Ký ức “chuồng cọp”

Ở đô thị bây giờ, vẫn còn rất nhiều chung cư cũ, có tuổi đời cả sáu, bảy mươi năm, nằm xen lẫn những chung cư mới dựng, đẹp đẽ, hiện đại hơn. Và những chung cư cũ đó, có lẽ, sẽ vẫn còn tồn tại thêm nhiều chục năm nữa, trước khi bị thay thế bởi nhu cầu của xã hội…

Nhưng có một điều kỳ lạ, đó là rất nhiều chung cư mới xây hiện nay vẫn còn phảng phất hình ảnh của chung cư cũ, nếp sống, sinh hoạt cũ, một trong số đó là những cái “chuồng cọp”..

 

Cụm từ “chuồng cọp” vốn quen thuộc với những người sống ở chung cư những năm 80-90 của thế kỷ 20 trở về trước. Đó là phần “cơi nới” thêm, thường được hàn bằng sắt tạo thành một cái lồng “đua” ra khoảng không bên ngoài ban công mỗi căn hộ, rộng chừng 1 đến 3 mét vuông.

Nhưng, cái “chuồng cọp” ngày xưa của thế hệ chúng tôi vui lắm. Nó có rất nhiều tác dụng. Đầu tiên, mục đích chính là để tăng thêm diện tích sinh hoạt. Bởi mỗi căn hộ hồi đó thông thường chỉ rộng chừng 20 mét vuông, không đủ cho mà gia đình 2-3 thế hệ.

“Chuồng cọp” vốn quen thuộc với những người sống ở chung cư những năm 80-90 của thế kỷ 20 trở về trước

Nó sẽ là nơi trải chiếu ngủ mỗi khi ông nhà đèn cắt điện, là nơi tụ tập bạn bè ngồi chơi tam cúc, đồ hàng, tất nhiên, cũng là nơi phơi chăn màn, quần áo. Ngày xưa, người ta làm “chuồng cọp” không phải để chống trộm như bây giờ.

Thế nên, thường các gia đình sẽ làm thêm cả cửa mở ra ngoài, phía trước hoặc bên cạnh. Đó mới là phần “vui vẻ” nhất của không gian mở rộng này. Mà lũ trẻ chúng tôi đặc biệt thích thú.

Mỗi khi bố mẹ đi làm, bọn trẻ con bị khóa cửa nhốt trong nhà cả ngày. Cái “chuồng cọp” là sân chơi duy nhất thoáng đãng và có thể giao lưu với bọn trẻ hàng xóm.

Chúng tôi thường chia sẻ đồ ăn vặt, hay đồ chơi cho nhau bằng cách cho các thứ vào chiếc làn nhựa, buộc dây rồi thả xuống cho những đứa bạn nhà bên dưới, kéo lên là lại nhận được đồ bạn đã bỏ vào trong làn. Những anh chị lớn còn viết thư rồi trao đổi cho nhau bằng cách này.

Thế nên, chẳng mấy đứa cảm thấy buồn bã khi bị nhốt trong nhà. Thậm chí, có đứa “liều mạng” không sợ độ cao, còn trèo qua ngoài “chuồng cọp” lần sang nhà bạn bên cạnh chơi. Canh sắp đến giờ bố mẹ về, chúng mới trèo trở lại rồi  ngoan ngoãn trong nhà.

Ký ức “chuồng cọp” vẫn còn tươi rói trong những đứa trẻ hồi ấy, đến tận hôm nay:

"Chỗ đó là nơi tôi thích ngồi vì có thể nhìn xuống đường và thấy mẹ đi chợ về…"

"Đúng vậy thật, mình cũng hay ngồi hóng mẹ và bà đi chợ về ở đó, ngày xưa không nhiều nhà nhiều xe cộ nên nhận ra từ rất xa".

"Mà lần nào cũng có quà, khi thì bánh đa kê, khi thì cái kẹo…"

"Tối mất điện là chạy ra bắc ghế trèo lên nằm cho mát… mà chẳng mất điện cũng thích ra đó nằm".

Có lần, cái Hoa, đứa bạn ở tầng 5 – tầng cao nhất, thò cổ ra ngoài cửa sổ “chuồng cọp” với xuống nói chuyện với bạn tầng dưới – chúng tôi hay làm vậy – rồi mất đà, trượt chân ngã lộn cổ. Rất may, nhà tầng 1 trồng nhiều cây, nên cái Hoa rơi xuống mà chỉ gãy mấy chiếc xương sườn, sứt môi.

Sau bận ấy, hết thảy phụ huynh trong khu đều …khiếp vía! Tất cả các cửa sổ “chuồng cọp” đều bị bố mẹ mua khóa về khóa chặt, để ngăn lũ trẻ con ở nhà nghịch dại. Tất nhiên, chúng tôi vẫn tìm ra cách để chơi với nhau trong những cái lồng sắt ấy, nhưng không còn được..thoải mái như xưa.

Những tưởng, thời gian trôi đi, những tòa chung cư mới, hiện đại được xây mới, “chuồng cọp” sẽ không còn. Ấy vậy mà từ chung cư đến nhà mặt đất, rất nhiều gia đình vẫn cho hàn lồng sắt bên ngoài ban công.

Ngoài cơi nới để sinh hoạt, mục đích chủ yếu là để chống trộm, nên nhà nào cũng làm kiên cố lắm, không có cửa sổ giống “chuồng cọp” ngày xưa.

Và cũng vì chắc chắn quá, nên những cái “chuồng cọp” dễ trở thành nơi nhốt người trong nhà, khi chẳng may có hỏa hoạn.

Những cái “chuồng cọp” sinh ra từ nhu cầu, trong cảnh thiếu trước hụt sau, hoặc từ nỗi sợ mất an toàn. Nhưng theo thời gian, chính nó đang dần trở thành nỗi sợ.

Những cái “chuồng cọp” đã từng thật đẹp đẽ trong ký ức của thế hệ chúng tôi.

Và bây giờ nhiều người lớn đang băn khoăn, vài chục năm nữa, liệu rằng trong ký ức của lũ trẻ hôm nay, ký ức về “chuồng cọp” sẽ còn gì đọng lại?