Mối liên hệ giữa ngưng thở khi ngủ đến bệnh giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ

Ngày nay, nhiều nghiên cứu cho thấy ngưng thở khi ngủ có thể gây suy giảm nhận thức ở nhiều mức độ khác nhau với biểu hiện sớm đó là suy giảm mức độ tập trung chú ý và suy giảm trí nhớ, đặc biệt là trí nhớ gần.

Ngưng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ lên từ 1.5 - 2 lần so với dân số chung. 

Để làm rõ thêm câu chuyện về mối liên hệ về chứng bệnh này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc chia sẻ với Thạc sĩ - Bác sĩ Hoàng Châu Bảo Đính - Phụ trách đơn vị giấc ngủ Bệnh viện Tâm Anh, TP.HCM.

Đón nghe Sóng về khuya số 14, phát sóng vào 23h, thứ Ba (18/6) trên sóng FM91Mhz và livestream trực tiếp trên Fanpage: VOV Giao thông.

Chương trình phát thanh đêm khuya trên sóng VOV Giao thông, mang tới cho quý vị các câu chuyện và hệ thống kiến thức về giấc ngủ với chủ đề “Mối liên hệ giữa ngưng thở khi ngủ đến bệnh giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ".

 

Thạc sĩ bác sĩ Hoàng Châu Bảo Đính - Phụ trách đơn vị giấc ngủ Bệnh viện Tâm Anh, TP.HCM

PV: Bệnh ngưng thở khi ngủ có mối liên quan gì đến các bệnh lý như sa sút trí tuệ, mất trí nhớ và alzheimer?

Ths.BS Hoàng Châu Bảo Đính: Ngưng thở khi ngủ một là trong các rối loạn hô hấp thường gặp nhất trong giấc ngủ, chiếm tỷ lệ khoảng 85 %, được biểu hiện bởi triệu chứng như bệnh nhân có những cơn ngáy hoặc những cơn ngưng thở trong đêm, giấc ngủ không sâu, bị thức giấc nhiều lần trong đêm, cảm thấy mệt mỏi, uể oải vào ban ngày, suy giảm mức độ tập trung, chú ý, ảnh hưởng tới hiệu quả công việc. Bệnh thường gặp ở nam giới lớn tuổi hút thuốc lá hoặc bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể cao, tức là bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì.

Ngưng thở khi ngủ có những đặc trưng của cơn ngưng thở hoặc giảm thở, gây ra hiện tượng gián đoạn giấc ngủ, giảm oxy máu về đêm. Lâu dài sẽ gây ra tình trạng tăng phản ứng stress oxy hóa và tạo thuận lợi cho phản ứng viêm mãn tính.

Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng trong sự hình thành, củng cố và lưu trữ trí nhớ nên ngưng thở khi ngủ lâu dài sẽ gây ảnh hưởng tới trí nhớ cũng như các chức năng nhận thức. Ngưng thở khi ngủ có thể gây suy giảm nhận thức ở nhiều mức độ khác nhau với biểu hiện sớm đó là suy giảm mức độ tập trung chú ý và suy giảm trí nhớ, đặc biệt là trí nhớ gần. Ngưng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ lên từ 1.5 - 2 lần so với dân số chung.

Mặt khác, ngưng thở khi ngủ cũng được biết tới là một yếu tố nguy cơ độc lập của các bệnh lý tim mạch, huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì và đây đều là những yếu tố nguy cơ của bệnh lý sa sút trí tuệ. Ngưng thở khi ngủ cũng là một yếu tố nguy cơ sa sút trí tuệ.

Như vậy vấn đề đặt ra việc điều trị ngưng thở khi ngủ có thể làm cải thiện tình trạng sa sút trí tuệ hay không? Các nghiên cứu tới nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy ở các bệnh nhân ngưng thở khi ngủ được điều trị bằng thở máy áp lực dương CPAP thì biểu hiện của triệu chứng và suy giảm nhận thức hoặc là sa sút trí tuệ có thể được đẩy lùi, tức là diễn ra muộn hơn mười năm so với nhóm không có điều trị.

Ảnh nh họa

PV: Thường các bệnh lý như sa sút trí tuệ, mất trí nhớ, alzheimer thường xảy ra ở tuổi già, trung niên. Vậy đối với những bệnh nhân có ngáy và ngưng thở khi ngủ thì tác động trực tiếp ra sao? Có những nghiên cứu nào cụ thể không?

Ths.BS Hoàng Châu Bảo Đính: Nói đến sa sút trí tuệ, chúng ta biết thế kỷ 20, ngành y tế phải đối mặt với một thách thức rất lớn về các bệnh lý không lây nhiễm, bao gồm: các bệnh lý tim mạch, các bệnh lý thoái hóa thần kinh, ví dụ như sa sút trí tuệ hoặc là alzheimer.

Đặc biệt Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ dân số già hóa nhanh nhất trên thế giới, dự kiến năm 2026 Việt Nam sẽ vào top dân số già, vào khoảng năm 2049, 25 % dân số Việt Nam sẽ là dân số già, tức là trên 60 tuổi.

Do vậy, nhu cầu quản lý tốt các bệnh lý ở người cao tuổi, đặc biệt là sa sút trí tuệ hoặc bệnh alzheimer rất cấp thiết. Các bệnh nhân sa sút trí tuệ có thể có nhiều rối loạn giấc ngủ khác nhau: biểu hiện mất ngủ; ngủ ngày nhiều hoặc có các rối loạn hô hấp trong giấc ngủ, ví dụ hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ.

Các nghiên cứu cho thấy các bệnh nhân sa sút trí tuệ có tần suất biểu hiện hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ khoảng 40 %, tức là cao gấp năm lần so với dân số chung - ở những người không sa sút trí tuệ. Về cơ chế bệnh sinh, ngưng thở khi ngủ gây ra hiện tượng gián đoạn giấc ngủ, giảm oxy hóa máu.

Do vậy, chất lượng giấc ngủ kém hơn như vậy sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn: chất lượng giấc ngủ kém ảnh hưởng tới các chức năng hoạt động của não bộ, làm suy giảm nhận thức nhiều hơn, sẽ làm cho tình trạng bệnh lý sa sút trí tuệ trở nên diễn biến nặng và khó kiểm soát hơn.

Mặt khác việc điều trị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ ở các bệnh nhân sa sút trí tuệ gặp rất nhiều khó khăn. Các bệnh nhân này chức năng nhận thức đã suy giảm, việc tuân thủ các điều chỉnh về lối sống cũng khó khăn hơn, dung nạp thở máy áp lực dương cpap thật sự là một vấn đề thách thức.

Ảnh nh họa

PV: Bác sĩ có điều trị một ca nào cụ thể và chia sẻ câu chuyện của họ đối cho quý quý thính giả được biết không?

Ths.BS Hoàng Châu Bảo Đính: Hiện tại, tại khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Tâm Anh, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân mất ngủ, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ hoặc sa sút trí tuệ. Thường thì chúng tôi luôn đặt ra vấn đề phải tầm soát sa sút trí tuệ, đặc biệt là những suy giảm nhận thức mà giai đoạn nhẹ các bệnh nhân ngưng thở khi ngủ.

Phần lớn trường hợp chúng tôi tầm soát được các trường hợp có suy giảm nhận thức nhẹ thông qua các bảng điểm tức là trường hợp này thì trên thang điểm suy giảm nhận thức chỉ mới ở giai đoạn sớm thôi.

Và chúng tôi kịp thời đưa ra những phương pháp điều trị ví dụ: tập thể dục, giảm cân, hạn chế sử dụng các chất kích thích; hoặc đối với các trường hợp nặng; hoặc có chỉ định thì thở máy áp lực dương Cpap… các trường hợp đó sau khoảng 2-3 năm đến nay tình trạng suy giảm nhận thức vẫn ổn định, chưa thấy có chiều hướng tiến triển nặng hơn.

Mặt khác ở các bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh alzheimer ở nhiều mức độ khác nhau thì bệnh nhân thường có các rối loạn giấc ngủ và khi đưa vào trong đơn vị rối loạn giấc ngủ của chúng tôi được tầm soát về vấn đề giấc ngủ: có ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ đi kèm.

Một số trường hợp ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ nặng luôn thì chúng tôi điều trị các trường hợp này bằng điều chỉnh lối sống, thở máy áp lực dương Cpap, dĩ nhiên thời gian đầu cũng rất khó khăn để mà được sự tuân thủ của bệnh nhân.

Tuy nhiên với sự hỗ trợ của người nhà, một số ít trường hợp bệnh nhân tuân thủ tốt thì sau đó những tình trạng rối loạn về hành vi cũng như cảm xúc của bệnh nhân được cải thiện đáng kể, do vậy diễn biến bệnh sa sút trí tuệ ổn định hơn.

PV: Xin cám ơn bác sĩ về cuộc chia sẻ ngày hôm nay!

Chương trình có sự tham gia đồng hành của các bác sĩ tại các bệnh viện, phòng khám trên cả nước; là những Chuyên gia về Giấc ngủ Quốc tế và Việt Nam.

Hiện nay các phòng khám và bác sĩ giấc ngủ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế đang thực hiện chương trình hỗ trợ khám và chẩn đoán tại nhà cho các bác tài.

Đây là cơ hội để mọi người có cơ hội kiểm tra sức khỏe giấc ngủ và chẩn đoán tình trạng rối loạn giấc ngủ của mình.

Quý vị và các bạn có thể tham gia chia sẻ ý kiến và đặt câu hỏi cho các bác sĩ thông qua đường dây nóng: 024 37 919191 (Hà Nội) - 028 39 919191 (TP.HCM) - 028 38 309090 (MekongFM).

Bạn sẽ nhận được gì?

Từ 01/5 đến 30/6, các bác tài có tham gia chương trình tư vấn và chẩn đoán tình trạng rối loạn giấc ngủ sẽ được:

- Miễn hoặc giảm giá 50% phí tư vấn khám tại các phòng khám và bác sĩ đồng hành chương trình;

- Voucher trị giá 1.000.000 VND cho dịch vụ đo đa kí hô hấp tại nhà cho 300 người đầu tiên tham gia chương trình.

Thông tin chi tiết các bạn vui lòng truy cập trang buonngukhilaixe.com và thực hiện các bước theo hướng dẫn của trang.