Lê Thị Thanh Xuân và hành trình gieo chữ vùng sâu

Muốn đóng góp sức mình cho ngành giáo dục được vẹn toàn, cô giáo Lê Thị Thanh Xuân đã tình nguyện về vùng sâu Cà Mau gieo chữ, dạy nghĩa, đồng hành cùng học sinh nghèo trong hành trình chạm đến ước mơ.

Cà Mau được biết đến là vùng đất giàu sản vật nhưng cũng còn lắm khó khăn. Một số điểm trường cách trở, học sinh đi học bằng ghe xuồng, gánh nặng kinh tế và những cuộc ly hương của người thân đã đẩy đưa nhiều hoàn cảnh phải rời trường, bỏ lớp.

Muốn đóng góp sức mình cho ngành giáo dục được vẹn toàn, cô giáo Lê Thị Thanh Xuân đã tình nguyện về vùng sâu Cà Mau gieo chữ, dạy nghĩa, đồng hành cùng học sinh nghèo trong hành trình chạm đến ước mơ.

Câu chuyện giáo viên tình nguyện là không hiếm, nhưng trong số những “đóa hoa” đẹp, Cảm Hứng Mekong chọn ra “đóa hoa” thật thơm bằng câu chuyện đầy nghĩa tình của cô giáo Xuân.

 

Từ khi ra trường năm 2007, cô Xuân đều gắn bó và giảng dạy ở các trường vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ở lớp nào, cô cũng được phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em để họ yên tâm mưu sinh nơi đất khách.

Được dịp đến Trường Tiểu học Ðào Duy Từ - xã Khánh Thuận, huyện U Minh, nơi mà cô giáo Thanh Xuân đang giảng dạy lớp 4A1 thì tôi mới thấy hết những khó khăn nội tại. Phần lớn phụ huynh ly hương đi làm ăn xa nên gửi gắm con cái cho thầy/cô dạy dỗ.

Về mặt tâm lý thì trách nhiệm của giáo viên nơi đây khá là áp lực, ngoài chuyện đáp ứng về chuyên môn thì thầy/cô phải thật sự mở lòng, xem học sinh như con của mình để công tác giáo dục đạt về chất lẫn lượng.

 Xin chào cô Xuân, được biết trước khi về công tác tại huyện U Minh, cô đã từng tình nguyện về dạy học tại huyện Ngọc Hiển (cũng là địa phương xa xôi, cách trở của Cà Mau). Điều gì thúc đẩy cô khởi phát quyết định dành hết thanh xuân đi dạy học ở vùng sâu?

Khi mới ra trường, tôi là giáo viên chủ nhiệm của khóa học Cao Đẳng Tiểu Học thông tin. Về hoàn cảnh trường lớp ở Ngọc Hiển, thời điểm đó Ngọc Hiển thiếu giáo viên nhiều lắm, học sinh phải học ghép lớp hoặc học cả ca 3 (buổi trưa).

Nghe xong mình thấy thương lắm, ngẫm nghĩ lại mình cũng còn trẻ, cũng nên đi xa để mở mang kiến thức, thế là tình nguyện xin về trường Tiểu học 3, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển giảng dạy.

Giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa thì chắc có lẽ cô Xuân và học trò đối mặt với nhiều tình huống thiệt thòi.

Khi về Ngọc Hiển thì nơi tôi dạy trường lớp được tài trợ nên cơ sở vật chất ổn định. Tuy nhiên, học sinh thì lại khó khăn, phụ huynh đi biển tối ngày nên con em đi học quần áo không được tươm tất.

Ở Ngọc Hiển hằng năm có mùa nước lên, ngập tới đầu gối, học sinh đi học vất vả lắm. Nước rút để lại bùn đất, lúc đó cô trò đoàn kết dọn dẹp, rửa sạch phòng lớp.

Đến khi chuyển công tác về U Minh, tôi chứng kiến hoàn cảnh trường lớp và học sinh ở đây còn khó khăn gấp bội lần so với ở Ngọc Hiển. Ở xã Khánh Thuận thời điểm tôi về thì còn đường đất, cầu khỉ, học sinh lớn một chút sẽ chạy xe đạp còn nhỏ quá phải được đưa bằng vỏ lãi. Tới mùa mưa là 100% học sinh phải đi học bằng vỏ lãi.

Rồi việc bám sát học sinh ở vùng này thì sao thưa cô?

Học sinh ở trường của tôi đa số là ở với ông bà nên rất ngoan. Tuổi nhỏ thì hay lí lắc nhưng mà biểu hiện ở mức có thể giáo dục được.

Những năm đầu tôi về đây thì nơi này chưa có điện, càng không có điện thoại nên có học sinh nghỉ học mấy ngày liên tiếp là tôi đi đến nơi, đi bằng vỏ lãi, nơi nào không đi vỏ lãi được thì xoắn quần lội bộ. Trời mưa, đường đất, đi đứng vất vả lắm, tới nơi mới biết em nó bị bệnh.

 Vậy mà cũng đã 17 năm cô tận tụy gắn bó với những tình huống khó khăn thế này. Bây giờ cô được phụ huynh gửi gắm con em để dạy chữ và dạy nghĩa. Vậy cô phải tự trau dồi bản lĩnh như thế nào để vượt qua những khó khăn, áp lực?

Để các em tin tưởng ở mình thì thường đầu năm, hoặc giờ ra chơi tôi tìm hiểu hoàn cảnh của từng em học sinh, em nào ở với ông/bà, kinh tế ở mức nào, cuộc sống có hạnh phúc không…rồi từ đó mình có biện pháp cho từng em mà cái chính là thể hiện tình thương.

Hằng ngày đi học mình để ý quần áo, đầu tóc… khi có vấn đề là mình uốn nắn ngay. Học sinh thấy mình thương các em, tự động các em sẽ ngoan và dễ dạy lắm. Một số phụ huynh 3-4 ngày là gọi điện cho tôi hỏi thăm tình hình con em họ có quậy phá gì trên lớp không.

Từ đó mà mình thấy vui, chắc mình đã làm được điều gì đó hài lòng nên phụ huynh mới tin tưởng gửi con cho mình, tự nhiên mình thấy mình làm được những điều ý nghĩa cho học sinh.

Cảm ơn cô Xuân đã chia sẻ những lời thân tình này và chúc cô luôn bền chí trên hành trình gieo chữ của mình!

"Chắc dạ" với trường học từ thuở khó khăn, cô Xuân thầm vui vì mình đã vượt qua được thử thách để được phụ huynh tin tưởng.

Trường Tiểu học Đào Duy Từ là ngôi trường thuộc địa bàn vùng sâu của huyện U Minh. Ngoài thực hiện công tác giảng dạy xóa mù chữ thì thầy cô giáo ở ngôi trường này còn có thêm nhiệm vụ phải vận động 100% học sinh đến trường, không để một học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học. Trường có 20 giáo viên giảng dạy cho 400 học sinh, mỗi em đều có hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhưng phần lớn là đều ở với ông/bà vì cha mẹ phải ly hương đi làm ăn xa.

Đối với lớp 4A1, cô Xuân không chỉ đơn thuần là giáo viên dạy chữ mà còn là người dạy nghĩa cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Chính vì trách nhiệm này mà suốt nhiều năm công tác, cô Xuân tự trau dồi, phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ đối với tổ chức cũng như xứng đáng với kỳ vọng của phụ huynh.

Anh Triệu Quốc Cường sống tại ấp 11, xã Khánh Thuận, làm công nhân cơ khí đóng tàu biển ở tận An Giang, mỗi năm chỉ về 1 lần vào dịp Tết. Trong những tháng ngày mưu sinh, anh đã gửi con cho cô Xuân dạy chữ ở trường. Mỗi tuần, anh gọi điện cho cô Xuân để hỏi thăm tiến độ học tập.

Anh Triệu Quốc Cường cho biết: "Cô Xuân rất là nhiệt tình và có tâm với học sinh chính vì vậy mà nhiều phụ huynh tin tưởng gửi con cho Cô dạy dỗ. Tôi thì lao động xa nhà, lo làm, nhiều lúc 3-4 ngày mới gọi hỏi thăm. Nhiều lúc con tôi nó học tập sa sút thì cô Xuân gọi cho tôi hay liền. Nhờ vậy mà tôi kịp thời động viên con từ xa, nói con ráng học".

Được tín nhiệm làm Tổ trưởng chuyên môn - phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi của trường, cô Xuân luôn tìm tòi những phương pháp dạy mới, thường xuyên nghiên cứu tìm hiểu tài liệu về tâm lý học sinh để có phương pháp dạy phù hợp, nhằm tạo sự hứng thú học tập cho các em. Cô Xuân cũng là gương mặt nổi bật đóng góp nhiều ý kiến hay để nâng cao trình độ chuyên môn cho các đồng nghiệp trong tổ.

Thầy Cao Văn Đượm – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đào Duy Từ cho biết: "Cô Xuân đã cống hiến cho trường mười mấy năm trong điều kiện một trường vùng sâu khó khăn và đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh thành đạt. Cô rất là tận tụy, yêu nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vừa qua, trường đã được công nhận Đạt chuẩn quốc gia thì có sự đóng góp rất nhiều của cô Xuân, cô tham gia hội đồng đánh giá đạt chuẩn của trường".

Trong hành trình gieo chữ, đôi lúc cô Xuân cũng chạnh lòng với hoàn cảnh khó khăn của trường lớp, nhưng tình yêu nghề mến trẻ lớn hơn khát vọng cá nhân nên cô Xuân vẫn “chắc lòng, chắc dạ” gắn bó với trường Đào Duy Từ như nhà của mình.

Cô Lê Thị Thanh Xuân bộc bạch: "Mình đi thi giáo viên giỏi, đến trường người ta có cơ sở tốt, trang bị đủ đầy thiết bị cho giáo viên, lúc đó mình cũng chạnh lòng lắm nhưng mà chưa bao giờ có ý nghĩ chuyển trường. Bởi vì từ khi bắt đầu đứng ở bục giảng, mình đã suy nghĩ rằng, nếu khó khăn thiếu thốn quá mình không chịu nổi, phải bỏ đi thì ai sẽ tình nguyện về đây dạy. Ngay cả chính mình còn không vượt qua được thì làm sao có điểm tựa cho học sinh, chính vì thế chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ nơi này để đi đến ngôi trường đủ đầy khác".

Đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, cô Xuân được tặng nhiều giấy khen và bằng khen. Cô Xuân đã và sẽ gắn bó với trường để “gieo chữ”, học sinh vượt khó khăn đến lớp để “gặt chữ”. Thời gian dần trôi, lũ trẻ sẽ lớn, trở thành người học cao hiểu rộng, thành tài thì niềm tự hào đầu tiên của các cháu chắc có lẽ là nhờ vào một phần đóng góp lớn của cô Xuân.

Trong hành trình “ngăn dòng bỏ học”, sự đóng góp của những người như cô Xuân thật quý giá biết bao, dạy dỗ tận tình để học sinh trở thành người có ích cho xã hội, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để phụ huynh an tâm gửi con của mình cho giáo viên mà xuôi ngược mưu sinh!

Quả thật cái tên cũng giống như nghề nghiệp, dành cả thanh xuân để gieo chữ vùng sâu. Chúng tôi hy vọng tấm gương sáng của cô Xuân sẽ lan tỏa và được nhiều giáo viên trẻ hiện nay hưởng ứng nhằm đóng góp tích cực cho công tác giáo dục, cải thiện tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ở vùng sâu.