“Lươn” trên mặt đường sau cào bóc, “thử thách” tay lái

Trên tuyến đường Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội, nơi một số người dân phản ánh về hiện trạng cải tạo mặt đường mà thời gian thi công kéo dài, đã có không ít người tay lái yếu bị ngã xa khi đi qua những con lươn hình thành sau khi mặt đường bị cào, phục vụ cải tạo.

Phóng viên có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Xuân Huy, một người dân sinh sống tại khu vực này.

 

Xin chào anh Huy, chắc hẳn anh có rất nhiều điều muốn nói về hiện trạng tuyến đường này?

Vâng, với con đường này, như anh thấy, nó đi qua rất nhiều trường học ở địa phương, có khoảng 4 trường. Sáng ra, nhiều phụ huynh chở theo cháu nhỏ phải đi trên đường này. Nhưng đơn vị thi công sau khi cào đường lên, thời gian đến lúc phủ lại mặt đường khá lâu, đến 10 ngày.

Khi chở các cháu, chở nặng, tay lái yếu phụ nữ nữa, tôi đi làm buổi sáng đã nhìn thấy nhiều người bị ngã trên con đường này. Cảm giác tay lái không thể làm chủ được phương tiện khi đi qua những con lươn này.

Giống như các bánh xe bị trượt đi, kiểu trơn trượt đúng không ạ?

Đúng rồi, như là bị trơn trượt trên mặt đường.

Các tuyến phố ở trung tâm Hoàn Kiếm như Quang Trung, Quán Sứ cũng bắt đầu được cào mặt nhựa chuẩn bị chỉnh trang. Phương tiện đi qua không những chịu khói bụi mà còn loạng quạng tay lái.

Theo một số nguồn thông tin, thì đây là cách làm mới của các đơn vị thi công ở Hà Nội. Họ sẽ tiến hành cào mặt đường, tạo ra rãnh, sau đó để một khoảng thời gian cho các phương tiện đi qua, gọi là làm mịn tự nhiên bởi bánh xe của các phương tiện. Theo anh, cách lý giải này, kỹ thuật này có phù hợp với điều kiện đi lại của người dân?

Theo tôi, phương pháp thi công này thực sự không phù hợp với đường sá, phương tiện ở Việt Nam. Như tôi đi ô tô hàng ngày đi làm thì không vấn đề gì cả. Xe 4 bánh cân bằng rất tốt.

Nhưng khi tôi bắt buộc đi xe máy đi lại thì nó không đảm bảo an toàn cho người đi xe đạp, xe máy trên mặt đường thế này.

Chưa kể nếu đi với tốc độ nhanh cũng khó kiểm soát được tay lái đúng không ạ. Không biết là trong 10 ngày anh quan sát hàng ngày họ thi công, họ có lắp biển cảnh báo nào không, ví dụ như biển hạn chế tốc độ?

Vì nhà tôi ở giữa đoạn đường đang thi công, hai đầu đường rất dài, tôi không rõ hai đầu có gắn biển không. Nhưng từ nhà tôi đi ra thì không thấy có biển cảnh báo hay hạn chế tốc độ.

Vậy còn biển thông báo dự án cải tạo mặt đường, thời gian thi công và kết thúc, họ có thông báo không?

Chắc chắn là không. Tôi và các cư dân xung quanh luôn thắc mắc, không biết khi nào đoạn đường này xong, và tôi có thể khẳng định là không có biển thông báo nào về thời gian bắt đầu, kết thúc.

Là người tham gia giao thông, là người chịu ảnh hưởng bởi phương pháp thi công này, anh có mong muốn nào muốn gửi tới cơ quan chức năng?

Tôi nghĩ nên tìm một phương án nào giảm bớt thời gian chờ từ lúc cào bóc đến phủ lại mặt đường, để giảm thiểu bất tiện, nguy hiểm không đáng có trên mặt đường. Cũng nên có những thông tin trực tiếp về dự án, ngày bắt đầu, ngày kết thúc để người dân nắm được, điều chỉnh nếp sinh hoạt cho phù hợp hơn.

Xin cảm ơn anh!

Khi câu chuyện này lên sóng, mặt đường Đa Sỹ đã hoàn thành cào bóc và thảm lại mặt đường mới. Tuy nhiên, ở các tuyến phố khác ở Hà Nội, những câu chuyện mất an toàn vì phải đi trên những mặt đường nhiều sống lươn vẫn diễn ra. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh đơn vị thi công về sự nh bạch thông tin, tiến độ dự án, đặc biệt là cần đặt biển cảnh báo đi chậm, xin lỗi vì những bất tiện, nguy hiểm có thể xảy ra trên mặt đường bị cào bóc.

Người dân hoàn toàn ủng hộ các kỹ thuật, phương pháp thi công mới, nhưng họ cũng cần nhận được sự thông báo rõ ràng, được đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường.