Lớp học dân ca “0 đồng", khơi dậy tình yêu quê hương từ những điều thân thuộc

Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - Sinh viên TP Cần Thơ vừa mắt lớp học “dân ca 0 đồng” trong mùa hè 2024, giúp cho mọi người thêm yêu mến và tự hào về đất nước thông qua làn điệu dân ca.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những làn điệu dân ca Nam Bộ vẫn tồn tại bền bỉ và đang được thế hệ hôm nay gìn giữ, phát huy. Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - Sinh viên TP Cần Thơ vừa mắt lớp học “dân ca 0 đồng” trong mùa hè 2024, giúp cho mọi người thêm yêu mến và tự hào về đất nước thông qua làn điệu dân ca.

Tinh thần của lớp học thú vị này sẽ được Cảm Hứng Mekong chuyển đến quý thính giả thông qua cuộc trò chuyện giữa PV và anh Phương Tấn Đạt (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - Sinh viên Cần Thơ).

Lớp học "dân ca 0 đồng" hướng đến giáo dục truyền thống, yêu quê hương đất nước thông qua làn điệu dân ca

Lớp học “dân ca 0 đồng” tại Cần Thơ đang tập trung vào làn điệu dân ca Nam Bộ với những thể loại hò, lý, cải lương… rất mùi mẫn và ngọt ngào. Học viên nhỏ nhất là 9 tuổi, có đam mê ca hát và đánh đàn. Phương Tấn Đạt có thể  chia sẻ mục đích ban đầu để chiêu sinh lớp học này?

Xuất phát từ Hội Liên hiệp Thanh niên TP.Cần Thơ có kế hoạch tổ chức các chuyên đề, trong đó có chủ đề “Tôi yêu tổ quốc tôi” nhằm mục đích định hướng công tác giáo dục truyền thống cho học sinh- sinh viên.

Cùng lúc này, một số cựu thanh niên từng là sinh viên học tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ, họ đã ra trường và muốn lan tỏa đam mê thông qua làn điệu dân ca và các loại nhạc cụ. Nên Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - Sinh viên là đơn vị liên kết.

“0 đồng” ở đây là ễn phí dành cho đối tượng khó khăn?

Nhắc đến lớp học “dân ca 0 đồng” thì người ta thường nghĩ là dành cho đối tượng khó khăn, nhưng thực tế không phải. Lớp học “dân ca 0 đồng” dành cho mọi đối tượng, nếu bạn là người đam mê nhạc cụ, đam mê hò hát, muốn tìm hiểu các giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc thì các bạn có thể tìm đến lớp học này.

Giá trị 0 đồng ở đây là mang ý nghĩa văn hóa, chúng tôi dạy ễn phí để lan tỏa tinh thần chứ không phải dành cho đối tượng đặc biệt.

Sau lớp học này chúng ta có định hướng nào tiếp theo hay nó chỉ dừng lại là một phong trào trong thanh niên?

Mình chỉ có 12 buổi học, trong đó 2 buổi dành cho việc ráp nhạc cụ. Thật ra dạy để biết khác với dạy để đi biểu diễn. Ví dụ, lớp sẽ dạy bạn kỹ thuật bắt đầu và kết thúc câu hò, còn kỹ thuật cao hơn thì tất nhiên chúng ta phải bỏ nhiều thời gian để học, thậm chí học cả đời.

Bên trong lớp học dân ca này có các loại hình đi kèm, như: ca cổ, cải lương… thì hiện tại các học viên lẫn giáo viên đang manh mún có ý định hình thành một đội nhạc nhí. Đôi khi có một đội cải lương nhí nó sẽ tạo ra một xu hướng nào đó khác biệt trong trường học.

Hy vọng thông qua lớp học này thì mỗi học viên sẽ là một sứ giả để tuyên truyền về dân ca Nam Bộ nói riêng và dân ca Việt Nam nói chung trong bất kỳ cuộc gặp gỡ hay hội ngộ nào?

Mỗi một bạn là một sứ giả; tuyên truyền viên; mang trong mình một thông điệp… để đưa hình ảnh dân ca và nhạc cụ dân tộc đến người thân, bạn bè. Bạn yêu quý dân ca bạn sẽ truyền năng lượng tích cực và lan tỏa đến mọi người về tình yêu đối với loại hình nghệ thuật của dân tộc mình.

Cảm ơn Phương Tấn Đạt đã dành thời gian chia sẻ cùng VOV Giao thông những thông điệp ý nghĩa của lớp học “dân ca 0 đồng”. Đây chính là môi trường để thế hệ trẻ ngày nay được tiếp cận trực tiếp với dân ca, giữ lửa tình yêu quê hương từ những điều thân thuộc.

Lớp học kéo dài 12 buổi trong 3 tháng hè

Đầu tháng 6/2024,  lớp học “dân ca 0 đồng” được chính thức khởi động và kéo dài trong 12 tuần. Giờ học cố định từ 9h – 11h30 sáng thứ 6 hằng tuần, tại trường THPT Thái Bình Dương (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường An Cư, quận Ninh Kiều). Hiện lớp học đã chiêu sinh được 40 học viên đủ mọi lứa tuổi, với 4 giáo viên hướng dẫn, học viên sẽ tìm hiểu cơ bản về các điệu lý, hò, vè… và thực hành trên một số nhạc cụ dân tộc như: đàn tranh, sáo trúc, đàn bầu.

Từng ánh mắt háo hức, tiếng vỗ tay nhịp nhàng hòa theo giai điệu “Lý cây bông” đã khiến không gian lớp học thêm sôi động.

Học viên 9 tuổi Diệp Văn Phát chia sẻ: “Con thấy nhạc dân ca rất hay, con đã tập luyện tập ở nhà rất nhiều để biểu diễn bài “Lý cây bông”. Con cảm thấy rất vui vì bài dân ca này giàu tình cảm. Con đang trong quá trình luyện tập để có thể trở thành người hát dân ca hay”.

Với phương châm “Mỗi em học sinh biết và hiểu nhạc cụ là những sứ giả văn hóa Việt Nam để quảng bá và đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”, ngoài lớp học “dân ca 0 đồng”, các em học sinh còn được thưởng thức chương trình “Giới thiệu và biểu diễn nhạc cụ dân tộc cho thanh thiếu niên”. Những ngón tay gảy đàn điêu luyện của các nghệ nhân là giảng viên đứng lớp đã tạo thành sợi dây kết nối, trao truyền giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt đến thế hệ sau.

Ông Trương Tài Linh – công tác tại Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh quận Ninh Kiều, người đồng hành với lớp học “dân ca 0 đồng” ở vai trò giảng viên phụ trách giảng dạy về lịch sử âm nhạc dân ca Việt Nam cho biết:

“Tôi thấy các bạn hưởng ứng rất nhiệt tình, ngay từ lúc đầu các bạn đã rất tò mò và háo hức tham gia chương trình này. Nhiều bạn còn đến hỏi thăm nhạc cụ này nhạc cụ kia tên gọi là gì; mấy bài lý khi nghe thì các bạn cũng nói biết giai điệu. Thực sự hiện trong thời đại 4.0, công nghệ hóa và các em được tiếp thu âm nhạc nước ngoài du nhập vào Việt Nam qua đường truyền mạng và để làm được những lớp dạy dân ca như thế này cũng rất khó cho người quảng bá tuyên truyền âm nhạc truyền thống”.

Định hướng xa hơn của lớp học là hình thành một nhóm cải lương "nhí" trong trường học.

Trong thời đại hội nhập, giới trẻ thương quan tâm nhiều hơn đến dòng nhạc sôi động. Để có thể đưa dân ca vào học đường là sự cố gắng không ngừng. Tuy học viên chưa sử dụng nhạc cụ thành thạo, giọng hát chưa chuyên nghiệp nhưng lớp học góp phần lan tỏa được làn điệu dân ca gắn bó với đời sống văn hóa và tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên khắp Việt Nam.

Anh Phương Tấn Đạt  - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - Sinh viên Cần Thơ khẳng định: "Rõ ràng chúng ta thấy trong thời đại công nghệ 4.0 dần dần các bạn đã quên đi và đây cũng là dịp để một lần các bạn quay lại, nhìn lại bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là một trong những chương trình định hướng giáo dục tư tưởng cho đoàn viên thanh niên, thiếu niên nhi đồng, hy vọng chương trình sẽ lan tỏa và tạo được nhiều điểm nhấn trong lòng các em học sinh”.

Học hát các bài dân ca Việt Nam sẽ giúp các em học sinh thêm yêu mến và tự hào về đất nước; đồng thời cũng sẽ dần “nằm lòng” những làn điệu vốn là sản phẩm tinh thần quý giá của cha ông để lại. Qua đó, các em thêm trân trọng, giữ gìn, tiếp thu và phát triển loại hình âm nhạc truyền thống này.

Từ bao đời nay dân ca luôn gắn liền với đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên khắp Việt Nam. Tuy nhiên, món ăn tinh thần này dường như bị giới trẻ “ít để ý” trong thời đại 4.0. Lớp học “dân ca 0 đồng” đang giáo dục tình yêu quê hương đất nước và cũng cần được nhân rộng trong phong trào thanh niên tại các tỉnh/thành.