Lầy lội

“Lầy” là một từ đơn Tiếng Việt, không có nghĩa chính thức, nhưng có nghĩa suy luận là cái gì đấy nhão nhão, dơ dơ, bẩn bẩn, không có gì là tốt đẹp. Lầy lội là cụm từ chỉ đất bùn nhão gây ra sự bẩn thỉu, khó khăn trong đi lại do phải lội qua.

Tuy nhiên, khi vào ngôn ngữ đời thường thì lầy, lầy lội, hay nhây lại mang hàm ý chỉ một phần tính cách của con người. 

"Maroc đá lầy lội quá. Kiểu đấy cũng dẹp hết ông này ông nọ. Ghê thật!"

"Thôi đừng dây với thằng đấy. Nó lầy lội lắm, chơi không đẹp!"

 Trong ngôn ngữ đời thường, “lầy” ngoài nghĩa đen ám chỉ sự bẩn thỉu, nhơ nhớp trong tự nhiên, thường gắn với đất nhão như vũng lầy, đầm lầy,… thì còn có nghĩa chỉ những hành động – việc làm không hay, không đẹp.

“Lầy lội” – được coi là cách hành xử không đẹp. Một người có cách hành xử “nhây” hay “lầy lội” thường là những người khiến người khác khó chịu bởi cách họ nói chuyện hay hành động có xu hướng trì hoãn, đổ tội, vô trách nhiệm. Kiểu như nói mãi không nghe, nói mãi chẳng làm.

Đôi khi, “nhây thế” hay “lầy lội thế” có thể là một câu khen vui, khi ai đó dùng một phương pháp nào đó khá dơ, khá buồn cười, khá là quên đi sĩ diện của bản thân, tất cả vì chiến thắng. Người thắng thì gì cũng đúng!  

Cũng có trường hợp những từ này được dùng với ý nghĩa vui vẻ, trêu đùa, tạo nên tiếng cười. Những người thích đùa, thích trêu chọc người khác cũng có thể được coi là người nhây, người lầy lội. Nhưng đùa quá hoá dở hơi. Nhây vừa thôi, lầy lội vừa thôi chứ nhây quá, lầy lội quá sẽ tạo nên sự bực tức, khó chịu cho người khác.

Nhây, lầy, lầy lội là những từ có tần xuất xuất hiện cao trong giới trẻ, đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội. Các bạn không chỉ sử dụng trong ngôn ngữ nói, mà còn ngôn ngữ viết, hình ảnh – video chế,… Thậm chí, trên mạng còn có những thánh chơi dơ, thánh nhây, thánh lầy lội, ám chỉ những người có ảnh hưởng với những sản phẩm có tính hài hước, gây cười, nhưng đôi khi còn là phản cảm.

Bởi vậy, hãy cân nhắc bối cảnh và cách thức chúng ta sử dụng những từ ngữ này trong đời thường nhé.

Hãy quan tâm đến cảm xúc của người tiếp nhận để không bị trở thành quá trớn. Nhây nhây, lầy lầy thì cũng đáng yêu đấy!

Nhưng quá đi lại thành vô duyên vô lối, mất lịch sự, vô văn hoá, chuyện đang bé lại bị xé ra to.