Thế hệ đầu tiên đi khai phá
Bằng trí tuệ, đôi tay và lòng kiên nhẫn, dòng người đi khai phá phương nam chấp nhận đương đầu với nghèo đói để phục hóa đồng hoang trở thành cánh đồng vàng. Mới đó mà đã 40 năm, Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười ngày nay trở thành “vựa gạo” đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần xây dựng vị thế “Chén cơm Châu Á”.
Thế hệ đầu tiên đi khai phá cánh đồng hoang hồi tưởng về những ngày dốc sức cho đồng phèn nở hoa.
Tới đây xứ sở lạ lùng
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh
Đó là câu hò của thế hệ đầu tiên đến Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên mở đất. Câu hò da diết trước thiên nhiên rộng lớn, đầy sương lam chướng khí, cho cảm giác hãi hùng. Đồng Tháp Mười trải rộng 700 nghìn hecta, bao gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Còn Tứ Giác Long Xuyên rộng 500 nghìn hecta, gồm: Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ. Bốn cạnh của Tứ Giác Long Xuyên là biên giới Việt Nam - Campuchia, vịnh Thái Lan, kênh Cái Sắn và sông Hậu. Hai cánh đồng này tồn tại giữa lòng đồng bằng như 2 “tiểu vương quốc” của những loài thú hoang và cỏ dại.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng cho biết: “Nói về cánh đồng hoang thì ngày xưa ở ền Tây mình có rất nhiều nơi mang địa danh là “đồng chó ngáp”, điển hình là Đồng Tháp Mười. Nó hoang hóa, trồng trọt không được, muỗi mồng và đỉa vắt thì đầy. Con người đến đây sống là đứng trước cái chết, thử thách sinh tồn. Nên con người ở đây phải có lòng quyết chí và có sức chống chịu dữ dội mới tồn tại được”.
Trước năm 1975, nếu Đồng Tháp Mười mỗi năm có 5 tháng chìm trong nước lũ thì Tứ Giác Long Xuyên “khét tiếng” nhiễm phèn. Nước đóng váng phèn cứng tới nỗi con kiến cũng có thể bò qua. Thế hệ đến đây dựng nhà tranh vách lá, sinh con đẻ cái, uống nước nhiễm phèn đỏ quạch màu cau khô mà lớn. Không sản xuất, không trồng trọt, không chăn nuôi được gì trên hai cánh đồng này. Cho nên, thời đó, nơi đây tập trung nhiều cái nhất: nghèo nhất, khổ nhất, thiếu vốn nhất, thiếu kinh nghiệm nhất.
Ông Nguyễn Minh Nhị - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng Ban chỉ đạo khai thác vùng tứ giác Long Xuyên của An Giang hồi tưởng: “Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên có một lịch sử rất gian khổ. Đầu tiên nó là túi phèn, đầu mùa mưa nước nó ứ đọng, mùa khô thì không có nước. Phèn đến mức không có con gì ở được, cả chuột ở cũng không nỗi. Lúa xạ xuống là quéo hết, không nảy mầm được”.
Sau ngày ền Nam hoàn toàn giải phóng, với quyết tâm mở ra “túi gạo” đồng bằng, lãnh đạo Trung ương và địa phương bắt tay tìm biện pháp chinh phục Đồng Tháp Mười trước rồi sẽ đến Tứ Giác Long Xuyên. Ý tưởng “thuần hóa” thiên nhiên bước đầu vấp phải cơn hụt hẫng khi mà nước nhà mời đoàn chuyên gia nước ngoài đến để hỗ trợ giải pháp kỹ thuật. Cả đoàn lắc đầu bỏ cuộc với lời khuyên: hãy nên để Đồng Tháp Mười mãi là cánh đồng hoang với cây chủ lực là tràm.
Không tin và không nản chí, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng công cuộc khai hoang phục hóa Đồng Tháp Mười bằng sức dân. Khi bàn về việc cải tạo 2 vùng đất hoang này thì có 03 vấn đề cần phải giải quyết, đó là: Tính bài toán về quyền sử dụng đất (giữa chủ cũ, chủ mới, đất mới khai hoang) để phục hóa hết diện tích; Đào và xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ việc cải tạo đất; Điều thứ ba cũng là phần việc khó nhất đó là vấn đề xử lý phèn.
Lấy Đồng Tháp Mười áp dụng trước, từ năm 1983 đến 1984, tiến hành đào kênh Trung Ương dẫn nguồn nước ngọt phù sa từ sông Tiền xuyên qua Đồng Tháp Mười về tận sông Vàm Cỏ Tây để tăng tốc rửa phèn. Nước ngọt dẫn tới đâu, người dân tụ họp về hai bên bờ kênh cất nhà, khai hoang, lập nghiệp tới đó. Từ một vùng “đất chết”, ngập úng, bạt ngàn lau sậy năm nào, đến năm 1987, vùng Đồng Tháp Mười đã trồng được trên 300.000 hecta lúa. Năm 1996 vượt lên hơn gấp đôi.
Ông Trương Văn Long - Nguyên Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Lấy mốc là năm 1991, nếu so sánh từ năm 1991 trở về trước và từ năm 1991 đến nay thì kinh tế nông nghiệp ở vùng Đồng Tháp Mười phát triển gấp 100 lần. Người nào còn bám trụ với nông nghiệp ở đây nếu ngày xưa nghèo thì bây giờ khá, còn ngày xưa khá là bây giờ rất giàu. Những người mà ngày xưa tôi cấp đất, họ ra thăm rôi, tôi hỏi thì ai cũng giàu. Giàu vì làm nông ở đây thuận lợi, giá lúa cao. Nông thông mới, đường đi lộ nhựa chạy xe ào ào”.
Từ vùng đất phèn trở thành “thủ phủ” ngành lương thực
Đến năm 1988, bắt đầu “công cuộc tiến công” trị phèn Tứ Giác Long Xuyên. Đồng đất này có phần gian nan, sau 10 năm mới có kết quả. Việc khai phá bắt đầu từ huyện Thoại Sơn và Châu Thành. Ban chỉ đạo cho đào kênh T5 có chiều dài gần 48km, chiều rộng gần 40m, với điểm đầu xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn và điểm cuối đổ ra biển Tây. Con kênh được hoàn thành trong khoảng thời gian kỷ lục 4 tháng đã giúp dẫn nước ngọt mang phù sa vào đồng ruộng nên vài năm sau đất phèn bị tháo rửa, đất đai trở nên tươi tốt hơn. Ngoài có lúa gạo đầy đủ cho Nhân dân ở các vùng nhiễm phèn nặng, Tứ Giác Long Xuyên có gần 300.000 tấn lúa gạo xuất khẩu đi đầu tiên năm 1999.
Ông Nguyễn Minh Nhị - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kể lại: “Trước khi đào kênh T5 thì nước từ sông Hậu vô tới đây sâu lắm là 3km. Nhưng khi có kênh T5 nước ngọt chảy qua đây thông ra tận biển Tây, mang phù sa đến những nơi hẻo lánh nhất, đất đai xổ phèn hết. Đến năm 1999 là hoàn tất nhiệm vụ phục hóa đất hoang ở nơi này. Sau khi khai khẩn được thì 2 nơi này như 2 “viên ngọc”, cung cấp lương thực chủ yếu cho quốc gia. Chủ trương này quá đúng và nhờ trên dưới đồng lòng”.
Sau 40 năm phục hóa, Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đã trở thành 2 vùng trọng điểm về sản xuất lương thực ở ĐBSCL. Hiện tổng diện tích trồng lúa của cả hai vùng là gần 1.400 nghìn hecta, năng suất ước đạt 14 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 50% sản lượng lúa gạo của cả vùng ĐBSCL. Không chỉ vậy, ở đây, người ta còn nuôi thủy sản và trồng cây ăn trái bốn mùa.
"Hồi xưa ở vùng đất này không ai mơ tưởng là mình sẽ trồng được cây ăn trái ngoài cây lúa và lau, sậy. Nhưng giờ đây tôi trồng được sầu riêng và chuối nữa"
"Hồi xưa mỗi công đất thu hoạch lúa 500kg thôi. Nhưng giờ hết phèn, tôi làm lúa mỗi công từ 800kg trở lên"
"Nhờ khai thông dòng chảy tới giờ nước mới ngọt được, tôi ở đây trồng khóm cho kinh tế cao lắm. Năng suất mỗi một mẫu thu về hơn 30 tấn khóm"
Từ một vùng đất phèn khỉ ho cò gáy, tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười đã trở thành “thủ phủ” ngành lương thực nước nhà. Đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng tốp 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Vinh quang này ghi nhận mồ hôi, nước mắt, xương máu của thế hệ khai hoang phục hóa cánh đồng hoang.
Tuy nhiên, trước những thách thức của biến đổi khí hậu mà điển hình là mặn đang xâm lấn sâu dần vô nội đồng đã khiến nhiều mảnh ruộng “chết yểu” giữa mùa, chủ nhà chán nản bỏ xứ ly hương đi làm công nhân, viễn cảnh cánh đồng hoang có thể lặp lại. Điều này rất cần những công trình ứng phó mặn hiệu quả để giữ gìn “túi gạo” đồng bằng, giữ chân cả nông dân ở lại.
Nhìn nông thôn đìu hiu, vắng vẻ, nhiều cánh đồng bỏ hoang hoặc thiếu nhân lực canh tác… ai cũng tiếc. Lúc này rất cần quyết tâm của người ở lại, hãy nhìn bậc tiền nhân đi trước phục hóa cánh đồng hoang trở nên màu mỡ, mà tạo cho mình một sáng kiến mới để thuận thiên làm giàu, xóa bỏ vĩnh viễn cánh đồng hoang một thời sương lam chướng khí.