Lê Thanh Liêm - Người thầy truyền cảm hứng sáng tạo

Là “người lái đò” chở bao thế hệ học sinh qua sông, trong số này có không ít em đạt giải thưởng cấp tỉnh, cấp vùng và cấp Quốc gia, thầy Liêm luôn tự hào, xem đó là tài sản quý báu mà mình có được.

Trong xu thế đổi mới giáo dục như hiện nay, việc cố gắng tìm tòi, phát nh ra những cái mới, cái hay nhằm mục đích ứng dụng vào việc dạy và học có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tại Hậu Giang, thầy Lê Thanh Liêm, giáo viên bộ môn Vật Lý, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam (thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A) là tấm gương điển hình nhiều năm liền truyền cảm hứng sáng tạo cho học sinh. Đồng thời anh còn đóng góp to lớn cho sự phát triển giáo dục tỉnh nhà. 

Thầy Lê Thanh Liêm, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, hướng dẫn học sinh thực hiện các đề tài khoa học. Nguồn:baohaugiang.com.vn

Xuất thân trong một gia đình nông dân, cha mẹ quanh năm lam lũ bên ruộng đồng, ngày nào cũng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thầy giáo Lê Thanh Liêm luôn tự nhủ mình phải cố gắng thật nhiều, phải quyết tâm học tập để làm gương cho hai em và làm lụng đỡ đần cho cha mẹ. Trải qua những năm tháng khó khăn đã hun đúc cho người thầy trẻ tinh thần thép.

Kết thúc hành trình 4 năm Đại học, Lê Thanh Liêm được nhận vào công tác tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam. Vậy là thầy giáo trẻ đã chạm tay đến ước mơ, được phục vụ cho sự phát triển ngành giáo dục tỉnh nhà.

Đây là ngôi trường quy tụ nhiều em học sinh đồng bào Khmer, có hoàn cảnh khó khăn theo học. Chính vì thế, thầy Liêm luôn trăn trở phải làm sao để giúp các em tiếp cận khoa học kỹ thuật, bắt kịp xu thế đổi mới giáo dục hiện nay.

PV: Khi chọn nghề giáo viên, chắc hẳn ngoài yêu thích, thầy còn gửi gắm nhiều mong ước đúng không ạ?

Anh Lê Thanh Liêm: Từ khi anh đi học, anh cũng thần tượng nhiều giáo viên đã giúp đỡ mình, ví dụ như thầy Đạt ở trường THPT Tầm Vu đã khởi nguồn cho anh có nhiều ý tưởng cũng như phương pháp học tập hiệu quả. Song song đó, anh cùng các bạn có điều kiện học tập ở vùng quê vô cùng khó khăn.

Vì vậy nên mình phải càng cố gắng học tập và học thật giỏi và phải làm gì giúp ích cho quê hương mình. Đó là một trong những lý do khiến anh cố gắng học tập và đi vào nghề giáo viên như ngày hôm nay.

PV: Điều gì khiến thầy yêu thích và có niềm đam mê sáng chế nhiều như vậy?

Anh Lê Thanh Liêm: Cũng là một phần do sáng chế giúp cho quá trình dạy học giúp phát triển năng lực cho học sinh và đặc biệt là đối với các em học sinh THCS, nếu mình khai thác đúng thì các em có nhiều ý tưởng bức phá hơn cả giáo viên. Vì vậy nên anh mới nghĩ mình phải làm sao để tạo cảm hứng cho các em và giúp các em tư duy sáng tạo, không phải trong học tập mà còn giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của các em.

PV: Thầy đã gặp phải những khó khăn gì trong quá trình thực hiện sáng chế? và thầy vượt qua nó như thế nào ạ?

Anh Lê Thanh Liêm: Khó khăn thì nhiều lắm. Tôi còn nhớ cách đây khoảng 7 năm về trước làm một dự án đầu tiên rồi phải đi lên Đại học Cần Thơ, phải lên Thành phố Hồ Chí Minh để mua đồ, phải nghiên cứu những nơi người ta có tổ chức cuộc thi thì mình phải nghiên cứu, rồi làm sản phẩm gửi đi để coi có xét vô được vào trong để thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh hay không.

Thầy và trò rất mong chờ được đi vào nhưng mà năm đó bao nhiêu công sức đổ ra mà gần tới lúc trình bày trong cái chung kết thì bị loại.

Lúc đó mới đau đớn lắm, thầy và trò cũng vậy, rất buồn. Sau cái đó mới nghĩ lại là nếu mình bỏ cuộc thì không hay, cuộc thi này sẽ giúp ích cho các em học sinh để các em có niềm đam mê nghiên cứu, có thể sản phẩm đó không đạt như bây giờ nhưng mà quan trọng qua quá trình ta làm thì phát triển cho các em yếu tố nào thì từ đó anh mới tiếp tục vượt qua những khó khăn đó.

PV: Theo thầy, trong môi trường giáo dục, giáo viên nên làm thế nào để các bạn học sinh thêm yêu thích và đam mê sáng chế, nghiên cứu?

Anh Lê Thanh Liêm: Thứ nhất theo anh thì anh sẽ tư vấn cho các em, đối với các em học sinh mới bước vào nghiên cứu thì anh sẽ tư vấn cho các em về những lợi ích trong quá trình chúng ta thực hiện dự án cho xã hội và trong học tập của mình.

Bước thứ hai khi mà mình thực hiện những dự án, đề tài khoa học mà gặp những khó khăn thì mình phải nghiên cứu cùng các em học sinh để giải quyết vấn đề chứ không thể nào bỏ cuộc, mình phải đi đầu và không bỏ cuộc, không ngại gian khó.

Mình phải đáp ứng được yêu cầu của các em học sinh, mình chỉ ra những cái mà các em chưa đạt và tạo điều kiện tối đa cho các em. Khi mà ứng dụng những sản phẩm đó rồi thì mình sẽ cho các em tham gia buổi hoạt động, thi đua giữa các lớp, rồi trao đổi và thảo luận với nhau cho các em tham gia các cuộc thi, từ đó càng nâng cao cảm hứng và tinh thần thi đua sáng tạo.

PV: Cảm ơn anh đã lan tỏa niềm đam mê nghiên cứu và những sáng kiến khoa học đến cho cộng đồng!         

Thầy Liêm tâm huyết với việc sáng chế các thiết bị, đồ dùng dạy học - Ảnh Thanh Niên

Là chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghiên cứu Khoa học- Kỹ thuật của trường, thầy Lê Thanh Liêm mong muốn Câu lạc bộ là nơi kết nối đam mê nghiên cứu, sáng tạo của các em học sinh, qua đó, phát hiện được những em có năng khiếu nổi bật.

Nhờ mô hình này và những đóng góp cho sự phát triển giáo dục, thầy Lê Thanh Liêm đã ghi tên mình vào nhiều giải thưởng danh giá. Trong đó có những giải thưởng được Quốc tế công nhận, dành tặng cho người có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương.

Theo thầy Liêm “Học phải đi đôi với hành”, chỉ xem hình ảnh qua máy chiếu, hay sách giáo khoa không giúp cho các em hình dung ra được các thiết bị thực tế sẽ như thế nào, nói trên lý thuyết thì rất dễ quên. Thế nên, việc đưa thiết bị, dụng cụ cho học sinh cầm, nắm, xem xét sẽ giúp các em dễ nhớ bài và hứng thú hơn với môn học.

Nhớ lại khoảng thời gian khi mới bắt đầu cải tiến thiết bị dạy học, anh trải qua vô vàn khó khăn, nhưng chưa bao giờ anh có suy nghĩ bỏ cuộc. Hàng ngày tranh thủ giờ nghỉ trưa, thầy lật đật lên phòng thí nghiệm để mày mò, điều chỉnh từng bo mạch. Dưới cái nắng ngoài trời gay gắt, anh vội vàng chạy xe đến các cửa hàng tìm mua từng bộ cảm biến rồi về tiếp tục chỉnh sửa cho phù hợp. Đều đặn mỗi ngày trôi qua, sau giờ dạy là mọi người lại thấy anh tất bật nghiên cứu.

Thầy Tôn Phước Nguyên- giáo viên Tổ Công nghệ-Tin học, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam chia sẻ:"Thầy Liêm rất là đam mê, nhiều khi làm việc tới khuya mới nghỉ. Thầy hướng dẫn các em vô cùng tâm huyết. Bên CLB thầy hỗ trợ đồng nghiệp, hướng dẫn các em nhiều ý tưởng để truyền cảm hứng cho học sinh.

Trong nhiều năm qua thầy nhận các giải thưởng về sáng chế cấp Quốc gia, cấp tỉnh cũng có. Ứng dụng vi điều khiể vào cải tiến đồ dùng học tập của thầy mở ra hướng đi mới cho ngành giáo dục địa phương".

Là “người lái đò” chở bao thế hệ học sinh qua sông, trong số này có không ít em đạt giải thưởng cấp tỉnh, cấp vùng và cấp Quốc gia, thầy Liêm luôn tự hào, xem đó là tài sản quý báu mà mình có được. Mỗi khi nói về các trò, đôi mắt sâu thẳm của anh như bừng sáng và không giấu được niềm vui. Phương châm của anh trong sự nghiệp “phấn trắng, bảng đen” chính là “Tất cả vì học sinh thân yêu”.

"Thầy rất nhiệt tình, vui vẻ, hòa đồng với học sinh, giải đáp thắc mắc của tụi em mà không hề than phiền gì hết. Đó giờ thầy chưa từng than phiền tụi em một câu nào".

"Thầy hỗ trợ và giúp đỡ bọn e về mặt lập trình và giúp tụi em vượt qua áp lực thi cử cũng như giao tiếp với mọi người xung quanh".

Quý vị và các bạn vừa lắng nghe câu chuyện về thầy Lê Thanh Liêm, người thầy truyền cảm hứng sáng tạo và đam mê nghiên cứu khoa học đến nhiều thế hệ học sinh. Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm lắng nghe chương trình. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.