Làn riêng xe đạp: Lối vào bị chặn, đích đến… đường cụt

Đã hơn 3 tháng kể từ khi làn đường dành cho riêng cho xe đạp và người đi bộ được mở dọc sông Tô Lịch, đường Láng, Hà Nội. Tuy nhiên, lượng người sử dụng vẫn khá thưa thớt, chủ yếu vẫn là người dân sở tại đi tập thể dục và cho con nhỏ tập xe.

Vì sao lại có sự đìu hiu này, dù tuyến đường được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giao thông phi cơ giới tại Thủ đô? Mời các bạn cùng VOV Giao thông tới với những cuộc trò chuyện ngẫu nhiên ngay sau đây.

Bên cạnh tôi là Đỗ Thị Ngọc Tươi. Hàng ngày, cô gái này đi bộ từ nhà ở đường Nguyễn Khang qua cầu Cót (quận Cầu Giấy), thuê xe đạp công cộng, rồi di chuyển bằng làn xe đạp tới phố Giáp Nhất (quận Thanh Xuân) để đi làm.

Chào em, đi lại hàng ngày ở tuyến đường này, em thấy như thế nào?

Em thấy khá là ổn. Đường thoáng, và không còn nhiều rác thải người ta vứt ra đây nữa. Chỉ còn có một số tán cây hướng ra đường, khá khuất tầm nhìn, đi hay bị vướng ạ. Với cả, mức độ phân bổ xe chưa ổn, có nhiều điểm xe điện thì nhiều, xe đạp thì ít.

Nếu mình chỉ muốn thuê xe đạp thôi thì tìm khá là mất công, phải đi xuống điểm dưới hoặc lên điểm trên để có xe để đi ấy ạ. Còn ngoài con sông này ra thì mọi thứ đều ổn ạ, nó không được thơm lắm.

Làn riêng cho xe đạp và người đi bộ dọc đường Láng và sông Tô Lịch khá đìu hiu, chủ yếu dành cho cư dân sở tại tập thể dục và tập xe đạp

Lộ trình của em thì anh để ý là dài khoảng 2,5 cây số, phải đi qua 5 nút giao, gồm: Cầu Cót, Cầu 361, cầu Trung Hòa, cầu Hòa Mục, cầu Cống Mọc, đồng nghĩa là khoảng 7 điểm ra vào làn xe đạp. Em có gặp khó khăn nào không?

Em thấy hầu như tất cả các điểm đấy đều có hàng xôi, các chú hay đậu xe, đậu ô tô chắn rất nhiều. Mỗi lần đi qua thì hơi bất tiện ạ. Đi đường to thì nhìn nhiều xe em cảm giác bị sợ.

Có vẻ em không đi được xe cơ giới và chỉ đi được xe đạp. Cảm ơn em.

Điểm đầu của tuyến ở cầu Cống Mọc thường xuyên bị phương tiện và hàng quán bán mũ bảo hiểm án ngữ.

Tôi sẽ hỏi thêm một người chạy bộ ở đây, là anh Ngô Ngọc Đoan, trú ở tổ 7, phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Anh chạy hàng ngày dọc sông Tô Lịch, chắc hẳn hiểu rõ tuyến đường mới này?

Anh chạy ở tuyến đường này cũng lâu rồi. Nhưng thực tế ở mấy đoạn ra vào, với chỗ cụt, phải quành lại, sang đường rất là khó. Anh chỉ buổi chiều cho con ra đây tập vào cuối tuần thôi. Còn ví dụ tập thể dục, anh chỉ khởi động ở đây, còn tập thì sang khu đô thị bên kia sẽ liền mạch hơn.

Còn ở đây thì cứ mất một đoạn, xong lại qua đường rồi lại qua đường.

Ngọc Tươi (trú ở Nguyễn Khang, Cầu Giấy) đạp xe đi làm hàng ngày dọc tuyến phàn nàn, phải chen nhau với ô tô đỗ ở các lối ra vào.

Vâng, để nói về tính liền mạch, như anh nói, tuyến đường dành cho xe đạp thực ra là một tuyến đường cụt. Nó chỉ bắt đầu từ cầu Cống Mọc đến đoạn đối diện số nhà 1174 đường Láng là bị chặn bởi một hàng rào chắn.

NV: Như thế vòng di chuyển của mình đề ra nhưng chưa đạt được. Rồi đoạn đi qua ngã tư cũng rất khó đi, vì nhiều hàng quán đầu đường buổi sáng, chiều tối rất bừa chắn lối không sang được. Tôi mong thứ nhất, môi trường sạch sẽ hơn. Thứ hai, xe đạp đi được liền từ đầu tuyến tới cuối tuyến.

Cảm ơn ý kiến của anh.

Theo anh Ngô Ngọc Đoan (ở Láng Thượng) thường chạy bộ qua đây, làn đường dọc sông Tô Lịch thiếu tính liền mạch, bị chặt nhỏ bởi các nút giao và đường cụt. Cứ chạy một đoạn phải vòng lại.

Theo một người đi bộ khác tôi có dịp trò chuyện là Nguyễn Hồng Sơn, trú ở Quan Nhân, quận Thanh Xuân, làn đường dành cho xe đạp đầu tiên tại Hà Nội có một điều khá khó hiểu: không kết nối cụ thể với 2 điểm giao thông công cộng trọng yếu, đó là ga Láng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông gần Ngã tư Sở, và trạm trung chuyển xe buýt Đại học Giao thông vận tải gần ngã tư Cầu Giấy.

Có lẽ là, do quỹ tài chính hoặc vấn đề không gian, yếu tố giao thông nên người ta chưa làm được. Nhưng em mong sẽ có giải pháp nhất định để mình có đường tiện lợi hơn đến với ga.

Nguyễn Hồng Sơn (trú ở Quan Nhân) thắc mắc làn riêng cho xe đạp, người đi bộ không có đích đến cụ thể, thiếu kết nối với ga Láng đường sắt trên cao và trạm trung chuyển xe buýt ở Cầu Giấy.

Việc thiếu tính liên tục, lại bị xe đỗ, hàng quán chặn ở lối ra vào của tuyến đường này ảnh hưởng ra sao tới việc đi lại của em?

Đương nhiên là thời gian tốn hơn để lách qua những khu đấy. Thứ hai là rất bất tiện cho người khác nữa. Em nghĩ người ta nên để khu khác để xe ô tô, xe máy riêng. Chứ nếu để như thế sẽ bất tiện cho một trong hai bên.

PV: Cảm ơn ý kiến của em.

Vắng người qua lại, khuất tầm nhìn, một số đoạn tuyến trở thành nơi vứt rác, ít phát huy hiệu quả như mong muốn, kế hoạch đề ra.

Các bạn thân mến, thông qua những cuộc trò chuyện vừa rồi, có thể phần nào hiểu được lý do tuyến đường này khó thu hút người dân tới đi bộ, đi xe đạp. Đó là việc bị xe cộ, đặc biệt là ô tô, cũng như hàng quán dịch vụ ngáng trở ở các lối ra vào, tính liên tục, khép kín không được đảm bảo khi có quá nhiều nút giao, ngã rẽ và ngõ cụt.

Hy vọng, đây là những thông tin mang tính tham khảo giúp các nhà quản lý đô thị tìm kiếm thêm giải pháp phát huy hiệu quả tốt hơn cho tuyến đường.