Một đời hát bội

Hát bội hay hát bộ là một trong nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc đã đi cùng chiều dài lịch sử Việt Nam, gắn với những lễ hội như cúng đình, kỳ yên, là một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam Bộ.

 “Hát bội làm tội người ta

Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con…”

Câu ca truyền tụng trong dân gian nhắc nhở về một thời “lừng lẫy” của loại hình nghệ thuật này. Thập niên 80 thế kỷ XX, không chỉ tá túc ở những mái đình, len lỏi trên những ghe hát bội khắp ền sông nước, hát bội phát triển khá thịnh vượng, ngay tại trung tâm đô thị như TPHCM, Cần Thơ, hát bội vẫn đường đường cạnh tranh với cải lương.

Ngày nay, mặc dù đã không còn thịnh hành như trước đây nhưng giữa cuộc sống hiện đại, loại hình nghệ thuật sân khấu hát Bội vẫn tạo được chỗ đứng vững chãi cùng thời gian.

Và những nghệ nhân hát Bội cũng dành cả một đời để giữ lửa nghề cha ông.

Hát Bội - Di sản văn hóa Nam Bộ. Ảnh: vanhoanghethuat.vn

Như đã thuật, hát Bội mang hơi thở văn hóa truyền thống, khi xưa thường chỉ có trong cung đình, phục vụ vua chúa. Về sau, nghề hát bội xuất hiện trong các đình, nơi thờ những vị danh tướng, vị thần tiên để phục vụ dân gian. Loại hình nghệ thuật này mang tính ước lệ, tượng trưng rất cao, ngôn ngữ thâm thúy, mang đậm triết lí.

Theo các tài liệu ghi chép, tột đỉnh phát triển của nghệ thuật hát Bội là thời Tự Đức. Vua quan, giới thượng lưu và quần chúng thời xưa rất ưa chuộng lối hát Tuồng có diễn xuất bằng bộ điệu này. Càng đi về phía Nam, hát Bội càng bén rễ trong dân gian với những đặc trưng riêng, là cởi mở, mạnh mẽ, màu sắc, vui tươi hơn.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, mỗi tỉnh đều có hàng trăm ngôi đình làng. Theo tục cổ, cứ ba năm một lần, các làng thường tổ chức lễ kỳ yên (cầu an) ở đình làng mình. Trong lễ này, không thể thiếu buổi diễn hát bội. Thời đó hát bộ độc chiếm sân khấu và được xem là loại hình nghệ thuật phục vụ nghi lễ song song với việc đáp ứng nhu cầu giải trí của quần chúng.

Hằng năm nhiều đoàn hát tỉnh Bình Ðịnh dùng ghe bầu theo gió mùa vào lưu diễn ở vùng đất mới Nam Bộ. Họ đi diễn từ ngôi đình này đến ngôi đình khác để kiếm sống, đến hết mùa mới quay về. Nhiều nghệ nhân đã ở lại vùng đồng bằng châu thổ này lập nghiệp và họ đã đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ người địa phương.

Tại huyện Mang Thít, Vĩnh Long, khi nhắc đến ông Bầu Răng của đoàn hát Bội Đồng Thinh, có lẽ không ai mà không biết. Gánh hát bội Ðồng Thinh tỉnh Vĩnh Long có bề dày lịch sử gần 100 năm nay. Nghệ nhân Huỳnh Văn Răng hay ông Bầu Răng thuộc dòng tộc hát bội truyền thống lâu đời nhất trong vùng, ông cũng đã giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật này gần 70 năm qua.

Tính đến nay, dòng tộc của ông Bầu Răng đã trải qua 5 đời trong nghề hát bội. Người đi đầu là ông nội của ông, kế tiếp là đời cha ông là ông Bầu Sâm, sau đó đến đời ông và con, rể, cháu với trên 40 người đến với hát bội. Theo ông Bầu Răng, vào những năm 50 của thế kỷ trước, loại hình hát bội ở thời kỳ vàng son, ghe hát đi đến đâu, bà con cổ vũ nhiệt tình đến đó, xem hát bội chật kín cả sân đình.

Bầu Răng trong một vai diễn. Ảnh: Tư liệu gia đình

Thoạt nghe việc biểu diễn của các nghệ nhân tưởng chừng là rất dễ, song chọn được một tuồng tích để phục vụ giới mộ điệu lại gian truân khôn siết. Thời đó, một số địa phương không cho diễn các tuồng tích, điển tích nước ngoài. Như vậy là muốn được diễn phải có tuồng tích trong nước. Ông Bầu Răng bèn nhờ người chuyển thể các câu chuyện từ thơ như: Phạm Công - Cúc Hoa; Thạch Sanh - Lý Thông; hay Lâm Sanh - Xuân Nương… thành kịch bản hát bội.

Ông trực tiếp gợi ý và góp ý cách chuyển thể. Có kịch bản rồi thì mời đạo diễn đến phối hợp tập dợt. Vậy là tùy theo địa phương, đi đâu gánh hát của ông cũng có thể biểu diễn được. Rồi đến gần cuối thế kỷ trước, hát bội mất dần khán giả, đến độ tưởng như loại hình nghệ thuật tuồng này sẽ không còn tồn tại nữa.

Nhớ về kỷ niệm thời xưa bên sân khấu, ông Bầu Răng kể lại: "Hồi đó chỉ là hát bình thường thôi, đâu có bán vé bán gì đâu. Đi hát thì người ta đem gạo lại, người ta có cái gì thì đem lại rồi coi. Có những lúc hát ban đêm không được thì hát ban ngày. Lúc đó khổ lắm, đi diễn ăn rau rừng này kia, có cái gì thì ăn cái đó".

Ông Bầu Răng cho biết thêm, đi diễn là vì niềm đam mê, chứ mỗi người chỉ được vài chục đến vài trăm nghìn đồng thù lao mỗi đêm diễn, trong khi họ phải tự bỏ tiền túi mua sắm trang phục, đạo cụ. Do đó, ngoài những giờ phút say sưa dưới ánh đèn sân khấu, thành viên của Đồng Thinh phải bươn chải với những công việc mưu sinh khác. Cả gia đình ông đều phải buôn bán, làm thuê kiếm sống.

Dẫu thời cuộc khó khăn nhưng cũng không làm chùn ý chí và lửa nghề của ông Bầu Răng với “cái gánh hát bội xương máu” này. Chẳng những dạy tuồng, dạy bộ tịch cùng tính ước lệ của nó, ông Bầu Răng còn truyền dạy cho các con cháu của mình về nội hàm của từng tuồng, từng tích.

Tựu trung vẫn là mục đích giáo dục, đề cao những tấm gương sáng của các vị anh hùng, đề cao nhân - nghĩa - lễ - trí - tín và đạo lí làm người. Kết cục của những tuồng hát bao giờ cũng có hậu và răn dạy người đời: ở hiền gặp lành, làm ác gặp ác, gieo nhân nào hưởng quả nấy…

"Tôi dạy là bây giờ con ơi, chừng nào mà ba chết rồi, hay ông nội, ông ngoại có mất rồi thì mấy con tính sao tính nhưng mà mấy ông muốn tụi con là theo cái nghề này thành thử ra giờ tôi phải ráng. Ráng ở đây là hướng dẫn, mặc dù bây giờ tôi múa nhảy không nỗi nữa, nhưng mà chỉ là chỉ mấy cái huyền bí trong nghệ thuật hát bội này đó. Chứ hát bội này ngày sau nó lai căng hết trơn, ông này mặc đồ gì, cầm binh khí gì, thoa vẽ mặt ra sao, chứ bây giờ nó mặc tá lã hết", ông Bầu Răng cho biết.

Nhớ lại thời vàng son “tung hoành” với đoàn Đồng Thinh, ông Bầu Răng và các nghệ nhân của đoàn như những ngôi sao sáng trên bầu trời nghệ thuật lúc bấy giờ. Từ năm 1998 đến những năm 2010- 2015, đoàn chẳng những biểu diễn phục vụ các lễ hội đình làng trong tỉnh Vĩnh Long mà còn lưu diễn các tỉnh vùng ĐBSCL, thậm chí biểu diễn tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai,… Mỗi năm đoàn biểu diễn 40- 50 suất; có năm cao điểm biểu diễn 70- 90 suất, phục vụ hàng chục ngàn người xem.

Một thời hát bội phủ khắp các sân khấu lục tỉnh Nam Kỳ là thế, song ngày nay xã hội đã phát triển, nhiều môn nghệ thuật mới ra đời, lời ca của hát bội lại sử dụng nhiều từ Việt cổ, khó hấp dẫn khán giả khi mà thị hiếu đã dần thay đổi, nên hát bội cũng không còn giữ thế độc tôn như xưa. Chính vì lẽ đó, ông Bầu Răng luôn suy nghĩ tìm cách vừa gìn giữ dấu ấn lịch sử dân tộc vừa thổi vào đó hơi thở của thời đại mới, để hát bội sẽ không phải “chết yểu”.

Quả thực, “Trời không phụ người có lòng”, “Tổ không bạc kẻ có tâm”, những điều ông Bầu Răng hết lòng truyền dạy cho môn đồ đều được tất cả phụng hành. Tại xứ Long Hồ, có nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm, được biết đến như một hậu duệ ít ỏi còn sót lại của nghiệp hát bội. Để nghề không bị mai một, xa cách khán giả, Vũ Linh Tâm luôn tìm tòi, sáng tạo, biến tấu lại cách biểu diễn theo bản sắc của riêng mình.

Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm (phải) chỉnh trang cho một nghệ nhân trong đoàn trước giờ diễn. Ảnh: Thanh niên

Trải lòng chuyện nghề, nghệ nhân Linh Tâm tâm tư: "Cái nghề này cần phải có đam mê, đặc biệt là có cả năng khiếu, vì hát bội là nó khó hơn hẳn so với các bộ môn khác. Hát bội thì chỉ có hát vào các dịp lễ như Kỵ Yên, Thượng Điền, Hạ Điền, những cái dịp đó thì hát bội mới được mời về Đình mà hát, ngoài những ngày đó thì hát bội là không có diễn. Tại vì hát bội bây giờ không còn đi bán vé như ngày xưa nữa, mà chỉ có thể hát vào các tháng lễ hội thôi. Không có hát thì anh em phải làm sao, phải làm nghề tay trái mà mưu sinh".

Tuy điều kiện kinh tế của nghề hát bội không mấy khấm khá, nhưng đối với nghệ nhân Linh Tâm lại luôn có cho riêng mình một quan niệm sống sâu sắc. Đó là người nghệ sĩ ai cũng có một thời, có người lúc tên tuổi vang xa, có danh có tiếng thì cuộc đời khá giả. Nhưng cuối cùng, nghệ sĩ nào cũng sẽ đến hồi qua thời vàng son. Nghề và nghiệp là vậy. Phải hiểu cuộc thăng trầm để mà an lòng gắn bó đến cùng với nghề.

Bây giờ, số lượng khán giả đi nghe, xem hát bội đã thưa đi. Nhưng, đâu đó khắp ền Tây, cứ mỗi dịp xuân về hay những ngày lễ và cả dịp cuối tuần, các thành viên của gánh hát Đồng Thinh lại tất bật hóa trang, tập luyện hăng say, rồi lỉnh kỉnh đồ đạc để đi biểu diễn. Hát bội, trước là diễn “để cứu đói”, nay là diễn để “cứu lấy nghề”, để giữ lửa nghiệp truyền thống của cha ông.