắc hẳn chúng ta sẽ không khó bắt gặp hình ảnh gia chủ tiếp đãi khách bằng những món ngon được bày trí đẹp mắt trên chén, dĩa, tô có in hình con gà trống.

Thoạt nhìn có vẻ giống nhau nhưng thực chất mỗi dĩa là duy nhất vì họa tiết được người thợ xưa vẽ thủ công bằng tay, đôi khi còn méo mó, gồ ghề và lem màu.

Từng là vật dụng có mặt ở nhiều gian bếp của bà con Nam bộ, thế nhưng, theo dòng chảy thời gian, với sự ra đời của các dòng gốm từ bình dân đến cao cấp trong nước lẫn ngoài nước, sự cạnh tranh về giá cả và kỹ thuật in hoa văn, những cái chén, dĩa vẽ hình con gà thủ công đậm chất phương Nam dần dần bị mất ưu thế và trở thành ký ức của những bậc cao niên. Dẫu sức sống của những đồ vật này còn nguyên vẹn với những ai theo hơi hướng thiên về những sản phẩm thủ công mà ông, cha đã làm hay đơn giản là muốn hoài cổ, tìm về những gì xưa cũ.

Với những nhà sưu tầm đồ xưa Nam Bộ, bộ chén dĩa vẽ hình con gà với họ vô cùng quý. Giờ đây, tại các nhà hàng sang trọng hay những bữa cơm quê vẫn còn sử dụng chén đĩa con gà. Những người chủ cho rằng, họ sử dụng chén xưa này không chỉ đơn thuần là yêu thích vẻ đẹp tinh xảo, mà còn lan tỏa tình yêu này đến với thực khách.

Màu sắc chủ yếu và đặc trưng của các sản phẩm là màu trắng ngã vàng với họa tiết màu đỏ đất, xanh, vẽ  về cỏ, gà, hay chỉ xanh,...đặc trưng.

Ảnh nh họa: baoquangnam

Là một trong những người có ký ức về bộ chén dĩa con gà xưa, anh Bùi Văn Hồ ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: "Bên nội của anh thì sử dụng chén, dĩa con gà nhiều lắm. Cái chén, hay cái dĩa đó rất là quý. Mỗi lần làm bể cái chén đó là bà nội rượt đánh. Đặc biệt là hình con gà, làm bằng loại sứ đẹp lắm. Đó là một ký ức ngày xưa mà. Lâu lâu, anh em họ, cùng trang lứa với nhau, giỡn giỡn hoặc là bưng cái chén hí ha hí hắc, rớt cái chén xuống bể, bể là phải chạy trốn".

Năm nay, đã ngoài 70 nhưng mỗi khi nhắc về chén, dĩa, tô con gà bà Ba Xem ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang vẫn còn nhớ như in về vật đã đi cùng gia đình suốt mấy chục năm gian khó: "Chén đá con gà, có hình con gà ở ngoài. Một chục 12 cái. Giờ sao nó bỏ hết trơn rồi. Hãng nó bỏ, không mần nữa. Có lò gốm đó, rồi cái ghe nó lại nó để xuống cái đi bán dài dài nè. Dễ mua lắm, con gà đẹp lắm. Tôi hôm đó có mấy cái, người ta mượn đám cưới bể, tôi uổng hết sức uổng. Nó đẹp dữ lắm, đá mà bóng"

Theo các bậc cao niên, gốm Nam bộ nổi danh từ khoảng giữa thế kỷ XVIII, phát triển mạnh vào thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX và duy trì đến nay. Nhắc đến gốm Nam bộ, giới nghiên cứu và nhiều người hoài cổ vẫn thường hay nhắc đến ba dòng gốm: Cây Mai (Sài Gòn), Biên Hòa (Đồng Nai) và Lái Thiêu (Bình Dương). Với những ai còn sở hữu sản phẩm từ những nơi này đều có chung đánh giá dù ghi dấu thời gian, nhưng màu men, nước gốm vẫn óng ánh, thể hiện tài hoa của những nghệ nhân Nam bộ xưa.

Gốm Cây Mai, tên gọi bắt nguồn từ địa danh Cây Mai (nay là góc đường Hùng Vương- Nguyễn Thị Nhỏ, TP Hồ Chí Minh), thời xưa có nhiều lò gốm hoạt động. Các sản phẩm độc đáo và đặc trưng của gốm Cây Mai sản xuất vào cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX là gốm men nhiều màu như trắng, xanh lam, xanh lục, nâu, vàng...

Thứ 2 là gốm Biên Hòa, ra đời từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hồi ấy, kỹ thuật chế tác bắt nguồn từ gốm bản địa và tiếp thu kỹ thuật làm gốm của người Hoa ở Nam bộ và các nước phương Tây. Gốm Biên Hòa thiên về trang trí hoa văn dày đặc, bao quanh sản phẩm bằng phương pháp vẽ nét chìm hoặc lấy nét chìm kết hợp với trổ thủng để tạo hoa văn, sau đó tô men.

Bên cạnh đó là gốm Lái Thiêu: Ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XIX, sản xuất đồ gốm gia dụng phục vụ nhu cầu của giới bình dân. Hoa văn trang trí trên gốm Lái Thiêu có nhiều dạng khác nhau, thường có đường nét to, thô nhưng không vì thế mà kém trau chuốt, sinh động. Gốm Lái Thiêu nổi tiếng hơn cả là các sản phẩm vẽ hình gà trống.

Một sản phẩm gốm đẹp có sự kết hợp giữa kỹ thuật và cả trí tưởng tượng, sáng tạo của người thợ. Bởi những hoa văn, trong đó có hoa mẫu đơn với gà trống…thì chẳng có một công thức hay quy tắc nào trong nét vẽ. Cũng nhờ vậy, người thợ gốm Nam bộ xưa đã gửi tình vào những sản phẩm với những hình ảnh rất Nam bộ như bông cúc, con gà…

Giới sưu tập cổ vật cũng dành cho nó những ưu ái riêng mặc dù giá trị cổ vật không cao, một chiếc đĩa giá chỉ chừng vài trăm ngàn đồng. Giản dị nhưng sinh động, con gà trong đồ gốm Lái Thiêu mang một vẻ đẹp khá hiện đại. Nhiều người đã dùng chén, đĩa vẽ gà này đóng khung hoặc decor trang trí cho các resort, biệt thự và tạo được những dấu nhấn khá ấn tượng cho người xem.

Anh Bùi Văn Hồ ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: "Ít lắm. Thỉnh thoảng thì mới thấy. Đặc biệt là những người họ sưu tầm đồ cổ hoặc là đồ xưa. Ở chỗ đó thì anh thấy nhiều hơn. Còn một số nhà ở vùng sâu, họ vẫn còn, nhưng mà rất ít".

Ảnh nh họa: baoquangnam

Nhìn về các làng nghề ngày xưa, đa phần hình ảnh thể hiện đơn giản chỉ là mô phỏng lại những điều quen thuộc diễn ra hằng ngày trong đời sống Nam Bộ lúc bấy giờ, như con vật, hoa lá, ,…Trong đó gà trống là hình ảnh được yêu thích và sử dụng nhiều nhất, một phần bởi vì nó đẹp và gần gũi, dù là tả thực với một chút cách điệu nhưng hình ảnh con gà vẫn trang nhã và mộc mạc ấm áp.

Xét về nghĩa thì gà trống âm Hán Việt là “đại kê” đồng âm với “đại cát” tức những điều tốt lành to lớn. Trong dân gian, gà trống đại diện cho người quân tử, hội tụ đủ 5 đức tính tốt. Dần dà về sau, hình ảnh gà trống vẫn tiếp tục được sử dụng để trang trí lên gốm Lái Thiêu và trở thành một biểu tượng đặc trưng của dòng gốm này. Từng cái dĩa, cái tô với từng họa tiết đều được vẽ thủ công bằng tay. Thoạt nhìn có vẻ giống nhau nhưng thực chất mỗi dĩa là duy nhất với một điểm khác biệt riêng, đôi khi còn méo mó, gồ ghề, lem màu làm nên cái rất riêng.

Ngày nay, những người thợ chuyên vẽ chén dĩa gà thủ công cũng đã có tuổi, những nét vẽ đã nhuốm màu thời gian sau hơn nửa đời làm nghề, một cái dĩa cùng 4 - 5 nét cọ đã nên hình chú gà trống quen thuộc. Nhưng rồi một vài năm nữa, đến khi phải dừng lại công việc này, không ai chắc rằng sẽ có những thế hệ kế tiếp kế thừa hay không, hay hình ảnh gà trống và số lượng chén dĩa sẽ dừng lại ở một con số nào đó và mất dần theo năm tháng...

Anh Bùi Văn Hồ, chia sẻ thêm: "Hiện bây giờ thì rất là hiếm rồi, nhà bà nội thì còn được mấy cái. Dĩa con gà nhiều hơn là chén con gà. Bây giờ một số nơi họ cũng làm công nghiệp theo nhưng mà không giống như ông bà ngày xưa. Ngày xưa phải nói là gọi là đồ xưa, đồ cổ luôn rồi mà".

Cách đây mấy mươi năm trước, người ta dễ dàng mua và sở hữu những chén, bát, đĩa, thố, bình hoa… vẽ gà. Những mái đầu xanh xưa, nay đã ngã bạc, nhiều người như gặp lại bao ký ức thời ấu thơ khi vô tình nhìn thấy những món đồ này.

Có thể nói, chén, đĩa, tô con gà xưa dù đã qua thời hoàng kim nhưng những giá trị mà nó mang lại vẫn còn vẹn nguyên theo năm tháng. Điều này, không ai có thể chối bỏ bởi chính sự mộc mạc, đơn giản nhưng tinh tế, giàu giá trị văn hóa như chính tên gọi của chén, dĩa, tô con gà.