Mầm xanh đất Cần Thơ đạt giải đại sứ văn hóa đọc Việt Nam

Có một câu nói rất hay như thế này “Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn".

Quả thật đúng như vậy. Việc đọc và hình thành văn hóa đọc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tất thảy những tinh túy, những kiến thức quý báu, vô giá đều đã được đúc kết trong chính những trang sách.

Trong cuộc thi Ðại sứ văn hóa đọc năm 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, với chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước” vừa qua, có hai học sinh ở TP Cần Thơ được trao giải.

Cụ thể là em Nguyễn Quốc Vinh, học sinh lớp 11A2, đạt giải C và em Nguyễn Thị Hoài Anh, học sinh lớp 10A1 đoạt giải Khuyến khích. Cả hai em đều là học sinh Trường THPT Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh.

Quốc Vinh và Hoài Anh nhận giải thưởng Cuộc thi Ðại sứ văn hóa đọc năm 2022. Ảnh do Thư viện TP Cần Thơ cung cấp

PV: Hoài Anh ơi! Em có thói quen đọc sách như thế nào?

Em Nguyễn Thị Hoài Anh: Thường thì cuối tuần em sẽ đọc sách, vì trong tuần em dành thời gian cho việc học. Em hay đọc sách online hơn, tranh thủ ở nhà thì em đọc online, còn đi nhà sách thì em sẽ tìm những đầu sách em thích để đọc. Năm cấp 1 là em đã làm quen với sách, em đọc truyện trinh thám rồi được mẹ mua cho. Sau đó lớn chút thì em đọc thêm nhiều chủ đề hơn.

PV: Đến với cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc em đã mang đến phần thi như thế nào?

Em Nguyễn Thị Hoài Anh: Phần thi là truyền tải một cuốn sách mà em yêu thích nhất. Em thiết kế một cuốn sách và lồng ghép cuốn sách mà mình muốn giới thiệu vào trong đó.

PV: Đó là cuốn sách gì và em muốn truyền tải thông điệp ra sao đến mọi người?

Em Nguyễn Thị Hoài Anh: Đó là cuốn sách Hãy ôm lấy trái tim bạn trước đã. Trong một lần tình cờ em đọc được cuốn sách đó đúng là em đang gặp áp lực và mệt mỏi trong việc học. Cuốn sách đó rất là hay, em tìm mua được và đọc thêm thì thấy mình có động lực và suy nghĩ tích cực hơn. Vì thế em truyền tải cuốn sách đó trong cuộc thi để những ai gặp vấn đề trong cuộc sống hay từng mệt mỏi như em thì có thêm động lực để vượt qua.

PV: Đó là chia sẻ của Hoài Anh, còn Quốc Vinh em đã lựa chọn cuốn sách nào và em đã gửi gắm thông điệp gì thông qua cuốn sách đó?

Em Quốc Vinh: Đến với cuộc thi em chọn quyển sách Không nỗ lực đừng tham vọng của tác giả Lý Tự Long. Mục tiêu của em là muốn cho mọi người biết nhiều hơn về sự nỗ lực. Chủ đề năm nay là khát vọng phát triển đất nước và mọi sự khát vọng nào cũng cần phải nỗ lực. Dù chúng ta làm bất cứ công việc gì hay ngành nghề nào cũng vậy.

PV: Có ý kiến cho rằng, các bạn trẻ ngày nay quan tâm đến các loại hình giải trí trên internet nhiều hơn là việc đọc sách. Là một Đại sứ văn hóa đọc, em suy nghĩ như thế nào?

Em Quốc Vinh: Đó là một thực trạng đáng buồn. Là 1 đại sứ văn hóa đọc em có những kế hoạch hành động ở trường học của mình và em muốn truyền tải đến các bạn những thông điệp như là chúng ta hãy đọc sách, chấn hưng văn hóa đọc để ngày càng tốt đẹp, văn nh và phát triển hơn.

PV: Cảm ơn Hoài Anh và Quốc Vinh rất nhiều!

Như một thói quen, cứ mỗi trưa sau giờ học trên lớp, trở về nhà cô bé Hoài Anh lại cất tập sách gọn gàng và chuyện trò, ôn bài cho em gái. Gia đình có hai chị em, ba gắn bó với công việc kinh doanh nhiều năm nay, còn mẹ Hoài Anh làm giáo viên dạy Văn. Ngay từ bé, cô gái nhỏ đã được mẹ kềm cặp, định hướng trong việc học hành, còn ba thì luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho em học hành. Chính vì thế Nguyễn Thị Hoài Anh luôn cảm thấy mình rất may mắn và cần phải cố gắng nhiều hơn để mai này góp sức mình vào công cuộc phát triển quê hương.

Cuộc thi Ðại sứ văn hóa đọc năm 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, với chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước” - Ảnh nh họa

Còn với cậu học trò Nguyễn Quốc Vinh, trong em luôn tỏa ra nguồn năng lượng và tràn đầy nhiệt huyết khi nói về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay. Là một Đại sứ văn hóa đọc tại ngôi trường cấp 3 mà mình đang theo học, Quốc Vinh từng bước lên kế hoạch cụ thể, rõ rang để xây dựng văn hóa đọc trong môi trường học đường. Bởi, theo em “Sách là kho tàn quý báu của nhân loại”. Nhận xét về hai học sinh tiêu biểu của trường, thầy Nguyễn Văn Lộc- Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Thạnh chia sẻ:

"Trường đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ vé máy bay để các con được ra Hà Nội lãnh giải và được trải nghiệm, được biết Thủ đô. Chuyến đi này có hai mục tiêu, thứ nhất là khuyến khích các con, cảm ơn các con và để các học sinh còn lại thấy rằng các con đạt giải thưởng thì sẽ được đi như vậy. Cái thứ hai nữa là cho các con ra Thủ đô để xem các bài đạt giải cao hơn để những năm tiếp theo các con có tham gia thi thì sẽ rút kinh nghiệm vì Đại sứ văn hóa đọc là cuộc thi rất hay".

Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.

Từ thực tế đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, với chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước”. Ban tổ chức đã nhận được hàng triệu bài thi với nhiều ý tưởng xuất sắc, truyền tải văn hóa đọc một cách ấn tượng đến giới trẻ. Bản thân của Hoài Anh hay Quốc Vinh là gương điển hình cho thấy được nhận thức tích cực, lối suy nghĩ hiện đại với khát khao lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng. Nguyễn Quốc Vinh chia sẻ:

"Ưóc mơ sau này của em là được trở thành nhà báo chân chính, em ấp ủ ước mơ này đã 3 năm vì em nhận thấy mình có niềm say mê với con chữ".

Văn hóa đọc không chỉ nâng cao nhận thức mà còn hình thành nhân cách con người. Mong rằng với tinh thần say mê học hỏi, yêu quý sách Hoài Anh và Quốc Vinh sẽ chạm đến ước mơ của mình trong một ngày không xa.