Lộ vòng cung – đất lửa nở hoa

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, tuyến Lộ Vòng Cung được ví như là một “vành đai lửa”. 42 năm sau giải phóng, Lộ Vòng Cung nay đã thay da, đổi thịt và trở thành một “vành đai xanh” với vườn cây ăn trái ngút ngàn.

Tiểu đoàn Tây Đô vượt sông Cần Thơ (đoạn Rau Răm) qua lộ Vòng Cung, tiến về thị xã Cần Thơ - Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Lộ Vòng Cung bắt nguồn từ chân cầu Cái Răng (thuộc quận Ninh Kiều) chạy dài qua huyện Phong Điền và kết thúc ở Lộ Tẻ Ba Se (thuộc quận Ô Môn), dài khoảng 30 cây số. Dựa theo tài liệu lịch sử ghi chép, trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, tuyến vành đai này được hầu hết các cơ quan Khu ủy khu 9, các đơn vị chủ lực Quân khu 9 đứng chân, làm bàn đạp để đánh vào trung tâm nội ô Cần Thơ.

Mỹ - Ngụy cũng xác định đây là “cánh cửa thép”, vành đai bảo vệ cơ quan đầu não của địch nên đã lập hàng trăm đồn bốt và nhiều chi khu, yếu khu… hòng ngăn chặn lực lượng quân giải phóng tiến vào.

Ông Nguyễn Quốc Trung – Nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ kể rằng: "Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì Lộ Vòng Cung nằm bao bọc quanh TP Cần Thơ. Nơi có cơ quan đầu não vùng IV chiến thuật, chính vì có vị trí chiến lược quan trọng nên là nơi diễn ra tranh chấp rất quyết liệt giữa ta và địch".

Vốn là vùng đất tranh chấp vô cùng ác liệt, nên trong những năm tháng kháng chiến, Lộ Vòng Cung là nơi “đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom”. Trong chiến lược quân sự, Mỹ - ngụy thiết lập hệ thống đồn bốt dày đặc trên toàn tuyến lộ, xem lộ vòng cung làm vành đai bảo vệ sân bay Trà Nóc, Bộ Tư lệnh vùng IV chiến thuật, cùng bộ máy ngụy quyền của tỉnh Phong Dinh, vừa là bàn đạp để đánh phá căn cứ cách mạng ở Trường Thành - Trường Lạc. Địch tập trung càn quét dân, truy lùng bắt bớ lực lượng của ta. Thường xuyên bắn pháo, ném bom hòng biến nơi đây thành “vùng trắng”, đẩy lực lượng cách mạng xa dân. Từ năm 1968 kéo dài đến khi giải phóng, vùng này đã hứng chịu hàng trăm ngàn tấn bom đạn, cây cỏ xác xơ.

Ông Nguyễn Tấn Tài – Nguyên Xã Đội trưởng xã Giai Xuân kể về những ngày hứng chịu mưa bom pháo dội xuống ở “vành đai lửa” Lộ Vòng Cung: "Chưa từng thấy B52 nó dội xuống, tôi đứng trên mặt đất mà đứng không được, nó tưng tưng người của mình trên mặt đất. Một ngày có thể có tới 6 phi đội máy bay trở lên ( mỗi phi đội là 3 chiếc), nó bắn nát đất hết mà".

Bảng cảnh báo trên lộ Vòng Cung thời chiến tranh. Nguồn: cantho.gov.vn

Trong lúc đó, lực lượng cách mạng của ta cũng xem Lộ Vòng Cung là cửa mở cho quân chủ lực tiến công sân bay Trà Nóc và Cần Thơ. Tuyến đường này cũng là nơi cung cấp hậu cần cho các đơn vị bộ đội, là đường nối vững chắc giữa căn cứ của tỉnh, của khu với căn cứ Miền, dù ác liệt đến mấy cũng phải giữ vững và bảo đảm an toàn cho con đường này.

Từ đó, Lộ Vòng Cung trong thế giằng co quyết liệt giữa ta và địch. Kẻ địch được trang bị bằng tất cả các vũ khí tối tân và phương tiện chiến tranh hiện đại hòng biến nơi đây thành "vành đai trắng" để thực hiện kế hoạch bình định của chúng.

Còn ta, bằng sự đùm bọc của nhân dân, với ý chí quyết chiến, quyết thắng, thực hiện phương châm bám đất, bám dân "một tấc không đi, một ly không rời", tổ chức đánh địch bằng ba mũi giáp công chính trị, quân sự và binh vận.

Người dân Mỹ Khánh góp hơn 10 ngàn ngày công cho chuyển đạn, tải thương, mai táng liệt sĩ và tham gia phá cầu, đường. Toàn xã Mỹ Khánh có hơn 400 hầm bí mật để che giấu cán bộ, bộ đội; hơn 100 bãi chông, bãi mìn với hàng nghìn mũi chông, một công xưởng chế tạo vũ khí thô sơ. Ta xây dựng trên toàn tuyến 104 điểm giao liên để thông tin và đưa đón bộ đội ra vào lộ vòng cung.

Cứ như vậy mà thẳng tiến đến ngày giải phóng ền nam, thống nhất đất nước. Nếu như Sài Gòn có Củ Chi đất thép thì Cần Thơ - Tây Ðô có Vòng Cung rực lửa.

Thiếu tướng Trần Văn Niên – Nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân khu 9 cho biết ý nghĩa trong trận chiến thắng ở Lộ Vòng Cung của quân và dân ta: "Địch nó bị đánh 1 vố ngay cơ quan đầu não nó bị tổn hao lực lượng rất lớn. Quân dân mình cũng hy hinh rất nhiều nhưng ý nghĩa của trận chiến này đã tạo ra xung lực mới của ta đối với thế giới".

Một góc thị trấn Phong Điền. Ảnh: Báo Cần Thơ

Ngày nay, người dân Lộ Vòng Cung đã vượt lên khó khăn, đoàn kết, ra sức xây dựng vùng đất bom cày đạn xới hoang tàn đổ nát trở thành một “vành đai xanh”, với hàng ngàn hecta vườn cây trái sai oằn. Hàng ngằn hecta rau màu xanh ngát và những cánh đồng lúa trĩu hạt. Lộ Vòng Cung ngày nay có thêm tên gọi hành chính mới là đường tỉnh 923, con đường đẹp như mơ chạy cặp theo sông Hậu, qua hàng loạt chợ nổi Cái Răng, Phong Ðiền, khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh, qua những nhà vườn trái cây Trường Long, Nhơn Ái, Tân Thới, Giai Xuân... như một vòng cung vắt ra từ quốc lộ 1.

Qua những đường ngang, lối rẽ theo Lộ Vòng Cung có nhiều di tích văn hóa. Ở di tích văn hóa cấp quốc gia mộ cụ Phan Văn Trị, hằng năm ngày giỗ cụ trở thành một hoạt động văn hóa, một lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Rồi di tích lịch sử văn hóa Ông Hào, tiếp đến là Bia căm thù tại xã Tân Thới, khu di tích văn hóa bưng đá nổi Lung Cột Cầu và khu du lịch Vàm Gừa xã Nhơn Nghĩa...

Phần lớn diện tích Lộ Vòng Cung ngày ngay thuộc địa phận huyện Phong Ðiền. Thời gian qua, Phong Ðiền khuyến khích nhà nhà làm du lịch theo kiểu khép kín lộ vòng cung, khôi phục các loại cây ăn trái, trồng hoa, cây cảnh, rau sạch kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên mặt nước, xây dựng thương hiệu dâu Hạ Châu và cây cam mật Phong Ðiền. Không phụ công người, dâu Hạ châu đã lọt vào tốp 100 đặc sản quà biếu của Việt Nam.

Bà Trần Thị Khuya, đầu bếp của khu du lịch sinh thái Chín Hồng tọa lạc tại Ấp Mỹ Nhơn, Xã Mỹ Khánh chia sẻ: "Bây giờ mình có nhiều loại dâu mà gà thì mình cứ làm mấy món lặp đi lặp lại hoài nên cô thử làm món gà um dâu, ai ngờ thực khách ăn và khen ngon. Đất Phong Điền nổi tiếng là dâu, nếu ai bước về đất Phong Điền thì nên chọn món đầu tiên là gà um dâu. Nếu không chọn món này thì thiệt là một thiếu sót..".

Ở huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ), diện tích dâu Hạ Châu tập trung nhiều nhất ở các xã như Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Trường Long. Ảnh: Dân Việt

Nếu năm 2000 toàn huyện Phong Điền mới chỉ vài hecta, thì nay đã có gần 500 hecta trồng dâu Hạ Châu, nhiều nhất là xã Nhơn Ái với 226 hecta, kế đến là thị trấn Phong Điền. Dâu Hạ Châu được xếp vào loại đặc sản và sản phẩm xây dựng du lịch sinh thái của huyện Phong Điền hiện tại và lâu dài.

Ông Đào Ngọc Chi – Bí thư huyện ủy Phong Điền cho biết đang xây dựng các thiết chế, hạ tầng để đón khách du lịch với mô hình sinh thái mở rộng mà cây dâu Hạ Châu là điểm nhấn: "Huyện Phong Điền xã định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và ngành kinh tế sạch của huyện. Thực hiện nghị quyết Đảng bộ huyện Phong Điền nhiệm kì 2020 – 2025, trước đó huyện cũng có Nghị quyết số 07 của TP Cần Thơ về xây dựng và phát triển huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái. Kết hợp 2 Nghị quyết, huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, cải tạo cảnh quan để góp phần cho ngành du lịch thời gian tới phát triển".

Hơn 50 năm đã đi qua kể từ khi Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Vòng cung đất lửa đã ghi dấu vào trang sử hào hùng của dân tộc. Địa đạo lòng dân cũng trở thành bản hùng ca tô thắm truyền thống cách mạng của quân và dân thành phố Cần Thơ. Nhịp sống sung túc đang diễn ra trên vùng đất anh hùng. Nếu xem qua những thước phim tư liệu, khó có thể tin một vùng đất từng bị cày nát vì bom đạn nay lại trở thành ền du lịch sinh thái ệt vườn bậc nhất tại thành phố Cần Thơ. Vòng Cung – đất lửa đã thực sự "nở hoa".