Ký ức Bưng Sẩm

Lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của Đảng bộ và Nhân dân xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long gắn liền với một địa danh mang tên Bưng Sẩm.

Tượng đài chiến thắng Mương Khai - Hiệp Hòa. Trận đánh tiêu biểu của Tiểu đoàn 306 tại Bưng Sẩm

Trong 2 cuộc kháng chiến, vùng đất này đã được liên tỉnh ủy Vĩnh Long – Trà Vinh chọn làm căn cứ địa. Bưng Sẩm một thuở hoang vu, lầy lội đã chở che cho cách mạng nhưng cũng là vùng đất chết khiến nông dân bỏ ruộng ly hương. Nhưng bằng ý chí nhẫn nại, chính đôi tay của những người ở lại đã “tái sinh” lại một Bưng Sẩm xanh mướt và viết tiếp câu chuyện đồng bưng đánh giặc – giữ nước – kiến thiết quê hương.

Qua cầu Cần Thơ, đi theo QL53, ôm nút giao thông ở xã Tân An Luông rồi rẽ vào Đường tỉnh 901, đường về Bưng Sẩm thật xa xôi vì địa danh này thuộc “vùng sâu” của huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Nhưng bất kỳ một ai đã về Bưng Sẩm thì đều xúc động bởi tinh thần mến khách của người dân xứ sở bưng biền. Chính điều đó đã khiến người ta cảm thấy, nếu mình không về Bưng Sẩm là có lỗi, lỗi của ai đã quên những ngày gian khổ, khó khăn nơi vùng đất chết.

Bưng Sẩm anh hùng và vượt khó thông qua những thế hệ chiến đấu và khai hoang vùng đất chết.

Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Mười Hai Cao - nguyên cán bộ an ninh của vùng Bưng Sẩm, nguyên Bí thư xã Hòa Bình giai đoạn 1978-1983, Bưng Sẩm là thành trì cách mạng an toàn của Nam Kỳ bởi hai yếu tố: sức kiên cường chiến đấu của quân và sự che chở của dân.

Tinh thần cách mạng “chớm nở” ở Bưng Sẩm từ khi cụ Nguyễn Quyền - một trong những nhà lãnh đạo của Đông Kinh Nghĩa Thục bị giặc Pháp bắt đày vô Nam. Cụ sang Ba Chùa – Bưng Sẩm dạy học và được Nhân dân ở đây quý trọng vì tư tưởng yêu nước.

Đến tháng 7/1930, Chi bộ Đảng cộng sản chính thức ra đời, gồm 5 đảng viên được tuyển chọn trong số 11 người của Tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Từ đó, Ba Chùa – Bưng Sẩm đã không ngừng đào tạo cung cấp cho Đảng nhiều đảng viên ưu tú hoạt động khắp ĐBSCL và vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Hỗ trợ đắc lực cho cách mạng một phần là nhờ vào địa thế hiểm trở của Bưng Sẩm thời đó:

“Bưng này trổ ra huyện Vũng Liêm và huyện Tam Bình, là một vùng trũng sâu, sậy và chuối nước mọc nhiều, chiều sẫm trời là chẳng ai dám ở đây. Chính vì thế mà quân địch cứ quăng lựu đạn ở đây nhiều lắm. Đây cũng là nơi mà tiểu đoàn 306 và các vị lãnh đạo từ TW đến địa phương đóng quân. Nhân dân ở Hòa Bình này tốt lắm, che chở cho cách mạng, liên lạc cung ứng nhu yếu phẩm cho quân ta”.

Bưng Sẩm ngày nay bạt ngàn rẫy khóm

Bưng Sẩm vốn sơ khai là một con sông tự nhiên, qua thời gian phù sa bồi đắp trở thành vùng đất trũng sình lầy, dân số ít ỏi, cây cối che phủ, tăm tối hoang vu. Khu vực này rộng gần 100 hecta thuộc 4 ấp: Hiệp Hòa, Tân Hòa, Hiệp Thuận và Hiệp Lợi.

Chiến thắng Mương Khai - Hiệp Hòa là trận đánh tiêu biểu của Tiểu đoàn 306 tại Bưng Sẩm. Vào đêm 26/3/1967, quân ta đã nhấn chìm 8 tàu sắt, rớt 9 trực thăng, diệt 850 tên địch, thu trên 100 súng. Hình hình ảnh hào hùng của người kháng chiến Nam Bộ còn sống mãi với sử xanh cho đến hôm nay. Chỉ có điều, Bưng Sẩm những ngày đầu sau chiến tranh bị hoang hóa, chẳng thể nào trồng trọt hay chăn nuôi:

"Cái vùng Bưng Sẩm này hồi xưa sình lầy, làm ruộng không trúng mùa, chỉ đạt 9-10 giạ lúa là cùng"

"Cái vùng này lầy lội, bước xuống lún tới bụng. Muốn làm gì cũng phải chống xuồng chứ đâu có lộ làng mà đi"

"Nơi đây giặc dội bom nên đất đai hoang hóa, trầm thủy, có trồng được cũng chỉ có lúa mùa. Nhiều người bỏ xứ đi nơi khác làm ăn"

Khóm Bưng Sẩm đã giúp vùng đất đầy bom đạn Hòa Bình tái sinh một lần nữa. Nông dân làm giàu cũng từ cây khóm.

Quyết tâm khai hoang Bưng Sẩm, năm 1978, Chính quyền các cấp đưa lực lượng xuống đắp đập bao khô. Ban đầu người dân sản xuất lúa được 1 vụ, một công lúa thu hoạch được 5 giạ. Dần dần thủy lợi, đê điều thuận lợi, người dân sản xuất lúa 3 vụ với năng suất cao khoảng 40 giạ/công. Bưng Sẩm trăm năm cắm mặt xuống đầm lầy đã thành “nàng công chúa” đẹp đẽ xinh tươi.

Vườn quê Bưng Sẩm trồng xen đủ thứ cây ăn trái: vú sữa, sa pô chê, lê ki ma, mãng cầu xiêm, mận, ổi, mít, dâu, quýt, xoài, măng cụt, chuối. Trong đó, khóm Bưng Sẩm là loại cây đã định danh vùng đất bưng biền trở nên uy tín trên thị trường nông sản.

Ông Nguyễn Thế Thành – ngụ xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Bưng Sẩm đổi thay một cách ngoạn mục, đổi đời gấp 10 lần. Hồi đó ở đây nghèo lắm nhưng hiện nay tất cả nông dân ở đây đều tham gian hợp tác xã trồng khóm hết. Đê bao thủy lợi khép kín nên nơi này có cỏ nhưng không sình lầy nữa. Máy cơ giới xuống ruộng bình thường”.

Nông thôn mới Bưng Sẫm ngày nay đã có sản phẩm đặc trưng

Bưng Sẩm trở thành nơi sở hữu diện tích khóm lớn nhất tỉnh Vĩnh Long và đem về “vị ngọt” cho đời sống nông dân. Khóm Bưng Sẩm có vỏ mỏng, nhiều nước, màu vàng tươi, ít xơ, giòn, có mùi thơm dịu nhẹ.

Nhiều năm trở lại đây, khóm Bưng Sẩm (Vĩnh Long) đã vươn lên “sánh vai” với các “thương hiệu” có tiếng, như: khóm Ba Ðình (Bạc Liêu), khóm Cầu Ðúc (Hậu Giang), khóm Tắc Cậu (Kiên Giang). Cũng nhờ cây khóm mà Bưng Sẩm hôm nay có đường giao thông trải nhựa phủ khắp. Xe tải trọng lớn vào tận vườn, rẫy thu mua nông sản của bà con, rồi đem lên bán ở Sài Gòn, xuống khắp ền Tây.

Vụ thu hoạch khóm đầu tiên có thể cho năng suất 3 tấn/công, vụ thứ 2 sẽ tăng lên 4 tấn/công. Với mức giá bán trung bình 6 triệu đồng/tấn, ước tính thu nhập bình quân đạt khoảng 240 triệu đồng/năm/hecta khóm.

Sau hơn 10 năm chuyển mình, Bưng Sẩm đã xoá trắng hộ nghèo. Thay vào đó có trên 80% hộ khá, giàu, tnhập trung bình đầu người đạt trên 68 triệu đồng/năm.

Hiện khóm Bưng Sẩm đã sánh ngang hàng với thương hiệu khóm nổi tiếng như: Tác Cậu, Cầu Đúc, Ba Đình.

Ông Nguyễn Thế Thành – ngụ xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Một công đất xuống giống 4 thiên khóm, từ ngày cuốc đất đến ngày thu hoạch là 12 tháng. Cây khóm này thu hoạch đến 3 lần/cây, đồng lời nở ra mỗi năm thêm 20 triệu/công đất. Gấp mấy lần trồng lúa”.

Tháng 5/2023, HTX Nông sản Bưng Sẩm đã được thành lập với 14 thành viên. Đây là yếu tố thuận lợi cho sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo định hướng hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Từng là vùng đất trũng sình lầy, cỏ dại mọc um tùm như cánh đồng hoang, một thời Bưng Sẩm “tối màu mây” chỉ còn trong ký ức xa xưa. Đường về Bưng Sẩm hôm nay khang trang, rộng rãi, xe bon bon chạy thẳng về làng khóm. Giữa cánh đồng khóm xanh ngút ngàn có dăm bảy người vừa chăm chút khóm non vừa kể nhau nghe chuyện hồi đó, chính là chuyện rũ bùn của Bưng Sẩm anh hùng.