“Kim cương khuyết” Nguyễn Thị Minh Tâm

Câu nói “họa vô đơn chí” có lẽ đúng với câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm (38 tuổi, giáo viên của trường THPT Thiên Hộ Dương, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Sau khi cha mất, cô bị tai nạn mất đi một chân, tuổi thanh xuân là những ngày cùng cực.

Với ý chí vượt lên bất hạnh để sống có ích, cô giáo Tâm đã vẽ lại bức tranh cuộc đời mình thật đẹp bằng việc cống hiến kiến thức đứng trên bục giảng và tự thành lập nhóm thiện nguyện để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.

15 năm mang chân giả đi khắp bốn phương, đích thân huy động hàng trăm suất học bổng, thạc sỹ Toán học Nguyễn Thị Minh Tâm đã trở thành người khơi nguồn cảm hứng sống và yêu một cách mãnh liệt cho cộng đồng.

Cô Tâm trong một buổi sinh hoạt tại trường, chia sẻ về nghị lực vượt khó sau biến cố tai nạn

PV: Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm hiện đang giáo viên trường THPT Thiên Hộ Dương. Những ngày lên bục giảng là những ngày đầy khó khăn với cô, nhưng bằng tình yêu nghề và ý chí vượt khó, đã giúp cô vượt qua tất cả những khó khăn này.

Thưa cô, chắc là cô Tâm đã trải qua một hành trình gian khổ, luyện tập để làm được những điều này phải không cô?

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm: Mang chân giả đi dạy đứng lâu sẽ mỏi chân thật, cấn đau lắm. Nhưng mà từ nào đến giờ khi đi dạy mình thích di chuyển đứng gần học sinh nên để an toàn thì mình luôn chủ động nắm chắc tình trạng sức khỏe để có cách tự đi đứng một cách vừa phải.

Thật sự mà nói việc mang chân giả, làm quen với chân giả và đi lại bằng chân giả là một hành trình đầy khó khăn. Mình tháo khớp gối nên cái phần thịt vón cục lại khi gắn chân giả vào là nó cấn rất đau, đi vấp té nhiều lần lắm.

PV: Rất khâm phục ý chí của cô Tâm, nhân đây cô có thể chia sẻ hành trình vượt qua bất hạnh để trở thành một cô Tâm yêu đời, giàu năng lượng như hôm nay được không, thưa cô?

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm: Năm 2008, mình tốt nghiệp đại học và được phân công về dạy ở trường THPT Tân Thành, huyện Tân Hồng, đây là ngôi trường ở vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp. Dạy đến năm thứ 2 thì vào một ngày mình chạy xe đi vận động học sinh ra lớp đã bị tai nạn, sau vụ tai nạn tỉnh dậy mình mới biết chân trái bị dập nát, không thể cứu chữa được nên bắt buộc tháo khớp gối. Mình mồ côi cha, còn mẹ nhưng cũng lớn tuổi, hai mẹ con nương tựa nhau, chưa hết khó khăn thì biến cố ập tới.

Sau khi khỏe hơn, tập làm quen với cuộc sống mới, mình đi tham gia các hoạt động thì nhận ra một bộ phận cộng đồng có chút kỳ thị người khuyết tật như mình và chưa cho mình cơ hội để đóng góp năng lực. Nhưng động lực to lớn của mình là nhận về rất nhiều tình yêu thương của người thân, bạn bè, học sinh. Từ đó mình phải đứng dậy, không gục ngã, không được buồn bã và chán nản.

PV: Nổi bật nhất của cô Tâm là lĩnh vực hoạt động thiện nguyện và tham gia các hoạt động thể thao. Cô có thể chia sẻ về điều này được không?

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm: Thật ra trước đây mình không tham gia bất kỳ một tổ chức thiện nguyện nào cả, mình chỉ hoạt động tự phát với hình thức lấy kinh nghiệm mình đã trải qua để giúp đỡ người khác. Đối tượng mình giúp đỡ có hoàn cảnh tương tự như mình.

Ví dụ mình mồ côi thì mình sẽ giúp các bạn mồ côi bằng cách mua tặng thẻ bảo hiểm y tế kết hợp với vận động học phí và động viên tinh thần, mình từng là bệnh nhân thì mình sẽ đi phát cơm từ thiện cho bệnh viện, mình là giáo viên thì hỗ trợ cho đồng nghiệp là giáo viên khi họ cần. Dành thời gian mỗi ngày học ngoại ngữ và chơi thể thao.

Khuyết tật nên mình cũng chưa tham gia thể thao qua trường lớp đào tạo nào, chỉ là tự tập để phát triển bản thân như: đánh cầu lông, lắc vòng, bơi lội và tham gia được 03 mùa của giải chạy marathon do TP.HCM và Đồng Tháp tổ chức.

PV: Dù những khó khăn do hạn chế trong sinh hoạt sẽ theo cô Tâm vĩnh viễn nhưng bằng nội lực và tinh thần lạc quan, cô Tâm đã vượt lên chính mình, làm tốt công tác được giao và đóng góp phần việc thiết thực cho xã hội. Cảm ơn cô Tâm, chúc cô luôn mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn để cùng chúng tôi lan tỏa những hành động tốt đẹp cho cộng đồng!

Sau khi bị tai nạn, cô Tâm tìm đến những người cùng cảnh ngộ để giúp đỡ

4h30 sáng, nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đã phát bánh canh, bánh tầm ễn phí tại bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Đồng Tháp. Trong số các thành viên đứng phát thức ăn có Cao Tiến Phát - học sinh lớp 12CB1, Trường THPT Trần Quốc Toản, TP Cao Lãnh. Tiến Phát có hoàn cảnh khó khăn, cha thường xuyên đau yếu, nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đã tặng Phát một suất học bổng bằng gói tiền mặt 5 triệu đồng.

Cảm kích tấm chân tình của cô Tâm và được nhóm thiện nguyện lan tỏa tinh thần “nhường sơm sẻ áo”, Tiến Phát tình nguyện tham gia nhóm từ thiện. Cao Tiến Phát tâm sự: "Em nhận học bổng vào tháng 12/2023, số tiền giúp em nhiều lắm trong việc trang trải chi phí, em cũng đỡ đi làm thêm để có thời gian học tập. Em ngưỡng mộ và quý cô Tâm lắm, dù bị tai nạn nhưng vẫn có tinh thần vươn lên".

Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm do cô Minh Tâm thành lập từ năm 2015, hoạt động trên tinh thần “giúp được bao nhiêu thì cố giúp”. Với 20 thành viên, nhóm đã tích cực triển khai phát cháo, hớt tóc ễn phí, thăm và tặng quà bệnh nhân nghèo.

Em Phan Thị Thúy Thanh – sinh viên trường Đại học Trà Vinh, thành viên nhóm thiện nguyện Nhất Tâm cho biết: "Để nhận xét về cô Tâm thì em chỉ biết nói một câu là ngưỡng mộ cô. Ở cô có sự kiên trì và kỷ luật rất cao, cô truyền tinh thần làm thiện nguyện, cách trao yêu thương đến mọi người. Từ đó em thấy ý nghĩa và đồng hành với cô đến bây giờ".

Cô Tâm trong một hoạt động vận động hiến tóc giúp đỡ bệnh nhân ung thư

Đặc biệt, học bổng Nhất Tâm là “đứa con” tinh thần của nhóm, trao trung bình 40 suất/năm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn kinh phí này được đích thân cô Tâm vận động từ các mạnh thường quân. Bên cạnh đó, cô Tâm cũng kết nối với các nhóm sinh viên để dạy các lớp ngoại ngữ ễn phí cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm chia sẻ: "Học bổng Nhất Tâm sẽ tặng mỗi em 5 triệu, ngoài ra các em được học tiếng anh ễn phí và sinh hoạt chuyên đề để học tập các kỹ năng. Được tặng sách và viết cảm nhận. Học bổng Nhất Tâm hướng đến hỗ trợ tài chính và động viên tinh thần mong giúp các em yêu đời giống như cô Tâm hoặc hơn cô Tâm nữa!"

Sau hoạt động thiện nguyện, cô Tâm lại trở về với nhiệm vụ chuyên môn. Trước đây, sau khi gặp tai nạn, cô Tâm được nhà trường tạo điều kiện làm bộ phận văn phòng, tuy nhiên cô Tâm đã xung phong đứng lớp chỉ sau đúng ba ngày làm hành chính. Nhiệt huyết, yêu nghề, mến trò, vững chuyên môn… là những gì đồng nghiệp và học trò THPT Thiên Hộ Dương cảm nhận được từ cô giáo Tâm.

Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, được phân công bồi dưỡng học sinh đi thi các cấp. Ngoài ra, cô Tâm còn sắp xếp thời gian học cao học ngành lý luận và phương pháp dạy học môn Toán và trở thành một giáo viên vững chuyên môn, truyền cảm hứng có tiếng ở trường.

Cô Tâm trong một hoạt động chơi thể thao
Với tinh thần "giúp được bao nhiêu thì giúp", nhóm thiện nguyện Nhất Tâm do cô Tâm khởi xướng đã giúp đỡ hàng trăm học sinh khó khăn về thẻ BHYT, học phí và học bổng.

Với những thành quả đã đóng góp, cô Nguyễn Thị Minh Tâm mang về số phần thưởng danh giá, như: Top 5 cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” (Hà Nội năm 2015); Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” giai đoạn 2008-2018; Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2022 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng; Giải thưởng Tỏa sáng Nghị lực Việt 2020 do Hội LHTN Việt Nam trao tặng; Giải thưởng KOVA với hạng mục “Sống đẹp” 2022 và được tỉnh Đồng Tháp chọn làm đại biểu tham dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2020.

Cô Tâm chia sẻ, thời gian tới, cô sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn, đặc biệt là lan tỏa Quỹ học bổng Nhất Tâm, chung tay với các nhà hảo tâm tiếp sức cho các em nhỏ đến trường, thực hiện ước mơ.

Từ một cô gái phải ôm cả bầu trời đen tối nay lại tỏa sáng thông qua nhiều nỗ lực được ghi nhận, truyền cảm ứng tự tin, vượt khó và là tấm gương điển hình người tốt, sống đẹp. Ngày tháng sau này, mong cô Tâm luôn bình an để cùng cộng đồng trao gửi hạnh phúc, yêu thương đến những nơi đang cần!