Lụa Tân Châu, nghề xưa còn mãi

Ở vùng đất phương Nam, có một làng nghề chuyên ươm tơ dệt lụa thành danh, dệt nên tên đất tên làng với sản phẩm lụa nức tiếng gần xa: lụa Tân Châu.

Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang từ lâu được nhiều người gọi với cái tên mỹ ều “xứ lụa”, bởi nơi đây là quê hương của lụa Lãnh Mỹ A nức tiếng. Những ngày xưa cũ, chỉ những ông chủ, bà cả lắm tiền, nhiều bạc mới dám mặc quần áo may từ lụa Lãnh Mỹ A và nó cũng được xem là “thước đo” của sự giàu sang, niềm mơ ước, là báu vật của phụ nữ thời bấy giờ.

Theo các tài liệu xưa ghi chép lại, vào những năm 1920, bà con làng Long Hưng, nay là phường Long Châu, thị xã Tân Châu hầu hết đều sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Đến năm 1940, Tân Châu đã trở thành trung tâm tơ lụa lớn nhất Nam Kỳ Lục Tỉnh và hình thành “con đường tơ lụa” đầy huyền thoại.

Hồi ấy, về xứ lụa Tân Châu, từ tờ mờ sáng đến tối mịt lúc nào cũng nghe tiếng thoi đưa dệt vải lách cách, tiếng đạp khung ì ầm. Lụa Lãnh Mỹ A phơi ngút ngàn. Đến những năm 1960, sản phẩm tơ lụa Tân Châu sản xuất ra không chỉ cung ứng trong nước mà còn xuất sang các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia,...

Trung bình từ lúc dệt đến khi cho ra lụa thành phẩm phải mất 45 ngày - Nguồn Thanh niên

Thời hoàng kim, Tân Châu có khoảng 60 xưởng dệt, 120 lò ươm. Mỗi năm tiêu thụ từ 4.000-6.000 tấn tơ sợi. Tuy nhiên, giờ chỉ còn vài hộ gia đình theo nghề. Bà Lê Thị Kiều Hạnh, Cơ sở Dệt Nhuộm Lãnh Mỹ A Hồng Ngọc, phường Long Châu, thị xã Tân Châu tự hào kể về công việc của mình: "Theo cô biết Lãnh Mỹ A này cũng 100 năm rồi, cô là đời thứ 3, ngày xưa 1 làng luôn mà, bây giờ còn lại 2 cơ sở"

Đến giờ tên gọi lãnh Mỹ A vẫn còn là một bí ẩn. Không một ai rõ lãnh Mỹ A xuất hiện từ khi nào, ở đâu và vì sao có tên gọi như vậy. Tuy nhiên, có 3 điểm làm nên lãnh Mỹ A truyền thống, đó là phải làm từ tơ tằm 100%, được dệt bằng phương pháp dệt satin 8 (phương pháp dệt khó nhất trong dệt tơ tằm) và phải nhuộm bằng trái mặc nưa. 

Điều khiến lụa Lãnh Mỹ An quý và mắc tiền nó được làm bằng những sợi tơ hảo hạng và phải trải qua nhiều công đoạn công phu. Màu đen huyền được tạo nên từ trái mặc nưa. Bà con làng nghề cho biết, mặc nưa là loại cây gỗ có màu đen, lá mỏng, trái gần giống như trái nhãn. Cây mặc nưa trồng 5 năm mới có cho thu hoạch lần đầu. Cô Lê Thị Kiều Hạnh, chia sẻ thêm: "Trái mặc nưa này xay ra cho nó có mũ, lấy cái mũ đó để nhuộm, mới ra Lãnh Mỹ A được. Mặc nưa bây giờ rất là hiếm, còn ít lắm, hông có đủ mình nhuộm ra Lãnh Mỹ A"

Trái mặc nưa dùng để nhuộm lụa loại già vừa phải, màu xanh hơi ngả vàng. Mặc nưa được nghiền thành bột, rây kỹ, pha với nước, tạo thành chất mủ đặc quánh, màu chuyển dần từ vàng sang đen. Lúc này, người thợ nhuộm sẽ nhúng những tấm lụa dài vào nước mặc nưa cho từng sợ tơ lụa được thấm đều.

Bà Lê Thị Kiều Hạnh, kể lại: "Cái mũ mặc nưa lúc đầu xay đó là nó lược, lược trái mặc nưa ra là màu hơi vàng vàng, vàng vàng rồi tới khi nhuộm vô, đi phơi, từ từ nó mới thấm đen vô, từ lá hàng còn trắng vầy mà đen vầy rồi thấm vô từ từ, khoảng 01 tháng rưỡi nó mới đen"

Mỗi cây lụa hàng 21m cần đến 90kg trái mặc nưa. Công đoạn nhuộm lụa được xem là quan trọng và kỳ công bởi lụa không chỉ nhúng một lần mà thậm chí phải nhúng hàng trăm lần để từng sợi tơ được thấm sâu, thấm đều, sau đó mang ra phơi. Khi phơi phải xem trời nắng tốt để phơi được 4 nắng. Quá trình vừa nhúng, vừa phơi phải mất khoảng 40 - 45 ngày.

Lụa Lãnh Mỹ A được sản xuất truyền thống, nhuộm bằng trái mặc nưa - Nguồn Thanh niên

Trong khi đó khoảng 5 đến 7 ngày người thợ nhuộm phải đem những cây hàng đi nện. Lãnh sau khi phơi khô được quấn lại thành cuộn tròn và đem đi nện. Lúc trước những người thợ nện dùng những cây búa gỗ nện, những sau này họ sử dụng những máy nện hàng, những tiếng nện hàng buổi đêm khuya tạo nên nét đẹp của vùng quê xứ lụa. Thế cũng chưa hết, lụa còn trải qua các giai đoạn hồ, xả nữa mới tạo được một tấm lụa Mỹ A tuyệt đẹp, mang một màu đen huyền bóng loáng.

Anh Nguyễn Hữu Trí, một nghệ nhân của cơ sở sản xuất Lãnh Mỹ A ở Tân Châu chia sẻ: "Nhuộm từ 10-12 ngày thì mình đập xả để đập. Mình tiếp tục xả rồi bắt lập lại ban đầu khoảng 9-10 ngày là mình nhuộm da nhì. Sau da nhì thì mình sẽ nhuộm da ba, thời gian nó ngắn lại. Thì tới cái da 6 người ta gọi là đập da màu"

Nét nổi tiếng và độc đáo riêng của lụa Lãnh Mỹ A là sự mềm mại, dai, bền và hút ẩm cao. Các trang phục may từ lụa này mang đến cho người mặc cảm giác thoải mái, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp về mùa đông.

Do phải mất nhiều thời gian và công sức để làm ra, giá cả cũng ở mức cao nên vào khoảng những năm 60, nghề làm lụa truyền thống cũng dần bị mai một. Những năm 1970 vải sợi ni lông từ nước ngoài tràn vào khiến nghề tơ lụa truyền thống của Tân Châu mất vị thế. Lãnh Mỹ A không cạnh tranh được với vải ngoại nhiều màu sắc, giá thành rẻ. Các vườn cây mặc nưa dần bị phá bỏ, diện tích dâu và các khung dệt đều bị thu hẹp.

Ông Nguyễn Văn Long ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết: "Lãnh Mỹ A, tơ tằm nó hợp với mặc nưa, đem trái mặc nưa mà nhuộm với mặc giải khác ngoài tơ tằm thì nó không đẹp"

Để bảo tồn và phát huy nghề truyền dệt lụa truyền thống ở thị xã Tân Châu, năm 2006 UBND tỉnh An Giang đã công nhận làng nghề truyền thống - Làng nghề tơ lụa Tân Châu. Ngày nay, nghề dệt lụa đã đỡ vất vả hơn trước rất nhiều bởi đã có máy móc trợ giúp trong nhiều công đoạn.

Trãi qua bao thăng trầm của lịch sử, các thế hệ người dân vùng đầu nguồn sông Tiền vẫn tiếp tục “nuôi dưỡng” nghề truyền thống, dệt nên tên đất tên làng, cho ra đời lụa Lãnh Mỹ A nổi tiếng và điểm tô thêm những nét đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ.