Ký ức loa phóng thanh

Đi trên phố, người ta vẫn cảm nhận rõ sự hiện diện diện của những chiếc loa phóng thanh, và chắc chắn, còn lâu nữa chúng mới biến mất, hoặc không bao giờ.

Suốt nửa đời người sinh ra và lớn lên ở đô thị, tôi cũng như nhiều thị dân khác đã quá quen thuộc với việc cuộc sống gắn liền với chiếc loa phường ọt ẹt trước cửa nhà. Vài năm trở lại đây, chuyển vào sống trong chung cư, tạm thời không nghe tiếng loa phường.

Mà cũng lạ, không biết từ bao giờ, và ai là người gọi những cái loa treo đầu ngõ, hằng ngày phát các thông báo trong phường, trong xã, trong làng là… Loa phường? Chứ ngày xưa, khi chúng tôi còn nhỏ, thường vẫn gọi là loa phóng thanh.

Thì rõ là phóng thanh còn gì nữa? Mỗi lần loa phát, dù được treo tít trên cây cột điện đầu ngõ mà nhà cuối ngõ vẫn nghe lanh lảnh, rõ mồn một tiếng bác tổ trưởng sang sảng thông báo cuối tuần cả khu tập thể phải chuẩn bị chổi xể, xẻng và bao tải dứa tập trung ở sân khu nhà mà làm vệ sinh chung.

Hay có hôm là bêu tên con nhà nào đấy hái trộm sạch cả nhãn trong vườn cây của các cụ, giờ bắt được gọi cả khu ra chứng kiến chúng đọc bản kiểm điểm…

Cả tuổi thơ chúng tôi, ngoài việc mò mẫm ngoài đồng ruộng bắt cua, mò ốc, chơi khăng, đánh đáo ra thì chiếc loa phóng thanh cũng là một phần ký ức… Ít nhất, nó cũng cho lũ trẻ biết giờ giấc mà bỏ dở cuộc chơi chạy ù về nhà tắm rửa, rồi ngồi ngoan ngoãn chờ bữa cơm chiều mẹ nấu.

Hay choàng tỉnh lóp ngóp bò ra khỏi giường mếu máo và vội bát cơm nguội rồi cắp cặp tới trường khi hai mí mắt vẫn còn dính chặt vào nhau…

6 giờ sáng,

Khi nhiều người vẫn còn đang ngái ngủ trên giường, chiếc loa đầu hiên nhà bắt đầu ọt ẹt hoạt động.

Một bản nhạc chạy qua chiếc băng từ nhão nhoẹt được bật lên, giọng ca sĩ méo mó đến mức không nhận ra, thỉnh thoảng chiếc loa đã qua tuổi thọ hàng chục năm lại rít lên những tiếng chói tai, đủ khiến cho những người làm việc muộn muốn ngủ thêm vài phút cũng phải vùng dậy chạy ngay ra khỏi giường.

Bản tin đầu giờ là thông báo của một gia đình có người vừa mất. Được phát đi phát lại cả chục lần với một giọng đọc đều đều, thỉnh thoảng pha chút ngọng nghịu.

Sau “bản tin” này là một thông báo về việc tiêm phòng cho trẻ nhỏ ở y tế phường. Có vẻ là một thông tin hữu ích, nhưng hầu hết mọi người cũng chẳng quan tâm. Nếu nhà có trẻ nhỏ, thông thường bố mẹ sẽ chủ động trong việc này, không chờ đến khi phường thông báo.

Sau bản tin hữu ích này là MC lại đọc thêm chục lần thông báo nữa về lễ tang của người đã mất kia.

Tiếp đến là chương trình âm nhạc xen lẫn một vài thông tin hoạt động của lãnh đạo, chính quyền địa phương…

Vậy là hết buổi phát thanh sáng…

Chiều,

Khi mọi người đang chuẩn bị bữa cơm sau một ngày làm việc mệt mỏi. Chiếc loa phường lại tiếp tục nhiệm vụ của mình.

Lần này là cuộc tranh luận giữa 2 MC. Có vẻ là một chương trình văn nghệ tự biên, tự diễn. Người ta có thể nghe rõ tiếng giằng co chiếc cro và tràng cười khúc khích của cô MC cùng giọng nói nũng nịu: Bài này để em hát!...

Sau một hồi giằng co trên “sóng trực tiếp” thì MC nam cũng đành nhượng bộ, và cô MC nữ bắt đầu cất giọng, một bài hát gì đó về Hà Nội, rất ngang, không nhạc…

Tiếng loa lại ọt ẹt và thỉnh thoảng mất tín hiệu vài chục giây, rồi lại ré lên chói tai. Cuối cùng thì 15 phút văn nghệ tự biên, tự diễn cũng đến hồi kết. Tiếp tục là những thông tin được biên tập trên báo và vài thông báo về vụ mùa, thời tiết, hoạt động của các cụ tổ hưu, hội phụ nữ phường, đoàn thanh niên…

Rất may là đến giờ cơm tối, nếu gia đình nào ăn muộn một chút thì sẽ được hưởng sự yên tĩnh vì đã hết giờ phát thanh.

Có lẽ trong chúng ta, ít nhiều cũng đã từng lớn lên và ám ảnh với những tiếng loa phóng thanh ấy.

Bây giờ, thời đại công nghệ thông tin bùng nổ. Tin tức được phủ sóng khắp nơi, cập nhật hằng giờ, hằng phút, và ai cũng có một thiết bị điện tử nào đó kết nối internet để theo dõi thông tin.

Chiếc loa phóng thanh – loa phường kia cũng giảm vị thế của mình trong đời sống. Nhưng, đôi lúc, vào những thời điểm đặc biệt, chúng ta vẫn cần đến thông tin từ những chiếc loa phóng thanh ấy, như trong thời điểm dịch covid-19 bùng phát vừa qua chẳng hạn…

Đi trên phố, người ta vẫn cảm nhận rõ sự hiện diện diện của những chiếc loa phóng thanh, và chắc chắn, còn lâu nữa chúng mới biến mất, hoặc không bao giờ.