Mô hình cổng trường an toàn giao thông hiệu quả đến đâu?

UBND quận Ba Đình (TP Hà Nội) đã đồng loạt triển khai 10 mô hình "Cổng trường học an toàn giao thông" tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó có trường THCS Nguyễn Tri Phương.

Sau gần 6 tháng triển khai, hiệu quả của mô hình này tại điểm trường này đến đâu, mời các bạn cùng VOV Giao thông đến với cuộc trò chuyện ngay sau đây:

Tôi đang có mặt tại khu vực cổng trường THCS Nguyễn Tri Phương. Hiện tại đang là giờ tan tầm, có rất nhiều phụ huynh đang chờ đón con em. Ngay cạnh tôi lúc này là chị Hoàng Hương Giang, phụ huynh có con đang học tại trường và em Khánh Phương, học sinh lớp 7A

Trước khi áp dụng mô hình Cổng trường học an toàn giao thông thì việc đưa đón con giờ tan tầm của chị diễn ra như thế nào?

Con mình năm nay đang học lớp 7 ở trường cấp 2 này. Bình thường mình sẽ đưa cháu đi học vào tầm 7 giờ rồi đến 5 giờ chiều thì mình lại đón cháu về. Đường Cửa Bắc này khá là bé, đường hơi hẹp.

Ví dụ nhiều người họ vội, họ muốn tiện, muốn nhanh thì họ sẽ dừng xong rồi chờ con lên xe là đi luôn. Nhưng ví dụ con họ ra muộn thì nhiều xe dừng lại, nhiều phụ huynh thì thành ra lại tắc đấy.

Lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Tri Phương, UBND phường, Công an phường Quán Thánh... ký cam kết mô hình Cổng trường an toàn giao thông (Ảnh: PV Hải Bằng)

Mô hình mới này yêu cầu phụ huynh phải tuân thủ những quy định gì khi đưa đón con em ạ?

Mình cũng nghe nhà trường và giáo viên phổ biến rồi. Ở trường sẽ có một cái khu vực để phụ huynh đỗ xe, đón con. Khi nào phụ huynh đến đón con thì sẽ đỗ ở khu vực vạch trắng kia kìa.

Thực ra thì mình thấy đây là quy định khá là hay của nhà trường. Vì khi đỗ như thế này thì nó sẽ giảm được tình trạng ách tắc. Những phụ huynh có con tự đi bộ đi học hay đi xe đạp thì cũng yên tâm vì như thế cũng an toàn hơn, không tắc thì các con đi học dễ hơn. Với lại việc đón con mà đường thông thoáng thì cũng thuận tiện hơn rất nhiều.

Mô hình cổng trường an toàn suy cho cùng là giữ an toàn cho các em học sinh, em Khánh Phương có thấy việc đi học của mình trở nên an toàn, thuận tiện hơn không?

Con thấy tình hình giao thông cũng cải thiện, con thấy vỉa hè thoáng hơn. Các xe ô tô, xe máy dễ qua lại hơn, không bị ùn tắc trước cổng trường.

Con thấy mô hình này đỡ ùn tắc hơn và đường về nhà của con dễ hơn.

Khi áp dụng những quy định đó, đến nay đã được gần 6 tháng thì chị thấy có sự thay đổi như thế nào?

Thật ra mà bảo nếu hôm nào cũng được như thế thì cũng không đúng. Ví dụ như hôm trước trời mưa, nói thật là mưa thì chẳng ai muốn dừng lại cả.

Thế là nhiều phụ huynh lại tiện đâu dừng đấy. Tức là những cái hôm trời mưa thì nó vẫn sẽ như cũ.

Chị Giang mong muốn điều gì để mô hình này được áp dụng một cách hiệu quả hơn trong tương lai?

Nghĩ ra được cái quy định này thì nhà trường đã rất cố gắng để giúp cho việc đón con của phụ huynh. Hi vọng là phụ huynh sẽ nâng cáo ý thức của mình hơn. Trường cũng nên bố trí bảo vệ quản lí khu vực cổng trường.

Vậy còn em Khánh Phương thì sao?

Con muốn là có thể là lan tỏa ra rất nhiều các trường khác để họ có thể thấy được những cái lợi ích của mô hình này

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị Hương Giang và bạn Khánh Phương.

Ảnh nh hoạ: Sở GD&ĐT TP.Hà Nội

Bên cạnh trường THCS Nguyễn Tri Phương, vẫn còn các điểm trường khác đang áp dụng mô hình này trên địa bàn quận Ba Đình như THCS Cống Vị, THCS Nguyễn Công Trứ, THCS Thành Công, THCS Phan Chu Trinh, Tiểu học Đại Yên, Trường Tiểu học Hoàng Diệu, Trường Tiểu học Ngọc Khánh,…

 Tiêu chí mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" là phải bảo đảm bố trí, lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, vạch kẻ sơn, khu vực xếp xe; việc dừng đỗ xe đưa đón học sinh, sắp xếp phương tiện đi lại phải thành hàng lối, không gây cản trở, ùn tắc giao thông.

Có thể thấy, bước đầu mô hình này đã phát huy tính hiệu quả. Tuy nhiên, để có thành công lâu dài, cần nhất vẫn là ý thức tham gia giao thông văn nh của phụ huynh và chính các em học sinh.