Lửng lơ phố cổ

Những căn biệt thự yêu kiều khi xưa, với những tâm huyết, sáng tạo của người kiến trúc sư khi thiết kế, giờ đã trở thành một thứ gì đó khó tả, mà nếu có cố gắng thì người ta cũng không thể gọi là nhà, chứ đừng hòng mà dám gọi với cái tên biệt thự cổ…

Phố cổ Hà Nội nếu xét về địa giới, thì phía Tây ra đến mạn đầu Thuỵ Khuê là dừng; Phía Đông cũng chỉ đến đầu Khâm Thiên quay đầu; Chạy về phía Nam chỉ hết phố Huế; Phía Bắc dừng ở đê sông Hồng là hết…

Nếu có đi bộ thì cũng chỉ non ngày là hết. Nhắc đến phố cổ Hà Nội, người ta thường liên tưởng đến những ngôi biệt thự từ thời Pháp, những căn nhà mái ngói nhỏ xinh như vừa đủ cho cuộc sống của người Hà Nội.

Nhưng vài chục năm trở lại đây, Hà Nội và phố cổ đã thay đổi chóng mặt. Ngoại thành, vốn trước kia là những vùng đất trống, đồng ruộng, ao hồ mênh mông, bây giờ đã là những khu chung cư, khu đô thị mới, nhà cao tầng, cửa kính sáng loà, mọc lên san sát. Người ở khắp nơi đổ về Hà Nội làm ăn, sinh sống ở những khu đô thị ấy.

Kiến trúc hiện đại đã dần lấn át, những ngôi nhà cũ kỹ bị đập bỏ để xây mới, nhiều ngôi biệt thự có tuổi đời hàng trăm năm cũng bị đập đi để phục vụ cho việc mở đường, xây nhà cao tầng…

Những người Hà Nội cũ thì vẫn cố thủ ở trong những căn nhà cũ kỹ, trong những ngôi biệt thự được “cải tạo” theo nhu cầu cuộc sống và sự sinh sôi nảy nở của các thế hệ nối tiếp nhau. Mỗi căn biệt thự có tới vài hộ gia đình khác nhau và hàng chục người già trẻ, lớn nhỏ cùng sinh sống.

Chị Lan, một người dân trong khu phố cổ tâm sự: "Ngày xưa dân mình vào đây ở thưa, sau cứ người nọ rủ người kia về ở, mỗi người ở một phòng rồi lập gia đình, sau sinh con đẻ cái đông đúcquá rồi cơi nơi nên thành ra bịt kín hết cả.

Sau đứa nào lớn có sức thì ra ngoài, còn không có điều kiện thì vẫn ở lại. Những người già ở đây từ những năm 45-54 đến giờ thì họ không muốn đi…

Như thế hệ của chúng tôi ở trong này nhà ít cũng 4-5 người, còn nhà đông phải 6-7 người".

Các biệt thự trong phố cổ thuộc diện bảo tồn, nên vẫn còn giữ lại được cái vỏ. Thế nhưng, trải qua năm tháng chúng dần xuống cấp, cùng nhu cầu nâng cao tiện ích cuộc sống của người dân trong khu phố cổ, những căn biệt thự ấy dần biến đổi về công năng.

Các căn biệt thự được cải tạo – trong điều kiện cho phép của thành phố. Bên trong, hầu như người ngoài chẳng mấy ai biết họ sống thế nào. Nhưng bề ngoài, đặc biệt là những biệt thự mặt phố, là sự thay đổi chóng mặt.

Hầu hết những ngôi biệt thự mặt phố đều được cải tạo triệt để tầng một để làm cửa hàng kinh doanh, hoặc cho thuê. Nên nhiều khi đi trên phố, có cảm giác phố cổ Hà Nội bị đẩy lên trên cao, lơ lửng trên đầu. Những cửa hàng tầng một với cửa kính sáng loáng, tường sơn xanh đỏ theo nhu cầu của người kinh doanh. Bên trên vẫn là những bức tường quét vôi vàng vọt, rêu phong cũ kỹ…

Còn những khung cửa gỗ của một phần biệt thự sót lại lơ lửng trên không ấy, cũng được gia chủ thay bằng cửa kính, chủ yếu là ngăn cho khói bụi xe cộ dưới đường tràn vào nhà. Bây giờ, thành phố đã quá tải phương tiện cơ giới, không làm cửa kính che chắn, không sống nổi với ô nhiễm đô thị.

Có người thì hàn thêm lồng sắt bên ngoài ban công, rồi dựng thêm vách kính, đẩy nhà tắm, toilet, bếp nấu nướng ra hẳn bên ngoài, để lấy thêm không gian cho cuộc sống sinh hoạt bên trong. Vậy là người phố cổ nấu nướng, tắm táp, đi vệ sinh cũng lơ lửng trên không, giống như phần trên căn nhà của họ.

Những căn biệt thự yêu kiều khi xưa, với những tâm huyết, sáng tạo của người kiến trúc sư khi thiết kế, để giúp cho chủ nhân của nó có một không gian sống tiện nghi, thoải mái thì giờ đã trở thành một thứ gì đó khó tả, mà nếu có cố gắng thì người ta cũng không thể gọi là nhà, chứ đừng hòng mà dám gọi với cái tên biệt thự cổ…

Có thời gian, người ta đưa ra ý tưởng di dân phố cổ ra chỗ khác, để bảo tồn không gian, kiến trúc phố cổ. Ý tưởng thì hay ho đấy, nhưng liệu giờ, phố cổ có còn gì nguyên vẹn để chúng ta bảo tồn?