Một Hà Nội thân thiện

Việc Hà Nội từng bước dỡ bỏ hàng rào các công viên trên địa bàn thành phố đang tạo ra sự đồng tình ủng hộ của người dân. Không chỉ vì họ sẽ không phải mất tiền mua vé khi muốn vào công viên vui chơi, mà còn là việc người Hà Nội sẽ có thêm những chỗ giải trí vào dịp cuối tuần…

Ngày cuối tuần đi qua công viên Thống Nhất, thấy người ta đang tiến hành dỡ bỏ hàng rào của công viên này cho người dân thoải mái vào vui chơi, tập thể dục… nhìn thấy trẻ nhỏ nô đùa, người lớn đi dạo quanh hồ, thanh niên, trung niên chạy bộ, tập thể thao bỗng thấy thành phố thật thân thiện và gần gũi hơn bao giờ hết.

Tất nhiên, những công viên ở thành phố luôn là nơi để cho người dân vào vui chơi giải trí, nhưng trước đây nó rất khác. Không chỉ vì việc thu tiền vé mỗi khi người ta muốn vào, mà bởi vì nó vẫn tạo ra cảm giác xa lạ, cách biệt khi có bức tường rào vây xung quanh.

Mỗi khi xem phim nước ngoài, thấy người dân nước họ thoải mái vui đùa trong công viên xanh mát bỗng thấy thèm được như họ. Và nhìn lại thì Hà Nội đâu có thiếu công viên với hồ nước, cây xanh rợp mát. Vậy mà bao nhiêu năm chúng gần như xa lạ với hầu hết người Thủ đô. Hoang vắng, xuống cấp, bẩn thỉu, nhếch nhác, thiếu an toàn…

Có lẽ thêm những nguyên nhân này nữa mà khiến người ta không dám vào công viên. Trừ những người sinh sống gần đấy.

Không thể phủ nhận trong những năm qua, Hà Nội đã nỗ lực trong việc cải thiện môi trường vui chơi, giải trí cho người dân. Nhưng những phố đi bộ một là vẫn không thể đáp ứng được đủ nhu cầu, thứ hai, nó giống như một giải pháp tạm bợ, và xét về một khía cạnh nào đó thì cũng gây ra những khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Thật ngạc nhiên khi đến tận bây giờ, chính quyền thành phố mới nghĩ đến nguồn tài nguyên sẵn có và cực kỳ phù hợp, giải quyết được nỗi khát khao có chỗ vui chơi của người dân – đó là hệ thống công viên ở Thủ đô.

Vấn đề còn lại bây giờ, là thành phố sẽ quản lý công viên thế nào? Vì không thể chỉ phá rào là xong. Ví dụ như phải cải tạo những công trình đã xuống cấp, dọn dẹp sạch sẽ công viên, tuyên truyền để người dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ nơi vui chơi giải trí của mình. Và đặc biệt, phải có biện pháp giữ gìn an ninh trật tự - tệ nạn trộm cắp, cướp giật, bán hàng rong… thậm chí nghiện hút trong công viên là có thật và đã kéo dài nhiều năm nay.

Nếu không giải quyết được vấn đề này, việc bỏ hàng rào công viên sẽ tạo thành lỗ hổng cho những tệ nạn xã hội có cơ hội xâm nhập dễ dàng hơn vào nơi này.

Người Hà Nội thiếu chỗ vui chơi giải trí, đặc biệt vào những ngày nghỉ, lễ tết… là có thật. Chục năm trở lại đây, Hà Nội mở tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm cho người dân vào 3 ngày cuối tuần, dù chẳng có gì nhiều để chơi nhưng vẫn thu hút hàng ngàn lượt người đến đây.

Chỉ như thế cũng đã thấy rằng người Hà Nội khát chỗ giải trí đến thế nào?

Hà Nội mở cửa công viên cho người dân, nhưng xin đừng vận hành theo cách mà phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm đang phải chịu đựng. Đó là, cứ mỗi cuối tuần vỉa hè Hồ Hoàn Kiếm lại biến thành chợ cóc, chợ phiên.

Mỗi khi người ta tổ chức các phiên chợ vào dịp cuối tuần là phải dựng lều, dựng bạt từ giữa tuần, rồi tổ chức vào mấy ngày cuối tuần, đến thứ hai, thứ ba mới dỡ bỏ. Vậy là mất trọn vẹn một tuần nhếch nhác.

Hồ Hoàn Kiếm – trái tim của cả nước, có thể coi là một di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh độc nhất vô nhị, là chốn đi về của mỗi người dân Thủ đô cũng như du khách thập phương. Những chợ cóc, chợ phiên ấy thật sự đang làm xấu đi hình ảnh về một Hà Nội thân thiện…