Lười đi bộ, sợ tối, sợ kim tiêm và cái kết bất ngờ khi xuống hầm bộ hành

Rào cản duy nhất với hầm bộ hành đặt ở những vị trí thuận lợi chỉ còn là định kiến của người dân, những người từng bị ấn tượng xấu về công trình này trước đây. Thực tế, người dân đã bắt đầu có cái nhìn thiện cảm hơn, coi hầm bộ hành như một hạ tầng thiết yếu trong việc đi lại.

Có mặt tại hầm đi bộ trên đường Lê Duẩn, sát cổng công viên Thống Nhất (Hà Nội), phóng viên đã có dịp trò chuyện cùng một số người dân.  

 

Chào em, em đang đi đâu đây?

Em đến trường ạ. Nhưng em đang vội em xin phép anh nhé.

À đang bận à….

….Chị ơi, em hỏi thăm chị một chút, em ở bên Đài Tiếng nói Việt Nam và đang khảo sát người sử dụng hầm bộ hành.

À, ok em.

Lộ trình của chị từ đâu đến đâu ạ?

Chị đi từ phố Kim Hoa, chị sang trường để dạy ở Đại học Xây dựng. Thực ra chị thỉnh thoảng mới đi, hôm nay rảnh rỗi mới dừng lại, chứ đến giờ dạy là không dừng lại trả lời em được đâu.

Vâng, việc sử dụng hầm đi bộ mang lại lợi ích gì cho chị?

Trước hết, nói về thời tiết là đỡ mưa nắng. Về giao thông là đỡ nguy hiểm. Nếu hôm nào dậy sớm làm tiết đầu, thì chị có hai lựa chọn. Thấy đèn đỏ còn dài, sẽ lững thững đi qua vạch kẻ đường ở ngã tư. Còn nếu cảm thấy đèn chạy đến mức không thể vượt qua được thì sẽ đi hầm.

Ở dưới này, hồi mùa đông ấy, có thấy người lang thang, cơ nhỡ họ nằm ở đây. Có mấy lần chị dắt con đi chơi thấy, thực ra họ nằm như thế cũng thương, nhưng thấy mất mỹ quan. Sau đó, họ đã dẹp được rồi. Từ ra Tết ấm ấm lên cái là không thấy nữa.

Thế là ngoài việc đi bộ đi làm, chị còn đi chơi cùng gia đình qua hầm này?

Đi sang công viên này rất tiện. Nhà chị còn cho con gái đi qua đây là nó quen rồi. Nó tiện cực, không phải đi cắt qua ngã tư, đèn xanh đèn đỏ như thế này.

Hầm đi bộ nút giao Lê Duẩn-Xã Đàn rất sạch sẽ, thoáng đãng, được mở cả ngày lẫn đêm và có lực lượng tuần tra, bảo vệ. Nó khác với những định kiến bấy lâu nay của thị dân về thế giới bên dưới lòng đường.

Em thấy, ngoài giờ cao điểm người ta đi thể dục, những người có nhu cầu sang đường đa phần họ vẫn chưa sử dụng hầm đi bộ. Theo chị, ngoài đi xa, liệu có nguyên do nào khác?

Thực ra, có nhiều người có thể một vài lần ngửi thấy mùi, kiểu dắt theo chó mà chủ không có ý thức, chúng tiểu bậy ở đây, có những người bị ám ảnh, có những người không thích. Nguyên nhân thứ hai là nhiều người không thích leo lên, khi leo cầu thang này khá là mệt với một số người. Họ lười, muốn đi đường bằng hơn, giống ở chung cư, họ muốn di chuyển trong một mặt bằng hơn là nhà mặt đất phải lên tầng ấy.

Em đoán, chị là người khá chăm và yêu thích đi bộ.

Không! Em nhầm rồi. Từ học kỳ trước đến giờ, chị chỉ đi được chục lần thôi, đi công viên cũng chỉ 3-4 lần buổi tối. Nhưng chị cũng quan sát, đi xe máy cũng hay nhìn, thì sinh viên hầu hết băng qua chỗ đèn đỏ. Còn người già thì đi dưới hầm nhiều hơn.

Chị có mong muốn nào để trải nghiệm sử dụng hầm tốt hơn?

Cái hầm này so với chị tưởng tượng trước kia thì sạch hơn chị nghĩ. Ngày xưa sợ đi dưới đó tối, bẩn, mùi hôi thối, thậm chí là kim tiêm nọ kia. Chị chưa trải nghiệm thời điểm đó. Nhưng thực tế chị mới về đây, phố Kim Hoa từ năm ngoái thôi thì thấy rằng, cái hầm này cũng không tồi tệ như người ta kể. Nói chung là nếu sạch sẽ hơn thì vẫn tốt hơn.

Vâng, em mời chị đi xuống, vừa đi vừa nói chuyện. Thực ra đây cũng là lần đầu tiên đi hầm này, em thấy nó khá nhanh. Quãng đường chỉ dài hơn so với băng qua ở trên một lúc thôi.

Đúng rồi, vì nó có độ dốc lên xuống một tí thôi.

Thứ hai là, đi mùa hè thì sẽ mát hơn ở trên rất nhiều.

Chính xác, che được nắng nhiều chứ. Đi trên kia rát phết đấy, kể cả có ô mà mặc váy thì vẫn rát chân.

Đi một chút là hết hầm rồi. Em xin tên của chị với?

Chị tên Lam Anh, là giảng viên bộ môn ngoại ngữ, Đại học Xây dựng.

Em cảm ơn chị Lam Anh, em chào chị!

Chào em nhé!

--

Ngoài trò chuyện với người đi bộ, tôi cũng ngồi với nhân viên vệ sinh và bảo vệ hầm bộ hành ở nút giao thông Kim Liên này. Có thể nhận thấy, mỹ quan dưới hai hầm bộ hành tại khu vực đã sạch đẹp, sáng sủa và thoáng đãng hơn xưa rất nhiều. Hầm được mở 24/24, có đội bảo vệ tuần tra cả vào ban đêm. Với những người đã sử dụng, tỉ lệ quay lại rất cao.

Có lẽ, rào cản duy nhất với hầm bộ hành đặt ở những vị trí thuận lợi như thế này chỉ còn là định kiến của người dân, những người từng bị ấn tượng xấu về công trình này trước đây. Trải nghiệm của chị Lam Anh tuy không đại diện cho tất cả người đi bộ, nhưng cho thấy thực tế, người dân đã bắt đầu có cái nhìn thiện cảm hơn, coi hầm bộ hành như một hạ tầng thiết yếu trong việc đi lại.

Chuyển biến tại đây có thể là một gợi ý để việc quản lý, khai thác, sử dụng hầm bộ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện tốt hơn.