Lâm Quốc Nhựt và hành trình phủ xanh vùng đất mặn

Ước mơ phủ xanh vùng đất mặn đã thôi thúc anh Lâm Quốc Nhựt (28 tuổi), ấp Tân Thành, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau cùng các cộng sự nghiên cứu và thực hiện thành công Dự án “Trồng và phát triển cây chịu mặn, chịu hạn có giá trị kinh tế cao, thích ứng biến đổi khí hậu”.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất cuối trời Nam, từ nhỏ Lâm Quốc Nhựt đã chứng kiến biết bao đổi thay trên quê hương xứ sở. Là vùng chuyên canh tôm nổi tiếng khắp cả nước, thế nhưng hiện nay, người dân Cà Mau gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của hạn, mặn. Dòng người lặng lẽ rời quê lên thành phố tìm việc làm ngày càng nhiều.

Nhớ lại thời điểm ấy, Nhựt kể: Mỗi lần về quê, thấy xóm làng đìu hiu, người trẻ đi lên thành phố kiếm việc làm hết, anh cũng buồn. Bởi thế, anh suy nghĩ phải tạo việc làm gì đó để giúp bà con gắn bó với quê hương”.         

Anh Lâm Quốc Nhựt - Ảnh Thanh Niên

PV: Anh Nhựt thân mến! Anh đã từng bước biến suy nghĩ thành hành động ra sao để giúp bà con gắn bó với quê hương?

Anh Lâm Quốc Nhựt: Một số vùng ở Cà Mau từ xưa đến giờ hầu như chỉ bỏ hoang vì không trồng được gì cả. Bây giờ mình dùng nước mặn để tưới thì những bờ đó được phủ xanh, hệ vi sinh trong cây trồng, đất đai sẽ thay đổi, như vậy sẽ thích ứng với biến đổi khí hậu hơn. Nó thôi thúc mình cần phải làm một cái gì đó, trồng những loại cây gì có thể chịu được hạn, mặn, không cần nước tưới nhiều hoặc có thể sử dụng nước mặn để tưới.

Đến năm 2020, trong quá trình triển khai, mình được gặp người đồng sáng lập dự án, anh này có cùng ý tưởng là trồng những loại cây xử lý bằng nước thải. Khi gặp những người cùng chung ý chí thì mình đã bắt tay vào làm.

PV: Chiến lược của dự án này là gì thưa anh?

Anh Lâm Quốc Nhựt: Việt Nam là nước nông nghiệp từ xưa đến giờ, dựa vào các yếu tố như xuất khẩu gạo. Tuy nhiên tình hình biến đổi khí hậu làm cho diện tích đất nông nghiệp thu hẹp dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực.

Vấn đề thứ hai là xu hướng phát triển của thế giới hiện đại là những căn bệnh mãn tính không lây, cần bổ sung những loại thực phẩm sạch và hạn chế tối đa việc đưa hóa chất vào cơ thể. Đó là vấn đề khiến Halofai lựa chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp và dựa trên những điều kiện sẵn có.

PV: Hiện nay, dự án đã được triển khai ra sao anh ạ?

Anh Lâm Quốc Nhựt: Đến nay bản thân mình và nhóm đã trồng và phát triển một số sản phẩm có thể chịu được độ mặn, thích hợp cho các tỉnh ở ĐBSCL và các tỉnh ven biển ở Việt Nam, độ mặn phù hợp từng vùng.

Bên cạnh đó mình đã đưa ra thị trường các sản phẩm sạch nhằm hỗ trợ đề kháng và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

PV: Trong tương lai anh và các cộng sự sẽ có kế hoạch ra sao để giúp người dân ĐBSCL từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu?

Anh Lâm Quốc Nhựt: Hiện HALOFAI cũng đang nghiên cứu phương án trồng cây trên mặt nước thay vì mình trồng trên bờ. Đó là việc mà mình đã làm và sẽ làm trong thời gian tới. còn muốn hướng đến nền nông nghiệp có kinh doanh tín chỉ cacbon thông qua việc trồng rừng.

Trên tán rừng đó có thể trồng những loài thực vật chịu mặn. Đó là định hướng về tương lai.

PV: Cảm ơn anh rất nhiều!

Măng tây biển được anh Nhựt trồng thành công trên vùng đất mặn - Ảnh Thanh Niên

Thời điểm khi mới bắt đầu thực hiện dự án “Trồng và phát triển cây chịu mặn, chịu hạn có giá trị kinh tế cao, thích ứng biến đổi khí hậu”, anh Nhựt chỉ trồng những loại cây cơ bản, có thể tưới từ nguồn nước mặn. Không lâu sau, anh tìm hiểu và biết thêm nhiều cây trồng mới, rồi thuần hóa để trồng trên đất nhiễm mặn nhằm tạo thương hiệu cho HALOFAI nói riêng và cho Cà Mau nói chung.

Hiện tại, Lâm Quốc Nhựt đã nghiên cứu và phát triển thử nghiệm gần 20 loài cây trồng chịu mặn cao, cùng một số cây trồng nước lợ. Trong đó, có các loại cây đã được trồng thành công gồm: măng tây biển, rau sam biển, rau nhót, rau dịu. Nổi bật là măng tây biển, được mệnh danh “cây trồng khó nhất thế giới”.

Đây là loại cây nhập khẩu với sản lượng tương đối. Đồng thời quy trình trồng măng tây biển phức tạp, cần có kỹ thuật cao, thời gian nảy mầm lâu, khi lên cây con phải chăm sóc kỹ suốt một tháng rưỡi để cây trụ vững và phát triển tốt. Là Nhà sáng lập thương hiệu cũng là một nông dân thứ thiệt, sau giờ làm việc trên công ty, Nhựt cuốc đất trồng cây, tỉ mỉ chăm sóc từng hạt giống. Có người nói “Anh giám đốc trẻ chăm chỉ quá”. Nhựt chỉ cười và bảo “mình chỉ làm vì đam mê”.

"Mình nghe đến dự án và cách làm của nhóm anh Nhựt thấy rất hay. Mong là sắp tới sẽ được nhân rộng ở nhiều tỉnh thành. Ở Long An quê mình thì đã có thử nghiệm rồi".

"Còn trẻ mà Nhựt đã có tầm nhìn và thực hiện dự án thiết thực như vậy khiến mình rất ngưỡng mộ".

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, cho biết: “Dự án sản phẩm được HALOFAI trồng và sản xuất cây có khả năng chịu mặn là mô hình mới nhất Việt Nam; cây rau có khả năng chịu mặn, dự án phù hợp với xu hướng ảnh hưởng biến đổi khí hậu như hiện nay”.

Tuổi trẻ tài cao, nhưng anh Nhựt luôn khiêm tốn và cho rằng, “chuyên môn chính của mình là trồng trọt nên mình cần tiếp thu, không ngừng học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp và các chuyên gia để nâng cao kiến thức”.

Chàng trai này đang tiếp tục nghiên cứu phương án trồng cây trên mặt nước thay vì trồng trên bờ. Đây hứa hẹn sẽ là dự án đầy tiềm năng. Hy vọng trong tương lai gần, những người nông dân “chân lấm tay bùn” ở mảnh đất cực Nam của Tổ quốc sẽ không còn lo cảnh “trắng tay”, mất mùa do hạn, mặn “ghé thăm”.