Mần dần công - Ấm áp nghĩa xóm tình làng

Dân miền Tây hiền hòa, chất phác, người miền Tây nhân ái, nghĩa tình. Đó là những giá trị tốt đẹp mà những người con được nuôi lớn bằng phù sa, được trưởng thành cùng lời ru cánh võng luôn tự hào khi nhắc về quê hương, xứ sở, dẫu có đang mưu sinh, lập nghiệp ở chốn nào.

Cái nghĩa cái tình không chỉ dùng để đối đãi với người thân ruột thịt mà còn là sợi dây gắn kết bà con lối xóm, để khi tối lửa tắt đèn họ vẫn sẵn sàng che chở, đùm bọc nhau. Và sự tương trợ trong đời sống lao động ở vùng đất này thể hiện rất rõ qua hình thức “mần vần công”. 

“Cơm ăn chẳng hết thì treo

Việc làm chẳng hết thì kêu láng giềng”

Ai đã từng sống ở ền Tây, đặc biệt là ở các vùng nông thôn cách đây chừng vài chục năm trước có lẽ sẽ rất quen thuộc với chuyện “mần vần công” hay “mần dần công” – một hình thức làm việc luân phiên cho nhau mà không hề so đo, tính toán thiệt hơn. Nhiều bậc cao niên ở vùng đất này cũng không rõ chuyện “mần dần công” có từ khi nào, nhưng chỉ cần nhắc đến là họ có thể kể thao thao về những tháng ngày theo cha mẹ đi “mần dần công” khắp xóm.

“Mần dần công” – một hình thức làm việc luân phiên cho nhau mà không hề so đo, tính toán thiệt hơn

Ông Bùi Văn Khăm, năm nay 79 tuổi, người đã gắn bó ở vùng Chợ Lách, Bến Tre từ khi mới chào đời đến khi tóc trổ hoa râm, chia sẻ: "Cái này từ xa xưa lắm rồi, từ thời ông cha ta ngày trước là đã có dạng mần đổi công rồi. Thí dụ mình có câu chuyện gì đột xuất hoặc nhiều quá làm không kịp thì mình mời con tới phụ mình một bữa, hai bữa gì đó rồi tới chừng người ta có công chuyện thì mình trả lại, đổi công với người ta. Cái này vần công thì mình đổi công thôi chứ không có tốn tiền. Mình vần công làm vườn, làm nông này kia, có dỡ nhà, rồi nhiều dạng nữa như đám, tiệc".

Dễ nhận thấy điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội… đã góp phần hình thành nên những tính cách, phẩm chất rất đặc trưng của người dân Nam bộ nói chung và ĐBSCL nói riêng. Làng xã nơi đây được hình thành trong quá trình khai phá, tập hợp cư dân từ nhiều địa phương khác nhau, từ nhiều dòng họ khác nhau. Vậy nên, cư dân sống ở vùng đất này hiểu rằng phải gắn bó bền chặt với xóm làng, phải phóng khoáng san sẻ và sẵn sàng giúp đỡ nhau thì mới có thể chinh phục và sống hòa hợp được với thiên nhiên khắc nghiệt.

Giữ gìn nếp sống ấy, hễ một gia đình cất nhà mới là cả xóm rủ nhau tới giúp. Ít thì mỗi hộ đại diện một người, còn đông thì có khi gia đình mấy người cùng sang phụ. Đàn ông, con trai sức dài, vai rộng thì dựng cột, bắt kèo, lợp lá; đàn bà, con gái tay yếu chân mềm thì nấu cơm, pha nước… Ai cũng nhiệt tình, giúp hết lòng, làm hết sức như chuyện của nhà mình mà không nề hà hay đòi trả công dù chỉ một đồng, một cắc. Bởi vì họ biết khi nhà mình có việc, bà con lối xóm cũng rủ nhau đến phụ mỗi người một tay y như vậy.

Đâu chỉ giúp nhau chuyện cất nhà, mỗi năm tới mùa, tới vụ, trên những cánh đồng, bà con cũng rộn rang cùng nhau nhổ mạ, dặm lúa, cắt lúa rồi thu hoạch lúa. VÙng này, đồng lúa ít khi nào chín một lúc mà sẽ chênh lệch vài ngày, vài tuần. Vì vậy, bà con trong xóm có thể dễ dàng giúp nhau. Mần dần công, người ta thường tính công theo ngày. Ví dụ, hôm trước nhà chị Bảy giúp mình 2 ngày công dặm lúa, thì giờ mình cũng giúp lại ít nhất 2 ngày công tương tự. Nhờ vậy mà nhà nào cũng đỡ tốn kém thuê mướn nhân công, mà tình làng nghĩa xóm thì càng thêm thắt chặt.

Mần dần công không ai là chủ, cũng không ai là tớ, làm việc trên tinh thần hỗ trợ nhau, vui vẻ, sum vầy. Và sau những giờ lao động hăng say, người ta lại đãi nhau những bữa cơm thân mật, có chi dùng nấy. Ông Bùi Văn Khăm kể: "Mình cũng làm một bữa cơm thân mật mời bạn bè hay là lối sớm đến phụ mình, mình cũng có lai rai chút đỉnh như bia hay rượu đế. Vậy đó rồi nói chuyện với nhau, trao đổi với nhau vấn đề làm lụng hay là gia đình, kinh tế này kia. Mình trao đổi hết những cái gì mà rút mắc, rồi mình trao đổi hết cho thỏa mãn cái tình cảm của mình".

Ảnh nh họa: Dân Trí

Có vậy mới thấy, cứ sau mỗi lần “mần dần công” là bà con lối xóm lại thêm hiểu nhau, gần nhau. Mần dần công, chia sẻ sức lao động cũng là một biểu hiện lòng thơm thảo của con người ền Tây, như cái kiểu một nhà nấu chè bưng chia đều cho cả xóm cùng ăn, như cái cách mà các gia đình chia đều từng phần bánh trái trong ngày giỗ để gởi tận tay từng người quen, biếu họ mang về.

Chị Nguyễn Thị Lượm, quê ở Châu Phú, An Giang cũng rất tự hào khi kể về chuyện mần dần công ở quê mình. Hễ mỗi lần nhà nào có đám tiệc, từ đám cưới cho đến giỗ, chạp, thôi nôi, đầy tháng… là bà con lại rủ nhau phụ giúp. Mọi người cùng chung vui, cùng chia sẻ. Thiếu cái bàn thì chạy qua nhà cô Tám, thiếu bộ ghế thì kiếm chú Mười, thậm chí thiếu nồi, thiếu chén nhà nào có là sẵn tiện đi mần dần công, bà con đem đến tận nhà cho mượn.

Chị Lượm chia sẻ: "Đi tiếp đám nhà bà con thì thí dụ chiều nay là dọn nhà thì mình đi qua làm chuyện này chuyện kia. Rồi tới tháng sau, nhà người này có đám, người kia qua tiếp lại. Mình làm rồi ngồi kể chuyện này, chuyện kia rồi, bình luận người này, người kia làm sao vậy đó".

Điều đáng mừng là hiện nay, dù cuộc sống xã hội có nhiều thay đổi, hình thức mần dần công không còn quá phổ biến như trước nhưng ở một số vùng quê, bà con vẫn gìn giữ, trên hết là tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau. Vùng Châu Phú, An Giang hiện nay có nhiều hộ dân phát triển mô hình trồng hành và gia đình của chị Lượm là một trong số đó. Chị Lượm kể rằng việc trồng và thu hoạch hành của nhà mình đỡ vất vả hơn rất nhiều khi có sự hỗ trợ của bà con: "Ở đây trồng hành, trồng rẫy cũng bình thường vậy đó, ở không thì qua tiếp. Giả tỷ nhà em đang lặt hành, nhà bên ông chú cũng lặt thì mạnh ai nấy lặt. Còn nếu nhà em không có lặt hành thì mình qua mình làm tiếp. Nhà mình có bánh thì mình đem ra để trên bàn đó mời người ta ăn, ăn xong người ta làm tiếp".

Hay tại Cà Mau, thời gian gần đây, chuyện mần dần công như được “hồi sinh” ở vùng đất này. Các vuông tôm trong vùng đến vụ thu hoạch là có rất đông bà con lối xóm đến phụ giúp. Từ già, trẻ, lớn, bé, mỗi người phụ một tay tùy theo sức của mình. Thậm chí có những người cho biết nhà dù không nuôi tôm nhưng vẫn sẵn lòng đến phụ lối xóm thu hoạch, bởi ở đó đó họ được cùng lao động, cùng bà con chuyện trò, cười vui quên hết nhọc nhằn.

Ngày nay, về các vùng nông thôn, nhiều người cảm thấy chạnh lòng, xót xa khi chứng kiến cảnh các ngôi nhà đóng cửa ìm lìm vì người dân đi làm, lập nghiệp ở phương xa, lao động lo việc đồng áng thì trở nên khan hiếm. Vậy nên mần dần công chính là động lực, là sự ủi an cho những ai còn bám đất, bám đồng.

Mong rằng hình thức tương trợ cộng đồng này sẽ mãi là nét đẹp được giữ gìn để những người con ền Tây bao thế hệ vẫn cảm thấy ấm lòng và tự hào khi nhắc nhớ về cội nguồn, xứ sở- vùng đất mà tình làng nghĩa xóm luôn thắm đượm.