Trong công cuộc khai hoang mở cõi đất Nam, Vĩnh Long đã thay đổi nhiều, đường xưa lối cũ cũng dần bị phủ lắp bởi lớp bụi thời gian. Song, ý nghĩa lịch sử của những di tích vẫn vẹn nguyên giá trị, nhất là giá trị giáo dục đối với thế hệ trẻ. Gắn bó mật thiết với đời sống người dân Vĩnh Long từ bao đời nay không thể không nhắc đến Thành cổ Vĩnh Long.
Tọa lạc tại Phường 1, TP Vĩnh Long ngày nay, Thành cổ Vĩnh Long hiện lên khác biệt giữa dòng kiến trúc hiện đại mới. Thành được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu Vauban (kiểu kiến trúc thành lũy Tây Âu ở thế kỷ XVII, XVIII), cửa chánh hướng Đông Nam, lưng quay hướng Tây Bắc. Chu vi thành rộng 750 trượng, cao 1 trượng, dày 2,5 trượng. Quanh thành có hào rộng, sông sâu.
Cửa phía đông thành có đường lộ chạy dọc bờ sông Tiền, đoạn qua Vĩnh Long, gọi là sông Cổ Chiên, phía tả thành là nhà Sứ Quán, phía hữu là chợ Vĩnh Thanh, và cổng Thành có một cây da trồng từ lâu và chính cây cổ này đã từng chứng kiến những chuyện lớn, chuyện nhỏ xưa nay của Vĩnh Long, kể cả vụ thực dân Pháp bất ngờ tấn công chiếm thành năm 1867.
Riêng góc nam của thành, chỗ tiếp giáp đường Cừ Sâu và sông Long Hồ, có xưởng Thủy sư. Thành tuy không rộng, nhưng với vị trí dinh Long Hồ - Vĩnh Long là một trong 3 dinh, 6 trấn mà các chúa Nguyễn đã định ra – khi đó Vĩnh Long là một dinh, gồm cả vùng đất bờ nam và bắc sông Tần, nay là Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang. Thành lúc ấy được xây dựng kiên cố, bố phòng chặt chẽ, thuận tiện cả đường bộ, cũng như đường sông để tiến thủ.
Ngày nay, nhiều tên đường nằm trong Thành cổ xưa đã khoác lên mình chiếc áo mới, song những câu chuyện gắn liền với tên đường cũ trong Thành cổ Vĩnh Long vẫn còn được lưu giữ.
Nói về lối kiến trúc giao thông trong Thành cổ, ông Trần Thanh Trung - Nhà nghiên cứu lịch sử địa phương cho biết: "Theo tài liệu thì trong Thành Vĩnh Long gồm có 2 con đường dọc và 3 con đường ngang. Về con đường dọc, thứ nhất ngày nay là đường Trưng Nữ Vương, xưa kia là đường Saint Enfance, con đường dọc thứ 2 là Hưng Đạo Vương, xưa là đường Citadelle hay là đường Thành. 3 con đường ngang, đường thứ nhất nối liền từ của Tả đến cửa Hữu, đó là đường 3/2 ngày nay. Còn con đường thứ 2 là đường Hoàng Thái Hiếu, còn con đường thứ 3 thì nằm ở khu vực vườn Còng ngày nay".
Kể về Thành cổ Vĩnh Long là phải rõ về di tích Cây Da Cửa Hữu tại đây. Theo Đại Nam nhất thống chí và Gia Định thành thông chí, vào tháng 2 năm Quý Dậu, đời Gia Long thứ 12, tức năm 1813, triều đình Huế lệnh cho quan Khâm mạng trấn thủ Lưu Phước Tường của Vĩnh Thanh trấn để xây dựng thành Vĩnh Thanh - trung tâm của Long Hồ dinh từ thời các chúa Nguyễn.
Di tích Cây da Cửa Hữu thành cổ từng bị thực dân Pháp 2 lần đánh phá, là nơi lưu dấu lịch sử của vương triều nhà Nguyễn. Tại cửa thành này có một cây da rất to và một ngôi ếu gọi là ếu Bảy Bà. Mặc dù rơi vào tay thực dân Pháp, nhưng người dân vẫn kiên trì đấu tranh để giữ lại cây da cổ. Cuối cùng, khi thực dân Pháp giải phóng đất làm đường, đã phải nhượng bộ, “bẻ cong” con đường như một cánh cung vòng qua di tích để không phải đốn hạ cây da.
Người dân một lòng bảo vệ cây da cũng là hết mực giữ vững Thành Vĩnh Long trước thực dân, bởi vai trò của Thành lúc bấy giờ hết sức quan trọng: "Thành cổ Vĩnh Long có một vai trò rất là quan trọng, tại vì lúc bấy giờ Vĩnh Long của chúng ta là trung tâm của ĐBSCL. Thứ nhất, đây là nơi để cho lưu dân vào đây, có thêm cơ hội điều kiện để phát triển văn hóa, kinh tế. Kế đến thì đây cũng nơi để bảo vệ vùng đất mới, chống lại sự xâm nhập của thế lực thù địch, thực dân mà lúc bấy giờ nhất là Xiêm".
Trong thời kỳ quân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, thành Vĩnh Long thất thủ 2 lần vào năm Nhâm Tuất (1862) và năm Đinh Mão (1867). Sau khi thành Vĩnh Long thất thủ lần thứ hai, quân Pháp đã phá tan tất cả đồn lũy và san bằng tòa thành, chỉ duy nhất còn lại một cây da và một ngôi ếu nhỏ ở cửa hữu. Vào thập niên 50, cây da này bị lụi tàn. Sau đó, từ thân cây mẹ, mọc lên cây da con và phát triển tươi tốt cho đến ngày nay. Đây không chỉ là hình ảnh tưởng trưng cho thế hệ sau tiếp bước cha ông, mà còn là nh chứng lịch sử cho quá trình từ làng lên phố cho Thành cổ Vĩnh Long.
Nói về đổi thay này, ông Trần Thanh Trung - Nhà nghiên cứu lịch sử địa phương cho biết thêm: "Sau khi Pháp phá Thành Vĩnh Long năm 1877, Pháp đã cho xây dựng một vòng xoay tại vị trí ụ đất cây da này. Còn con đường đi lên Sa Đéc thì không phải tại cầu Lộ ngày nay, mà nằm tại Đại lộ Bona hay là đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay kéo dài lên góc đường Nguyễn Thái Học và đường 19/8 xưa là quảng trường lớn lấy tên của Phó đô đốc Lagrandee. Tên này đã chỉ huy đánh chiếm Thành Vĩnh Long vào năm 1867".
Hồi thành Vĩnh Long thất thủ lần đầu năm 1862, kế đến là Hiệp ước Nhâm Tuất ra đời, danh sĩ Phan Văn Trị đã làm một bài thơ như sau:
“Thất tỉnh Vĩnh Long
Tò te kèn thổi tiếng năm ba,
Nghe lọt vào tai, dạ xót xa.
Uốn khúc sông Rồng mù mịt khói,
Vắng hoe thành Phụng ủ sầu hoa.
Tan nhà cám nỗi câu ly hận,
Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa
Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ,
Ngậm cười hết nói nỗi quan ta.”
Trải qua biết bao biến động thời cuộc, vì nhiều nguyên nhân, trong đó việc phải trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ khốc liệt khiến khu di tích thành cổ Vĩnh Long đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến thập niên 50 cây da gắn liền với thành Vĩnh Long này cũng bị lụi tàn. Điều này từng được nhà văn Sơn Nam viết với sự ngậm ngùi khi một di tích lịch sử xuống cấp. Tuy nhiên, sự sống vẫn phát triển kì lạ, từ thân cây mẹ đã mọc lên cây đa con và phát triển tươi tốt cho đến ngày nay.
Năm 2000, chính quyền địa phương đã quyết định công nhận Cây da cửa Hữu là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Đến năm 2008, cửa Hữu gồm cổng chính và cổng phụ của Vĩnh Long thành cùng nhà bia được phục dựng lại thành khu di tích đươc nhiều du khách tìm đến.
Dẫu trải qua gần 300 năm lịch sử, song chứng nhân lịch sử: Long Hồ xưa và Vĩnh Long nay vẫn sống mãi trong lòng những người con địa phương, lưu giữ chiến tích dựng nước và giữ nước của cha ông. Giữa nhịp sống hối hả, tìm về dấu xưa tích cũ nơi Thành cổ Vĩnh Long, cũng là để mỗi người trẻ biết ơn thế hệ đi trước và trên hết là không ngừng học tập, sống có trách nhiệm hơn về quê hương Vĩnh Long.