Làm giàu cho quê hương từ ong mật

Nuôi ong lấy mật làm kinh tế không phải là nghề mới tại ĐSBCL, tuy nhiên với sự tìm tòi, sáng tạo, anh Trần Minh Nìm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã nghĩ ra cách làm độc đáo, đa dạng sản phẩm mật ong, khai thác thế mạnh địa phương đem lại nguồn thu nhập cao với chi phí đầu tư không lớn.

Chưa dừng lại ở đó, người thanh niên này còn nhân rộng mô hình và hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

PV: Chào anh Nìm, vì sao mình chọn mô hình nuôi ong lấy mật để phát triển kinh tế vậy anh?

Anh Trần Minh Nìm: Lúc xưa, tôi sửa xe honda, cũng đã 10 năm, sau đó, ảnh hưởng sức khỏe quá, khi tôi sử dụng mật ong thấy cải thiện sức khỏe tốt và tôi mới mua thùng ong về nuôi để lấy mật sử dụng trong gia đình nhưng mà tôi thấy nó mang lại hiệu quả, mang lại sức khỏe tốt cho mình vì vậy, tôi mới nảy sinh cái nghề nuôi ong lấy mật.

Hiện tại, bây giờ, tôi nuôi cũng đã được 4 năm. Trãi qua những khó khăn, thất bại, đúc kết những thất bại đó rồi mới mang đến sự thành công như ngày hôm nay.

PV: Nuôi ong thì nhiều người làm rồi, tuy nhiên, không phải ai nuôi cũng cho ra mật nhiều và đạt chất lượng. Anh Nìm có bí quyết gì?

Anh Trần Minh Nìm: Chúng ta phải xác định rằng nguồn bông hoa ở nơi đó nhiều thì nó sẽ cho sản lượng mật nhiều, chúng ta đem thùng ong tới đó sẽ cho lượng mật lớn. Chiều cao để thùng ong cao lên khoảng từ 3 đến 4 tấc. Trong thùng ong, kích cỡ của nó là bề ngang 4 tấc, chạy dài 5 tấc và bề lên nó là 3 tấc.

Quy chuẩn của thùng ong có 2 loại là thùng gỗ và thùng composite. Chúng tôi hiện tại bây giờ làm toàn bộ thùng composite. Thùng gỗ này mình tận dụng đặt ngay địa điểm chúng ta thôi, ít có đầu tư thêm vỏ thùng, chi phí vỏ thùng trung bình tụi tui mua 1 năm 200-300 triệu tiền vỏ thùng.

Sản phẩm mật ong nguyên sáp, hay còn gọi là mật ong tầng cơi của anh Trần Minh Nìm vừa đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

 

PV: Được biết, anh có cách làm đặc biệt là nuôi còn chạy đồng. Cụ thể như thế nào?

Anh Trần Minh Nìm: Nói chung con ong nó cũng như là du mục vậy đó. Cái vùng rừng tràm của chúng ta ở đây thu hoạch mật ong từ tháng 10, tháng 11 cho tới tháng 3, tháng 4 sang năm. Tụi tui sẽ rút hết ong, mình đem lên ở Vĩnh Long  chúng ta thu hoạch mật nhãn, mật chôm chôm.

Khi mà mật nhãn, mật chôm chôm xong tới mùa mưa về thì chúng ta phải đem ong lên trên Đồng Nai để dưỡng ong, tạo đàn ong. Tới tháng 8, tháng 9 là chúng tôi sẽ rút ong, đem về Hậu Giang để mình chia đàn ra rồi tiếp tục cung cấp con giống cho tất cả các tỉnh bạn gần đây và các thanh niên đã từng nuôi ong chung với mình.

PV: Hiện tại có bao nhiêu dòng sản phẩm? Giá bán thế nào anh?

Anh Trần Minh Nìm: Hiện tại, bây giờ tôi bán 3 dòng mật. Dòng mật thô để cung cấp cho những nhà hàng mà người ta chế biến thực phẩm để nấu nướng đồ đó. Dòng mật thứ 2 là dòng mật 500ml, là dòng mật chai. Và mật thứ 3 là mật ong nguyên sáp. Giá cả thì mật ong nguyên sáp, 500 gram là 200 ngàn đồng/hộp. Mật ong chai 500ml cũng 200 ngàn/hộp còn mật ong thô thì chỉ 350 ngàn/lít.

PV: Hiện nay được bao nhiêu điểm nuôi? Giải quyết công ăn chuyện làm đặc biệt là cho những thanh niên địa phương và người dân ra sao?

Anh Trần Minh Nìm: Hiện tại, giờ khắp khu vực ĐBSCL là 5 điểm nuôi, giải quyết công ăn chuyện làm cho những người dân, những thanh niên. Tạo công ăn việc làm, thu nhập cho thanh niên, khởi xướng cho thanh niên có những ý tưởng phát triển. Trên địa bàn khoảng cỡ 10 thanh niên. Còn ở những hộ dân và những thanh niên ở tỉnh bạn là khoảng cỡ 100 người dân.

PV: Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cho bà con có nhu cầu nuôi ong, rồi cung cấp cả con giống nữa, có bao giờ anh sợ người ta học nghề rồi cạnh tranh với mình?

Anh Trần Minh Nìm: Tôi không sợ là người ta sẽ học từ cái nghề mình. Tại vì hiện tại giờ chúng ta cố tâm truyền đạt những cái thông tin, truyền đạt những hiểu biết của mình, những cái mình làm được đến người dân để người dân làm cho hiệu quả hơn.

Ảnh nh họa camau.gov

"Ảnh có thể nhân bầy đàn được, ảnh có mấy thùng ong, chỗ nào thuận tiện vườn này kia, ít có xài thuốc sâu thì ảnh gửi mấy thùng ong, thu hoạch mật thì chia ra. Thùng ong của anh liên kết nhiều nơi lắm, ở trong Lung Ngọa Hoàng và các tỉnh".

"Trước đây, hai vợ chồng tôi làm ruộng nhưng cuộc sống bấp bênh lắm, ruộng không có lời. Lúc đầu tôi lấy có 2 đàn hà, bây giờ lên đâu hơn 20 đàn rồi. Nếu mà mật vô trời nắng thì cỡ hơn 10 bữa là tôi quay 1 lần, nuôi ong thì thấy cũng dễ lắm, phụ nữ đồ làm cũng dễ lắm. Mình ở nhà chăm con vừa giữ nhà được luôn. Chăm sóc cũng kỹ, thu nhập thì cũng đủ trang trải, bị vì cỡ 10 bữa mình quay 1 lần là thấy có tiền rồi".

Xuất thân là thợ sửa xe gắn máy, quen với việc sử dụng ốc vít, con tán,... nên ít ai nghĩ rằng khi bước sang một lĩnh vực hoàn toàn mới thì anh Trần Minh Nìm sẽ thành công. Thế nhưng, thực tế đã chứng nh điều ngược lại.

Nhờ cần cù, chịu khó mà từ 2 thùng ong ban đầu, đến nay, anh Nìm đã có trong tay cơ sở mật ong hương tràm Trần Nìm, với khoảng 800 đàn ong. Không chỉ khai thác mật theo cách truyền thống mà anh Nìm còn tìm tòi những cách làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh Trần Minh Nìm nhớ lại:

“Lúc đầu, tôi nuôi ong bình thường, năm 2016-2017, chủ yếu là quay mật để bán cho thương lái, những người có nhu cầu, còn đóng chai thì thuê người ta. Khi thấy nhu cầu người dân sử dụng mật ong nhiều, muốn chất lượng hơn nữa nên tôi suy nghĩ nuôi mật ong tầng cơi, nuôi theo công nghệ châu Âu, gọi là mật ong nguyên sáp. Sản phẩm được thị trường đón nhận rất tốt”.

Sau này, nhờ biết cách nhân đàn, chia đàn ong, sàng lọc đàn ong cẩn thận nên hiệu quả ngày càng cao. Mật nuôi tầng cơi đậm đặc, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn. Hiện tại, cơ sở mật ong hương tràm Trần Nìm đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh đó là mật ong nước đóng chai (500ml) và mật ong nguyên sáp.

Gác kèo ong mật. Ảnh: camau.gov

Sản phẩm có mặt tại Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ và Vĩnh Long. Hiện tại, trừ tất cả các chi phí, anh thu lời 150-200 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Nìm không làm hiểm, giấu nghề mà sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, công ăn việc làm cho người dân địa phương, những người nghèo trên địa bàn, mua con ong để phục vụ lấy mật, phát triển kinh tế.

Mô hình của anh Nìm hiện có 5 điểm đặt thùng ong lấy mật tại các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, mỗi nơi có diện tích từ 70 – 100m2, riêng Hậu Giang có 2 điểm. Mô hình đã tạo việc làm khoảng 100 đoàn viên, thanh niên và người dân tại địa phương, đặc biệt là hộ người dân tộc Khmer trên địa bàn xã và tỉnh bạn.

Anh Trần Minh Nìm, cho biết: “Mang lại một là công ăn chuyện làm cho người dân. Hai là mang lại doanh thu cho người dân. Cái thứ ba nữa là xóa đói giảm nghèo. Cái thứ tư, quan trọng nhất là thời buổi bây giờ, sự biến đổi khí hậu rất là khắc nghiệt nên chúng ta phải tận dụng được những nguồn bông hoa từ tự nhiên của đất trời ban tặng, mang lại thu nhập, hiệu quả kinh tế cao do chính con ong mang lại và người dân sẽ tạo điều kiện trồng cây, gây rừng, tạo cảnh quan thiên nhiên để cho nó mang lại những bầu không khí trong sạch cho chúng ta và mang lại nguồn doanh thu từ mật ong mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho chúng ta”.

Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - Nghiêm Xuân Thành đã đến thăm mô hình nuôi ong lấy mật của anh Trần Minh Nìm. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy đã biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực tìm tòi, vượt khó của anh đồng thời nhấn mạnh, tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

“Vừa qua tỉnh đã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể, rất có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ mô hình kinh tế tập thể, nhất là mô hình tổ hợp tác, HTX. Do đó, cần thiết rất nên huy động các hộ gia đình, thanh niên cùng tham gia, thành viên thành lập HTX, từ đó được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh. Khi có nhiều thành viên sản lượng sẽ lớn, có điều kiện xây dựng thương hiệu sản phẩm, có điều kiện thị trường tiêu thụ lớn”.

Nói về những dự định sắp tới của mình, anh Nìm cho biết sẽ tiếp tục giới thiệu, quảng bá nhiều hơn để sản phẩm mật ong quê hương được nhiều người biết đến, giúp phát triển kinh tế cho bản thân và các hộ nuôi ong. Cùng với đó là nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm mới để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.