Lê Minh Tý - Gương sáng về tự lực, tự cường

Sinh ra với cơ thể lành lặn như bao bạn bè cùng trang lứa, thế nhưng, di chứng của căn bệnh sốt bại liệt năm 3 tuổi đã cướp đi đôi chân của anh Lê Minh Tý, sinh năm 1981, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Vượt qua khiếm khuyết của bản thân, cậu bé Tý ngày nào đã vươn lên trở thành một người thợ sửa chữa điện tử lành nghề, sở hữu một cửa hàng kinh doanh, sửa chữa điện tử có tiếng, một nhà hảo tâm ở địa phương cùng một gia đình luôn đầy ắp tiếng cười. 

PV: Từ khi nào mình sửa các đồ điện tử vậy anh?

3 tuổi bị bệnh sốt rồi cái sụi luôn. Lúc đó, bò không hà. Lúc sau này, ba mới làm tó đi, 2 nạng chống gậy từ từ mới bỏ được cái nạng. Bây giờ đi còn 1 nạng.

PV: Đi lại khó khăn vậy, có khi nào mình muốn bỏ cuộc không?

Cũng hơi nản. Tại vì số phận phải chịu thôi chứ sao giờ. Học điện tử cũng làm được thầy, cũng dạy được.

PV: Sửa điện tử ở quê mình có thu nhập ổn định không?

Tại sửa quen ở đây rồi, cũng có khách đều đều, bà con cũng đem đồ xuống ủng hộ.

PV: Trong quá trình mình mình vượt qua khó khăn, có ai là người ở bên mình, động viên mình những lúc mà mình khó khăn, muốn bỏ cuộc không?

Lúc nào cũng có mẹ với cha động viên, an ủi, giúp đỡ, nghị lực. Sau này có vợ, có con. Lúc về đây thì 20 năm sửa chữa ở đây thì có vợ, có con.

PV: Chi phí ban đầu để bỏ ra làm tiệm có cao không?

Hồi đó, đâu có vốn liếng gì đâu. Lúc qua bên đây thì mẹ cho được 6 triệu làm ăn, sửa chữa không chứ có làm gì đâu, có bao nhiêu làm bao nhiêu vậy đó. Bây giờ làm buôn bán thì cũng đủ sống, đủ xài chứ nói lớn thì không lớn.

PV: Mình có chia sẻ nào với những bạn có cùng hoàn cảnh với mình không?

Mình muốn nhắn gửi là gặp những hoàn cảnh khó khăn như vậy, mình phải ráng cố gắng vượt qua, chớ mình đừng bỏ cuộc, vượt qua hoàn cảnh thì mình mới có được cuộc sống vươn lên chứ bây giờ, ai cũng lo cuộc sống của ai hết, đâu có giúp đỡ mình hoài được.

PV: Cảm ơn anh Tý nhiều.

Anh Tý luôn say mê với công việc, không ngừng học hỏi để giỏi nghề, anh còn truyền nghề cho những thanh niên ở địa phương. Ảnh: Báo Hậu Giang

Khoảng chục năm qua, cửa hàng kinh doanh, sửa chữa điện tử Minh Tý ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là địa chỉ thân quen của bà con trong vùng mỗi khi có món đồ điện tử nào trong nhà trở chứng. Theo những khách hàng ruột của anh Tý, họ không khó để tìm được một người thợ lành nghề trong khu vực, thế nhưng, họ vẫn chọn cửa hàng này, phần vì sửa đâu quen đó, phần vì sự nhiệt tình, dễ mến của ông chủ đầy nghị lực vươn lên.  

"Ảnh có một tấm lòng rất là tốt đối với mọi người, hay chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn".

"Chống gậy đi hàng ngày. Chống tó đi từ nhà tới trường cũng cả cây số, ngày nào cũng đi hết".

Nhìn cơ ngơi hiện tại, cùng gia đình rộn rã tiếng cười, ít ai biết được, để có cuộc sống đủ đầy, anh Tý phải nỗ lực hơn rất nhiều so với người khác. Sinh ra trong gia đình khó khăn, cuộc sống trông cậy vào mấy công ruộng và việc làm thuê, làm mướn. Bị khuyết tật, lại ở vùng sâu, vùng xa, nhưng anh Tý chưa bao giờ từ bỏ mong muốn được học tập để thay đổi số phận của mình.

Lên 10 tuổi, anh Tý mới được vào lớp 1, nuôi ước mơ làm thầy giáo, nhưng vì quá tuổi, điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, sau khi tốt nghiệp lớp 9, anh Tý đành gác lại ước mơ, rời ghế nhà trường. Những tưởng cuộc sống sẽ tiếp tục quanh quẩn nơi ruộng đồng, nhưng số phận đã đẩy đưa anh Tý lên Thành phố Hồ Chí Minh học nghề sửa chữa điện tử, điện gia dụng. Vậy là từ đó, cuộc đời anh Tý đã sang trang.

Anh Tý trải lòng: "Năm 21 tuổi, vừa học vừa sửa luôn. Lúc trước có đi học tư nhân. Hồi đó nhà trường không có kêu đi học rồi học tư nhân không hà, đóng tiền cho người ta. Ba chỉ vàng mà trả được có 1 chỉ rưỡi, còn 1 chỉ rưỡi thiếu, từ từ cái ổng nhắn ổng cho luôn".

Cách đây hơn chục năm, nghề sửa chữa đồ điện tử được nhiều người theo học do nhu cầu sửa chữa đồ gia dụng, đồ điện tử còn cao, vì vậy, mà số bạn đồng môn của anh Tý cũng nhiều. Thế nhưng, lửa thử vàng, gian nan thử sức, khi những người bạn đều rẽ ngang hướng khác thì anh Tý vẫn quyết bám trụ lấy nghề bởi với anh, đó là chiếc phao cứu cánh để anh mở ra cơ hội mới với cuộc đời.

Anh Tý tâm sự. "Mình cũng cố gắng vậy đó. Tại vì mình cũng quyết tâm, khuyết tật thì cũng ráng học cái nghề để nuôi sống bản thân chứ cũng khó khăn chứ đâu có dễ đâu".

Sau khi ra nghề và lặn lội nơi đất khách, anh Tý trở về quê nhà lập nghiệp và lập gia đình. Thương anh chịu khó, hiền lành, vợ anh gắn bó và sát cánh bên chồng. Nhờ tích góp, cần cù, chỉ với 6 triệu đồng làm vốn ban đầu, anh Tý đã mua được đất, cất nhà, mở cửa hàng khang trang tại trung tâm xã Hiệp Hưng. Cửa hàng của anh hiện có lượng khách ổn định, thu nhập khá, giúp gia đình có cuộc sống đủ đầy, đầm ấm.

Mấy năm gần đây, anh Tý đã thu nhận thêm đệ tử truyền nghề cho một số thanh niên, giúp nhiều bạn trẻ có công ăn việc làm ổn định. Chưa dừng lại ở đó, anh Tý còn là một nhà hảo tâm của địa phương, luôn sẵn sàng chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, khi thì vài trăm, lúc thì vài triệu đồng. Bởi với anh Tý, khi đã đi qua cái khổ, anh hiểu rõ nó vất vả, khó khăn đến thế nào nên muốn tiếp thêm động lực cho những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Nỗ lực của anh để lại ấn tượng đẹp trong lòng hàng xóm và những ai biết đến câu chuyện của người thợ đặc biệt này.

Ông Trương Tấn Hoằng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam - Người khuyết tật - Trẻ mồ côi huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: "Tấm gương vượt khó của Tý. Người nhỏ, gia đình cũng khó khăn mà vượt qua những thử thách rất là nhiều. Bây giờ nó được cái cơ sở để sữa chữa, bán đồ điện gia dụng này nọ. Nói chung là một người rất là chí thú làm ăn".

Ai đó đã nói rằng, khuyết tật không phải là chấm hết, mà đó là cuộc sống muốn bạn nỗ lực theo một cách khác. Và anh Lê Minh Tý đã làm được điều đó. Tin rằng câu chuyện về nghị lực, ý chí và lòng hướng thiện của anh Tý sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là những ai kém may mắn trong hành trình vượt khó, vươn lên làm chủ cuộc sống của mình./.