Sáng ngày 13/9, Bộ Y tế đã lập đoàn công tác do ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh đi kiểm tra, thăm hỏi tình hình cứu chữa các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra vào đêm 12/9 ở một chung cư ni số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Tính đến 11h trưa nay, bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 24 bệnh nhân, trong đó, có 3 bệnh nhân đang nguy kịch, phải thở máy. Ngoài ra có 2 bệnh nhân đã tử vong ngoại viện.
Bên ngoài khoa cấp cứu A9, vẫn còn tập trung rất đông người nhà các bệnh nhân, thậm chí có trường hợp chưa tìm được con nhỏ.
Ông N.V.T, bố một nạn nhân nữ được cứu sống cho biết, con gái ông ở chung với gia đình nhà chồng (5 người) sinh sống trên tầng 7 của chung cư. Khi xảy ra vụ việc, rất may, cả nhà đã được nhân viên cứu hộ giải thoát thành công.
“Con tôi bây giờ đã ổn định, thở oxy thôi. Lúc đó 12h tôi nghe có tiếng xe cấp cứu, người dân mới bảo là cháy từ 11h. Cứu hộ họ rất giỏi, đã cứu được nhiều người. Có nhân viên cứu hộ còn bị ngạt, phải khiêng ra”, ông T. cho hay.
Được biết, do tòa nhà chung cư này được xây theo dạng nhà ống, mật độ rất cao (200m2, với 50 căn hộ, 150 người sinh sống), nên khi xảy ra cháy rất khó để chạy thoát.
Nhiều người dân đã lựa chọn nhảy từ tầng cao xuống, chấp nhận đa chấn thương, để khỏi bị ngạt khói.
Thực tế cho thấy, hầu hết các bệnh nhân nhập viện phải thở oxy, theo dõi để chống độc khí CO. Bên cạnh đó, không ít bệnh nhân phải điều trị chấn thương chỉnh hình.
Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cùng các chuyên gia y khoa thống nhất cho rằng, vụ cháy chung cư ni lần này là một "cơn bão y khoa", cần tổ chức cấp cứu mức độ thảm họa.
“Toàn bộ chi phí trước mắt bệnh viện bố trí 100%, cả chế độ ăn, cả người nhà bệnh nhân đang chăm sóc. Thì trước mắt chúng tôi bỏ kinh phí bệnh viện ra. Tôi đã đề nghị các khoa phòng cần có đầu mối tập hợp báo cáo diễn biến theo ngày tình trạng của bệnh nhân”, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.
Cũng trong sáng nay, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh đã thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế đến thăm hỏi động viên các nạn nhân, đồng thời chỉ đạo bệnh viện Bạch Mai tập trung mọi nguồn lực để cứu chữa người bị nạn:
“Bộ Y tế đề nghị theo dõi sát sao người bệnh, lập tổ công tác đặc biệt để chỉ đạo, thực hiện cấp cứu cấp độ thảm họa. Ban giám đốc cử 1 đồng chí phụ trách. Ngoài ra, khoa Dược, trang thiết bị, dinh dưỡng và công tác xã hội cần quan tâm đến người nhà bệnh nhân, tiếp đón chu đáo, có bộ phận giải thích, không để họ tìm tứ tung trong bệnh viện về thông tin người nhà mình”.
Thông tin tổng hợp tại các bệnh viện và lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, khoảng 70 người dân đã được cứu sống thành công, 54 người được đưa đi cấp cứu, trong đó một số đã tử vong.
Thượng tá Trần Văn Đồng – Giảng viên Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy cho rằng, việc hình thành tòa nhà có diện tích sử dụng nhỏ cho gia đình gọi là chung cư ni đã bắt đầu cách đây 5-7 năm. Việc kiểm tra rà soát vẫn diễn ra thường xuyên, trong đó quy định rất rõ với các chủ hộ tại Nghị định 136 phải kiểm tra, khắc phục thường xuyên nguy cơ cháy nổ trong phạm vi, căn hộ của mình.
Theo ông Đồng, đối với cơ quan quản lí nhà nước, sau vụ cháy này, cần tăng cường rà soát, kiểm tra điều kiện phòng cháy chữa cháy với mô hình chung cư ni.
Cũng liên quan đến vụ cháy nghiêm trọng này, sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các chung cư ni, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật./.