Lời nhắc trên đường

Đã bao giờ các bạn chứng kiến một vụ ùn ứ, nguy cơ biến thành tắc đường, mà bạn nắm rõ cách giải quyết? Đôi khi lời giải rất đơn giản: Chỉ cần lời nhắc nhở cho hàng xe phía sau ngừng hành vi lấn làn của làn đối diện, hay đứng ra phân làn giúp các phương tiện thoát khỏi thế “cài răng lược”.

Nếu ở hoàn cảnh như vậy, bạn sẽ chờ đợi, đứng trông như những người khác, hay xắn tay áo lên mà hành động? Hãy cùng VOV Giao thông tìm hiểu về Những lời nhắc nhở nhau trên đường.

PV: Đứng cạnh tôi lúc này là anh Phạm Văn Hiếu, cư trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Anh Hiếu này, anh đã từng nhắc nhở người đi đường khác khi thấy họ phạm luật chưa?

Anh Phạm Văn Hiếu: Nói chung, năm nay tôi chạy xe phải 20 năm rồi, nhưng cũng chưa từng xuống xe nhắc người ta.

Nhiều khi nó là kiểu cá nhân, người ta lại nghĩ mình thế nào đấy, tiếng nói nó không bằng như người khác. Xuống mà điều hành thì chưa.

Nhiều điểm nóng ùn ứ giao thông thường rơi vào hỗn loạn khi không có lực lượng chức năng phân luồng

PV: Có thể không cần xuống xe mà hạ kính xuống chẳng hạn.

Anh Phạm Văn Hiếu: Không, hầu như là không. Dù sao mình cũng nên nhẫn nhịn. Gặp người bình thường không sao. Nhưng gặp người ba trặm ba trợn lại chửi mình. Nên tôi tránh ra, hoặc tìm đi lối khác cho người ta thoát qua mình cho ổn thỏa thôi.

PV: Mình cứ đi tốt đường của mình cho chuẩn đã đúng không ạ?

Anh Phạm Văn Hiếu: Đúng, kể cả mình đi mà ở sau cứ bám đít còi liên tục thì mình cũng lách ra.

PV: Cảm ơn anh.

Khi ấy, những lời nhắc nhở nhau trên đường của những người tham gia giao thông là rất quý báu

Liệu mọi người có cùng suy nghĩ như anh Hiếu? Hãy cùng tôi trò chuyện với một bác tài nữa. Đó là anh Nguyễn Văn Cảnh, trú tại quận Thanh Xuân.

PV: Hiện nay ở những điểm nóng về ùn ứ giao thông vào dịp cuối năm, thông thường sẽ có người hướng dẫn giao thông như CSGT, dân phòng. Tuy nhiên, không phải chỗ nào cũng có. Có những người sẵn sàng đi vào điểm nóng, họ có kinh nghiệm, nhìn rõ luôn là làn phía trước không đi được vì mấy xe bên trái cứ nhoi lên, thì gạt kính xuống bảo đi gọn lại, thì hướng đối diện mới thoát được, không thì cứ đứng đây. Anh đã từng gặp trường hợp như vậy chưa?

Anh Nguyễn Văn Cảnh: Trường hợp như vậy cũng bị nhiều, mà cũng nói giống anh. Tôi không xuống xe nhưng cũng hạ kính xuống để nhắc mọi người, người bên cạnh trái hoặc phải thì thôi, để người ta đi đã xong mình đi tiếp. Chứ còn xuống, thì đôi khi tài xế taxi người ta không tôn trọng lắm. Đâm ra mình không xuống, ngồi trên xe nhắc những xe bên cạnh thôi.

PV: Họ có định kiến hả anh?

Anh Nguyễn Văn Cảnh: Nhiều mà. Có người cho rằng, ông chỉ là taxi thôi có quyền gì mà phân luồng. Đôi khi các ông còn nhoi lên ầm ầm. Kiểu vậy.

PV: Tôi hiểu trạng thái ấy. Do mình không phải là lực lượng chức năng, nhưng nếu mình góp ý nhẹ nhàng thì tôi tin là vẫn có hiệu quả. Cảm ơn anh.

Trước các hành vi lấn làn, đi ngược chiều, có người không muốn can thiệp vào việc người khác, có người muốn nhắc nhưng e ngại động chạm...

Bây giờ PV VOV Giao thông sẽ di chuyển xuống quận Hoàng Mai, để gặp một nhân vật khác. Đó là bác Triệu Ngọc Hải, biệt danh “Hải xe ôm”, người tình nguyện phân luồng ở ngã ba Lĩnh Nam-Tam Trinh hàng chục năm nay:

PV: Cháu chào bác, bác có thể chia sẻ về việc làm hàng ngày trong giờ cao điểm?

Bác Triệu Ngọc Hải: Tôi sống ở sở tại, làm xe ôm hai mấy năm rồi. Tôi góp sức một tí thôi, chỉ là cùng công an, giao thông giúp cho các cháu học sinh ra ổn định, đường sá thông thoáng thôi. Không vì mục đích gì cả.

PV: Những tình huống nào bác thường xuyên ra nhắc nhở các xe?

Bác Triệu Ngọc Hải: Vì đường Tam Trinh này nối cắt ngang ngã ba Lĩnh Nam nên nhiều phương tiện cứ đi ngược chiều, đấu đầu với hướng Lĩnh Nam đi lên. Nhiều khi tắc đường vì vậy.

PV: Họ phản ứng thế nào?

Bác Triệu Ngọc Hải: Người ta cũng chấp hành thôi, cứ tắc đường học sinh ra là tôi ra, không nề hà gì cả. Tôi phải ra điều tiết ngay, cho xe dừng ở đường Lĩnh Nam, thì đường Cầu Mai Động-Tam Trinh đi lên là đấu đầu, nhiều người ý thức hơi kém.

PV: Có nhiều người cũng rất muốn nhắc nhở, giúp đỡ nhưng người ta ngại…

Bác Triệu Ngọc Hải: Thì đúng rồi. Có bao nhiêu vụ chống người thi hành công vụ. Người ta chẳng ai dám làm tôi. Tôi là người ta quen mặt rồi, sống ở đây, ai cũng biết nên thế.

PV: Quan trọng vẫn là ý thức đúng không ạ?

Bác Triệu Ngọc Hải: Mỗi người nhường nhịn nhau là đường thông hè thoáng ngay. Ai cũng muốn nhanh, đâm ngang, đâm chéo, đâm ngược chiều. Dân phải có ý thức. Không thì công an có 4 tay cũng chẳng làm được.

PV: Cảm ơn bác đã chia sẻ với VOVGT.

Qua các cuộc trò chuyện vừa rồi, thì anh Hiếu có suy nghĩ không can dự vào việc của người khác, anh Cảnh e ngại, còn bác Hải thì lại không nề hà. PV cũng đã thử một lần xuống xe, ra phân luồng các phương tiện đi thẳng chuyển hướng rẽ tay phải, sau đó quay đầu ở đường vuông góc rồi rẽ phải, để thoát ùn tắc, tiếp tục lộ trình. Và nó có hiệu quả!

Còn bạn thì sao?

Tất nhiên, nghi ngại va chạm là có cơ sở, nhưng tôi tin, với thái độ nhã nhặn, lời lẽ chí lý, chân thành, những lời nhắc nhở trên đường đều ít nhiều tác động tích cực tới văn hóa tham gia giao thông.