Lớp vỡ lòng tiếng Anh của học viên U70

Băm sáu phố phường, và nhiều con phố mới của Hà Nội, mỗi lần bạn ngang qua là một cảm nhận khác nhau. Có những gần gụi thân thương, có những bất ngờ thú vị, có những lạ lẫm mà xuyến xao. Lớp vỡ lòng Tiếng Anh của các U70 bên cái sôi động của phố phường, có thể là một ấn tượng như thế...

 


Sáng thứ Tư hàng tuần, ở phố Đội Cấn, Hà Nội có một lớp học ễn phí diễn ra đều đặn không kể nắng mưa.

"Tôi là Phùng Hải Yến, giáo viên tình nguyện dạy tiếng anh cho các cụ lớn tuổi tại Hà Nội. Dạy các cụ phải có yếu tố tình cảm dù mình không nói nhưng thể hiện qua sự kiên nhẫn. Thật, yêu lắm. Dạy ở đây được 5 năm thì tôi thấy chính các cụ lại là thầy cô của mình, truyền động lực, cảm hứng cho tôi nhiều hơn thế".

Từ những ô cửa sổ đang mở thấy ở đây, ở kia những mái đầu bạc cặm cụi viết chữ, cặm cụi đánh vần. Trước mặt mỗi học viên U70, U80 lại là quyển sách vỡ lòng tiếng Anh đang mở.

Trong một căn phòng nhỏ chỉ vỏn vẹn 20m2, đầy ăm ắp sự ngây thơ, lòng hiếu kỳ "ôi sao phiên âm gì mà lạ", và cả sự quyết tâm không phát âm đúng không dừng lại, viết sai chính tả viết lại ngay.

"Mình già 75 rồi, nhầm lẫn hay quên nhiều. Đến lớp để vui, để đầu óc nh mẫn. Già trí nhớ kém lắm vừa viết xong lại nhớ nhớ quên quên nên phải học đi học lại. Từ cái mình học các cháu chơi trò chơi có tiếng anh mấy bác cháu cùng chơi".

PV: Bà thích nhất lớp học ở điều gì?

Học viên: Lớp đoàn kết vui vẻ, cô giáo nhiệt tình. Mọi người tương trợ giúp đỡ nhau. Tuyệt vời!

Học viên khác: Bây giờ được học tiếng anh mở ra cho mình sự hiểu biết mới vì biết thêm một ngôn ngữ là biết thêm một nền văn hóa. Mới đi học vỡ lòng rất khó vì tuổi tác, nhưng cô giáo tận tình, không bị áp lực mỗi khi đến lớp là vui, hạnh phúc. Không khí lớp học làm mình thấy yêu thấy thích.  

Những học viên tóc bạc luôn sẵn sàng đặt câu hỏi trong lớp học

Lớp học này đã nhẹ nhàng đi qua thời kỳ covid khi những học viên lớn tuổi nhất cũng cố gắng theo học ngoại ngữ online dù mắt đã kém hay phải mày mò từ đầu với công nghệ. Đối với họ, dù phải đạp xe đến 10 cây số trời mưa để tới lớp hay chuyện bài tập khó cũng chỉ là động lực đi tìm kiếm niềm vui.

Ở Đội Cấn, ở Nguyễn Công Hoan, ở Kim Ngưu và rất nhiều ngõ phố của Hà Nội, mỗi ngày đều có những lớp học như thế này diễn ra. Các ông bà học tiếng anh, học công nghệ, học mọi thứ trong cuộc sống, học lại từ đầu ở cái tuổi xưa nay hiếm.

Với bất kỳ ai ngang qua lớp học này, có lẽ sẽ nghĩ lại về khái niệm "học tập suốt đời", không phải tìm đâu xa. Vì không e ngại cái chưa biết của mình, những học viên tóc bạc luôn sẵn sàng đặt câu hỏi.

Hay dẫu biết rằng cái mình chưa biết còn rất nhiều, nhưng họ không dấu diếm, không tự ti, mà vẫn sẵn sàng sàng tìm hiểu, đón nhận, với tất cả hăm hở nhiệt thành.

Và họ cũng tự tin hơn bởi mỗi một lần học là mỗi lần mở ra thế giới hiểu biết mới, sống vui khỏe có ích hơn. Với những học viên ấy, học tập là một niềm vui, một nhu cầu, rất khác cách nhìn về sự học của nhiều người trẻ.

Giữa phố xá đời thường vẫn bận rộn, ở nơi ô cửa vẫn mở, bạn có thể nhìn thấy những mái đầu bạc,  nghe thấy những tiếng đánh vần ngoại ngữ ê a ở lớp vỡ lòng, và rồi mỉm cười nhận ra: có những điều thật mới ở ngay những con người cũ, trên phố cũ đi về...