Làng trong phố

Trừ khu vực trung tâm phố cổ, thì những phần “Hà Nội mở rộng”, mà bây giờ là các quận thuộc khu vực nội thành hầu hết trước đây đều là làng – nghĩa là thuần nông thôn vậy...

Có lẽ, chẳng nói thì nhiều người cũng biết, ở nội thành Hà Nội bây giờ, phố Thuỵ Khuê là nơi còn dấu ấn rõ nét nhất của những ngôi làng trong phố. Đi dọc con phố này, người ta vẫn thấy những cánh cổng làng cũ kỹ, rêu phong, những cổng làng Hồ, làng Đông Xã, Làng Yên Thái… khiến những người từ nơi xa đến không khỏi ngạc nhiên và đặt câu hỏi: Sao Hà Nội lại giống như vùng thôn quê vậy?.

Thực ra, nội thành Hà Nội vẫn còn rất nhiều ngôi làng trong phố, có thể bây giờ người ta không gọi là làng nữa, nhưng trong ký ức thời thơ ấu, những đứa trẻ con ở phố như chúng tôi vẫn còn nhớ rất nhiều: Làng Giảng Võ, làng Yên Phụ, làng Cót, làng Vòng… xuống phía Nam, hơi xa một chút có làng nghề Định Công, về phía tây có làng Xuân La, Xuân Đỉnh… và tất nhiên là cả những ngôi làng trên phố Thuỵ Khuê.

Nhớ ngày còn đi học, mỗi lần chúng tôi đạp xe lên Hồ Tây chơi, vòng vèo qua các ngôi làng trên con phố này, có cảm giác như đây là một vùng quê khác, một mảnh đất khác biệt hoàn toàn so với nơi chúng tôi sống. Trầm lặng, yên bình, thanh vắng. Với những ngôi nhà xanh mướt bóng cây, rộng bát ngát mênh mông.

Nhiều lúc vứt xe ngoài đường chui rào vào bên trong, ngồi chơi cả buổi, cũng chẳng ai thèm để ý. Thậm chí chủ nhà đi đánh cá về vác lưới, vác giỏ cá đi qua, thấy mấy đứa trẻ lạ mặt ngồi trong vườn, cũng chẳng buồn hỏi ở đâu ra?

Nhiều người vẫn giữ nghề chài lưới, hằng ngày vẫn đi giăng câu, thả lưới ở Hồ Tây

Đằng sau những cánh cổng làng cổ kính trên phố Thuỵ Khuê, thật lạ, cuộc sống của người dân những ngôi làng mà giờ là phường, là phố vẫn giữ được những nếp sinh hoạt xưa cũ.

Cổng làng trên phố Thụy Khuê sẽ được bắt gặp trải dài từ ngã tư Văn Cao cho tới đường Lạc Long Quân cắt ngang, mạn chợ Bưởi. Đoạn cuối này là tập trung nhiều cổng làng còn nguyên vẹn. Mỗi chiếc cổng mang một dáng vẻ riêng và định hình bằng những cái tên thân thuộc từ xưa: cổng Giếng, cổng Hầu, cổng Chùa, cổng Đông, cổng Cái, cổng Xanh...

Trải qua thời gian, nhiều cổng làng đã xuống cấp, hư hỏng, và được trùng tu lại, cái thì giữ được nguyên vẹn, cái cũng đã mất mát hồn cốt đi ít nhiều.

Có những nơi vẫn giữ nếp sinh hoạt xưa cũ, là họp chợ ngay cổng làng. Như cổng Hầu, cổng làng Hồ Khẩu, cứ sáng sáng là người ta ra đây họp chợ. Những ngôi làng này nối thẳng ra mạn hồ Tây, ngày xưa hầu hết người ở đây đều có nghề chài lưới. Cái nghề ấy, đến bây giờ, vẫn có người trong làng còn giữ, vẫn hằng ngày vác lưới ra hồ giăng cá.

Nhắc đến những làng trên phố Thuỵ Khuê bởi, nhiều ngôi làng ở đây đã trở thành những biểu tượng cho một phần văn hoá đất Thăng Long xưa. Mỗi cổng làng đều mang đậm dấu ấn làng cổ. Như cổng làng Yên Thái, nơi dẫn vào ngôi làng đã đi vào thơ ca với nghề làm giấy dó nổi tiếng.

Trên cổng làng này vẫn còn treo tấm hoành phi “Mỹ tục khả phong” do triều Nguyễn ban cho làng Yên Thái vì có nghề giấy tinh xảo. Thậm chí, đến bây giờ, người làng Yên Thái vẫn gìn giữ con đường lát gạch nghiêng dài gần 300 mét có tuổi đời cả trăm năm…

Bây giờ, phố Thuỵ Khuê cũng đã đổi khác nhiều. Nhưng mỗi lần muốn tìm về những ký ức xưa cũ, hay muốn cảm nhận về cuộc sống làng quê mà không cần phải đi xa, tôi vẫn thường quay trở lại con phố này, chỉ để ngồi ngắm cái không khí sớm mai, chụp một vài bức ảnh những cánh cổng làng cũ kỹ.

Và xem những người làng trong phố rủ nhau họp chợ dưới gốc đa đầu làng…